Khoa học mở và dữ liệu mở trong xây dựng chương trình phát triển của địa phương (thông qua trường hợp luật Đất đai)

Thứ hai - 11/07/2022 03:26
Khoa học mở và dữ liệu mở trong xây dựng chương trình phát triển của địa phương (thông qua trường hợp luật Đất đai)

(Bài viết và trình bày tại Hội nghị tập huấn “Tăng cường năng lực của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trúng cử lần đầu”do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, UNDP và Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 11-12/07/2022 tại Hà Nội)

Tóm tắt: Tranh chấp đất đai phức tạp cùng với sự nhức nhối trong phòng chống tham nhũng có liên quan tới đất đai cho thấy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý đất đai và phòng chống tham nhũng trở thành những vấn đề cấp bách cần giải quyết càng sớm càng tốt. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, có thể áp dụng tiếp cận khoa học mở và dữ liệu mở để giúp giảm nhẹ và/hoặc loại bỏ những vấn đề nêu trên.

Các từ khóa: khoa học mở, dữ liệu mở, Luật đất đai, phòng chống tham nhũng, cơ sở dữ liệu đất đai, hiến chương dữ liệu mở quốc tế, sử dụng dữ liệu mở để chống tham nhũng.


A. Đặt vấn đề

Các khó khăn phức tạp nảy sinh từ việc tranh chấp đất đai (ví dụ, các vụ việc Đoàn Văn Vươn, Đồng Tâm...), cùng với nó là sự nhức nhối trong phòng chống tham nhũng có liên quan tới đất đai (TBT Nguyễn Phú Trọng: Nhiều người giàu lên nhờ đất nhưng đi tù cũng vì đất) cho thấy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý đất đai và phòng chống tham nhũng có liên quan tới đất đai đã và đang trở thành những vấn đề cấp bách cần giải quyết càng sớm càng tốt. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, có thể áp dụng tiếp cận khoa học mở và dữ liệu mở trong kỷ nguyên số ngày nay để giúp giảm nhẹ và/hoặc loại bỏ những vấn đề nêu trên vì sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam.


B. Nhìn qua triết lý của MỞ với văn hóa vài ngàn năm lịch sử của Việt Nam

Triết lý của MỞ, hay còn gọi là triết lý của quả táo và ý tưởng được nêu như sau:

Tôi có một quả táo, bạn có một quả táo, nếu chúng ta trao đổi cho nhau thì mỗi người vẫn có một quả táo. Tôi có một ý tưởng, bạn có một ý tưởng, nếu chúng ta trao đổi cho nhau thì mỗi người sẽ có hai ý tưởng.”

Ở đây, quả táo là đại diện cho những thứ hữu hình sờ mó được, như mảnh đất, ngôi nhà, mỏ dầu hay hòn đảo, .v.v.; còn ý tưởng là đại diện cho những thứ vô hình không sờ mó được, như phần mềm, nội dung số, và tất cả những gì là kết quả của việc số hóa - bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi số. Điều dễ tưởng tượng là những thứ hữu hình sẽ luôn dần cạn kiệt, trong khi với chuyển đổi số và Internet trong kỷ nguyên số ngày nay, những thứ vô hình sẽ ngày càng nhiều, vô cùng nhiều và ngày càng thừa thãi.

Triết lý trên đã chỉ ra nguyên tắc cộng lực để phát triển và nguyên tắc này chỉ có thể thịnh vượng được khi cùng một lúc có 2 điều kiện, là VÔ HÌNH và MỞ, vì nếu VÔ HÌNH mà ĐÓNG thì cũng không có giá trị do không có chia sẻ, và vì thế không thể có việc mỗi người có hai ý tưởng được.

Hình 1. Triết lý của MỞ

Với văn hóa của người Việt Nam bốn ngàn năm lịch sử, ai cũng đều biết tới các thành ngữ mà các thế hệ cha ông truyền đời cho chúng ta như ‘tiền nào của nấy’ hay ‘ăn bánh trả tiền’, chúng thấm vào trong chúng ta và thường điều khiển cách hành xử của chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, điều khác biệt cơ bản so với ông cha chúng ta hàng ngàn năm trước, là chúng ta ngày nay có Internet, và vì thế có lẽ văn hóa ‘tiền nào của nấy’ hay ‘ăn bánh trả tiền’ khi được áp dụng vào trong nền kinh tế số và xã hội số chủ yếu dựa vào Internet, là không chắc còn phù hợp nữa, bởi chúng ta đều biết rất rõ rằng nhiều ứng dụng, dịch vụ kỹ thuật số trên Internet mà chúng ta sử dụng thường ngày không phải trả tiền, trong khi các ứng dụng dịch vụ đó lại có chất lượng tốt, thậm chí rất tốt, và các hãng tạo ra chúng lại là các tập đoàn giàu có hàng đầu thế giới, như Google, Facebook và nhiều doanh nghiệp số khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông[1]. Điều này được giải thích vì các mô hình kinh doanh đi với chúng là khác và/hoặc rất khác so với các mô hình kinh doanh truyền thống, kiểu ‘tiền nào của nấy’ và ‘ăn bánh trả tiền’, bốn ngàn năm lịch sử của người Việt Nam chúng ta.


C. Tổng quan về Khoa học Mở và Dữ liệu Mở trong kỷ nguyên kỹ thuật số ngày nay

C1. Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO 2021, với dữ liệu nghiên cứu mở là 1 trong 5 thành phần của Kiến thức Khoa học Mở.

Ngày 23/11/2021, tại Hội nghị toàn thể của UNESCO lần thứ 41, Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO[2] đã được 193 quốc gia thành viên của nó nhất trí thông qua, biến Khoa học Mở (KHM) trở thành xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay.

Tài liệu khuyến nghị Khoa học Mở (KN KHM) khẳng định những điều sau: (1) Đây là công cụ tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về Khoa học Mở (KHM); (2) KN đưa ra định nghĩa KHM lần đầu tiên với sự đồng thuận quốc tế; (3) KN đưa ra sự đồng thuận về các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc hướng dẫn của KHM; (4) KN đề cập tới nhiều tác nhân và các bên liên quan của KHM; (5) Khuyến nghị các hành động ở các mức khác nhau để vận hành các nguyên tắc của KHM; (6) KN đề xuất các tiếp cận tới KHM ở các giai đoạn khác nhau của vòng đời khoa học; (7) KN kêu gọi phát triển khung giám sát KHM toàn diện.

Định nghĩa KHM: là cấu trúc toàn diện kết hợp các phong trào và thực hành khác nhau nhằm làm cho kiến thức khoa học đa ngôn ngữ là sẵn sàng mở, truy cập được và sử dụng lại được cho bất kỳ ai, làm gia tăng cộng tác khoa học và chia sẻ thông tin vì lợi ích của khoa học và xã hội, và mở ra các quy trình tạo lập, đánh giá và truyền thông kiến thức khoa học tới các tác nhân xã hội vượt ra khỏi cộng đồng khoa học truyền thống. Nó gồm tất cả các ngành khoa học và các khía cạnh của thực hành học thuật, bao gồm các khoa học cơ bản và ứng dụng, các khoa học tự nhiên và xã hội và nhân văn, và nó xây dựng dựa vào các trụ cột chính sau: kiến thức khoa học mở, các hạ tầng khoa học mở, truyền thông khoa học, sự tham gia mở của các tác nhân xã hội và đối thoại mở với các hệ thống kiến thức khác.

Để ngắn gọn, có thể nêu như sau: KHM: (1) làm cho kiến thức khoa học là sẵn sàng mở, truy cập được và sử dụng lại được đối với bất kỳ ai; (2) làm gia tăng sự cộng tác và chia sẻ thông tin khoa học vì lợi ích của khoa học và xã hội; và (3) mở ra các quy trình tạo lập, đánh giá và truyền thông kiến thức khoa học cho các tác nhân xã hội vượt ra khỏi cộng đồng khoa học truyền thống.

Hình 2. Các trụ cột và thành phần của Khoa học Mở

KHM dựa vào các trụ cột như trên Hình 2. Từng trụ cột có các thành phần của nó, ví dụ như, KT KHM gồm 5 thành phần là: (1) Xuất bản phẩm khoa học; (2) Dữ liệu nghiên cứu mở; (3) Tài nguyên Giáo dục Mở; (4) Phần mềm nguồn mở và mã nguồn mở; và (5) Phần cứng mở. Từng thành phần của KT KHM đều có định nghĩa riêng của nó, ví dụ, dữ liệu nghiên cứu mở được định nghĩa là:

Dữ liệu nghiên cứu mở bao gồm, trong số những điều khác, dữ liệu dạng số và tuần tự, cả thô và được được xử lý, và siêu dữ liệu kèm theo, cũng như các điểm số, các hồ sơ văn bản, các hình ảnh và âm thanh, các giao thức, mã phân tích và tiến trình có thể được mở cho bất kỳ ai để sử dụng, sử dụng lại, giữ lại và phân phối lại, tuân thủ thừa nhận ghi công. Dữ liệu nghiên cứu mở là sẵn sàng ở định dạng kịp thời và thân thiện với người sử dụng, người và máy đọc được và hành động được, phù hợp với các nguyên tắc của điều hành và quản trị dữ liệu tốt, ấy là các nguyên tắc Tìm thấy được, Truy cập được, Tương hợp được, Sử dụng lại được – FAIR (Findable, Accessible, Interoperable, Reusable), được sự giám tuyển và duy trì thường xuyên hỗ trợ.

KN KHM của UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên của UNESCO ưu tiên 7 lĩnh vực hành động triển khai KN KHM sau: (1) Thúc đẩy sự hiểu biết chung về khoa học mở, các lợi ích và thách thức có liên quan, cũng như các con đường đa dạng tới khoa học mở; (2) Phát triển môi trường chính sách tạo thuận lợi cho khoa học mở; (3) Đầu tư vào các hạ tầng và dịch vụ khoa học mở; (4) Đầu tư vào nhân lực, giáo dục, đào tạo, sáng số và xây dựng năng lực cho khoa học mở; (5) Thúc đẩy văn hóa khoa học mở và điều chỉnh các ưu đãi cho khoa học mở; (6) Thúc đẩy các tiếp cận đổi mới sáng tạo cho khoa học mở ở các giai đoạn khác nhau của quá trình khoa học; và (7) Thúc đẩy hợp tác quốc tế và nhiều bên liên quan trong bối cảnh khoa học mở và với quan điểm nhằm làm giảm các phân cách số, công nghệ và kiến thức.

C2. Tổng quan về dữ liệu mở, vai trò và tầm quan trọng của dữ liệu mở ngày nay

Trước khi nói về dữ liệu mở là gì, chúng ta nói về dữ liệu là gì. Có nhiều định nghĩa dữ liệu. Một trong số các định nghĩa dữ liệu được nhiều người thừa nhận được nêu như sau: Dữ liệu là các dữ kiện có thể được phân tích hoặc sử dụng trong một nỗ lực để thu nhận kiến thức hoặc đưa ra quyết định; thông tin[3]. Hình 3 giải thích về mối quan hệ giữa dữ liệu (Data), thông tin (Information), kiến thức (Knowledge) và sự thông thái (Wisdom)[4]. Điều này cũng giải thích vì sao người ta nói dữ liệu là nguyên liệu thô, cơ bản và quan trọng trong kỷ nguyên số.

Hình 3. Mối quan hệ giữa dữ liệu, thông tin, kiến thức và sự thông thái

Định nghĩa dữ liệu mở. Khóa học cơ bản về Dữ liệu Mở trong chương trình học tập điện tử trên Cổng Dữ liệu châu Âu[5] định nghĩa dữ liệu mở như sau:

  • Dữ liệu mở là dữ liệu mà bất kỳ ai cũng có thể truy cập, sử dụng và chia sẻ.

  • Dữ liệu mở trở nên có thể sử dụng được khi được cung cấp ở định dạng phổ biến, máy có thể đọc được.

  • Dữ liệu mở phải được cấp phép mở. Giấy phép của nó phải cho phép mọi người sử dụng dữ liệu đó theo bất kỳ cách gì họ muốn, bao gồm biến đổi, kết hợp và chia sẻ nó với những người khác, ngay cả với mục đích thương mại.

Nói rộng ra, không chỉ dữ liệu mở phải được cấp phép mở, mà toàn bộ các thành phần của KT KHM đều cần phải được cấp phép mở[6]. Trong khi xuất bản phẩm khoa học, dữ liệu nghiên cứu mở và tài nguyên giáo dục mở thường được cấp phép mở bằng các giấy phép mở Creative Commons, thì phần mềm nguồn mở[7] và phần cứng mở[8] được cấp phép mở bằng các giấy phép theo các hệ thống giấy phép mở của riêng chúng. Ngoài ra, không phải bất kỳ giấy phép mở Creative Commons nào cũng có thể phù hợp để cấp cho các thành phần của KT KHM, như được giải thích trên Hình 4.

Hình 4. Kiến thức Khoa học Mở và việc cấp phép mở Creative Commons[9]

Cấp phép mở là cách để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt trong kỷ nguyên số, cả cho các tác giả và cho những người sử dụng. Theo Luật sở hữu trí tuệ, bất cứ khi nào bạn muốn sử dụng một tác phẩm do tác giả tạo ra, bạn cần phải xin phép tác giả đó. Với việc cấp phép mở, ví dụ, cho một tài liệu để nó trở thành tài nguyên giáo dục mở hoặc kiến thức khoa học mở, chính tác giả là người thực hiện việc cấp phép mở và bằng cách đó, tác giả cho phép trước rồi người sử dụng các quyền để họ truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh, và phân phối lại tài liệu đó; còn người sử dụng khi dùng tác phẩm đó sẽ có bổn phận thừa nhận ghi công cho tác giả và tuân thủ các quyền mà tác giả đã trao trước rồi cho họ.

Nhiều thông tin hơn về vai trò và tầm quan trọng của dữ liệu mở sẽ được nêu ở phần Giới thiệu Hiến chương dữ liệu mở quốc tế ở bên dưới của bài viết này.

C3. Cơ hội và thách thức của khoa học mở và dữ liệu mở ở Việt Nam

Ngày 25/08/2021, Vụ Hợp tác Quốc tế và Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên của Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức tọa đàm Khoa học Mở - Cơ hội và thách thức với Việt Nam[10]. Tọa đàm cho thấy KHM có thể đem lại nhiều cơ hội, bên cạnh nhiều thách thức không chỉ cho Việt Nam, mà tương tự, cho bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. KHM mang lại nhiều lợi ích cho nhiều bên liên quan: hiệu quả, chất lượng và liêm chính nghiên cứu, lợi ích kinh tế, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, công khai và hòa nhập, và lợi ích toàn cầu[11]. Ở chiều ngược lại, KHM cũng có các thách thức tiềm tàng về nhiều mặt như: văn hóa - xã hội, công nghệ, chính trị, tổ chức, kinh tế, pháp lý, và có thể với các rào cản về lợi ích kinh tế, quyền riêng tư và bảo mật[12].

Một trong những thách thức lớn nhất trong triển khai KHM ở Việt Nam là nhận thức của giới khoa học nói chung ở Việt Nam về KHM còn chưa cao, đặc biệt những lo ngại về tác động xấu của các tạp chí truy cập mở săn mồi (Predatory Open Access Journals). Những sáng kiến gần đây về minh bạch các chi phí xuất bản của các tạp chí hay việc triển khai các tạp chí truy cập mở kim cương (Diamond Open Access Journals)[13] với việc cả các tác giả lẫn người sử dụng các xuất bản phẩm khoa học được đăng trên các tạp chí đó đều không phải trả tiền, cùng với những cải cách các hệ thống đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu với mục tiêu là nghiên cứu và các nhà nghiên cứu sẽ được đánh giá dựa vào các thành tích và hiệu năng nội tại của họ thay vì dựa vào số lượng các xuất bản phẩm và nơi chúng được xuất bản theo Yếu tố Tác động của Tạp chí - JIF (Journal Impact Factor), thúc đẩy phán xét định tính với rà soát lại ngang hàng, được hỗ trợ bằng việc sử dụng có trách nhiệm hơn các chỉ số định lượng[14], đang giúp giảm nhẹ và/hoặc loại bỏ lo ngại này.

Hình 5. Có rất ít dữ liệu mở ở Việt Nam hiện nay[15]

Dữ liệu mở có tiềm năng giúp tăng trưởng kinh tế, biến đổi xã hội và bảo vệ môi trường. Các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng dữ liệu mở để tạo ra giá trị mới vì lợi ích của xã hội, kinh tế và môi trường. Hiện nay ở Việt Nam, dữ liệu mở, như được định nghĩa ở phần trên, hầu như chưa có; dễ nhận biết nhất, là chúng không được cấp phép mở đúng và/hoặc không đi với các định dạng máy đọc được. Ví dụ, trên Cổng dữ liệu mở quốc gia, trong tổng số 10.496 tập hợp dữ liệu, chỉ có 82 là được cấp phép mở theo giấy phép mở Creative Commons Attribution Share-Alike (CC BY-SA) (xem Hình 5) phù hợp với định nghĩa dữ liệu mở được nêu ở trên.


D. Vấn đề cấp bách: sửa đổi Luật đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia

D1. Sửa đổi Luật đất đai để phát huy nguồn lực cho đất nước phát triển

Ngày 12/05/2022, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài viết[16]: Tổng Bí thư: Sửa đổi Luật Đất đai [17]để phát huy nguồn lực cho đất nước phát triển, có đoạn:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội là phải khẩn trương sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần mới để phát huy tối đa nguồn lực từ đất cho đất nước phát triển. Tuy nhiên, sửa đổi thế nào để phát huy thế mạnh của đất đai là rất khó. Do đó, đòi hỏi vừa phải có nghiên cứu, tổng kết mang tầm chiến lược nhưng cũng phải thiết thực, hằng ngày…

Theo VTCNow ngày 04/05/2022[18], trong phiên họp Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ việc nhiều người

Giàu lên nhờ đất, đi tù cũng vì đất, mất cả anh em tình nghĩa cũng vì đất.

Cũng theo VTCnow ngày 10/05/2022[19], phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói:

Thể chế chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện bức xúc trong nhân dân.

Những điều nêu trên cho thấy việc sửa đổi Luật đất đai và phòng chống các tiêu cực và tham nhũng đất đai là nhiệm vụ cấp bách cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

D2. Tổng quan về Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia

Trang tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường đăng bài về Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia với các thông tin[20] tóm tắt như sau:

Mục tiêu là nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân; đồng thời tạo nền tảng dữ liệu phục vụ triển khai, vận hành Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Bài đăng cũng nêu chi tiết các khía cạnh của cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia gồm: (1) Phạm vi dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia; (2) Đối tượng và mục đích sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia; (3) Nguồn thông tin sẽ xây dựng và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia; và (4) Phương thức chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia.

Phương thức chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia được nêu chi tiết với 2 phương thức như sau:

  • Bắt buộc chia sẻ theo mặc định: Kết nối, chia sẻ dữ liệu trực tuyến với các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu quốc gia, của các bộ, ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, cấp tỉnh (LGSP), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP); Cổng Dịch vụ công quốc gia; Cổng Dữ liệu quốc gia…; Cung cấp dữ liệu trực tiếp ….

  • Chia sẻ theo yêu cầu đặc thù: Cung cấp dữ liệu trực tuyến cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân theo quy định của pháp luật qua Cổng Thông tin đất đai quốc gia; Cổng Dịch vụ công quốc gia; Cổng dữ liệu và Cổng dữ liệu mở ngành tài nguyên và môi trường; Cổng dữ liệu Quốc gia; Cung cấp dữ liệu trực tiếp ….

'Phải hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm 2022', là tiêu đề của bài đăng trên trang ictnews[21] nhân Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra ngày 22/12/2021. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói:

Năm 2022 tập trung làm bằng được, cơ bản phải hoàn thành cơ sở dữ liệu về tài nguyên và đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, đó là tài nguyên đất đai. Nếu chúng ta hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai sẽ tạo tác động lớn trong xã hội, không kém gì câu chuyện chúng ta vừa làm với thanh toán điện tử.

Điều này cho thấy tầm quan trọng và mức độ cấp bách của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

D3. Các văn bản gần đây của chính phủ liên quan tới việc chia sẻ dữ liệu của chính phủ

Công văn số 677/BTTTT-THH của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 03/03/2022 về việc hướng dẫn kết nối và chia sẻ dữ liệu thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia[22] với các phụ lục đi kèm. Công văn này liệt kê một loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành có liên quan tới việc kết nối và chia sẻ dữ liệu của chính phủ, bao gồm dữ liệu mở của chính phủ:

  • Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ quy định về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

  • Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

  • Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

  • Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030;

  • Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0;

Các văn bản được nêu ở đây đều có thể tìm thấy trên trang tin điện tử của chính phủ và của Bộ Thông tin và Truyền thông.


E. Kinh nghiệm chống tham nhũng của thế giới bằng dữ liệu mở

Một trong các công cụ phòng chống tham nhũng hiệu quả trên thế giới là bằng dữ liệu mở!

E1. Giới thiệu Hiến chương dữ liệu mở quốc tế và các nguyên tắc của nó

Hiến chương dữ liệu mở quốc tế[23] - ODC (Open Data Charter) là sự cộng tác giữa hơn 150 chính phủ và tổ chức làm việc để mở dữ liệu ra dựa trên một tập hợp các nguyên tắc chung. Họ thúc đẩy các chính sách và thực hành xúc tác cho các chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự để thu thập, chia sẻ, và sử dụng dữ liệu được quản lý tốt, để ứng phó hiệu quả và có trách nhiệm cho các lĩnh vực trọng tâm sau: chống tham nhũng, hành động vì khí hậu và đối xử công bằng.

Sứ mệnh của ODC. Làm cho dữ liệu sẵn sàng mở và tự do không mất tiền, trong khi bảo vệ các quyền của con người và cộng đồng. Để thấy sự thay đổi này giúp giải quyết một số thách thức cấp bách nhất của thời đại chúng ta, tạo ra các xã hội công bằng hơn và các nền kinh tế đổi mới hơn.

Tầm nhìn của ODC. Chúng tôi muốn một thế giới ở đó các chính phủ thu thập, chia sẻ và sử dụng dữ liệu được quản lý tốt, để ứng phó hiệu quả và có trách nhiệm các thách thức cấp bách nhất về xã hội, kinh tế, và môi trường của chúng ta. Chúng tôi muốn điều này xảy ra một cách mặc định trừ khi nó vi phạm nhân quyền một cách rõ ràng. Đặc biệt, chúng tôi muốn:

  • các công chức cân bằng sự đánh đổi giữa việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình bằng việc sử dụng dữ liệu và bảo vệ quyền con người và các cộng đồng

  • các công dân có khả năng dễ dàng thấy và gây ảnh hưởng tới những gì các công chức làm, và tin tưởng các thể chế của họ

  • mọi người có khả năng sử dụng dữ liệu sẵn sàng mở và các công cụ tự động hóa có trách nhiệm để tiếp cận các dịch vụ công bình đẳng

Định nghĩa dữ liệu mở trong tài liệu Hiến chương dữ liệu mở quốc tế - IODC (International Open Data Charter)[24] do ODC xuất bản:

Dữ liệu mở là dữ liệu kỹ thuật số được làm cho sẵn sàng với các đặc tính kỹ thuật và pháp lý cần thiết để nó được tự do không mất tiền cho bất kỳ ai sử dụng, sử dụng lại, và phân phối lại bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu.

IODC khẳng định vai trò và tầm quan trọng của dữ liệu mở bằng một danh sách liệt kê gồm 12 điểm. Bên dưới đây chỉ nêu tóm tắt 3 điểm đầu tiên của danh sách đó:

  • Dữ liệu mở nằm ở trung tâm của sự dịch chuyển toàn cầu mà tất cả chúng ta đang chứng kiến, được công nghệ và các phương tiện kỹ thuật số tạo thuận lợi, và được dữ liệu và thông tin thúc đẩy.

  • Việc xây dựng một xã hội thịnh vượng hơn, công bằng và bình đẳng hơn đòi hỏi các chính phủ minh bạch và có trách nhiệm giải trình, và họ tham gia thường xuyên và có ý nghĩa với các công dân. Dữ liệu mở là quan trọng để đáp ứng các mục tiêu đó.

  • Dữ liệu mở xúc tác cho các chính phủ, công dân, và các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân để đưa ra các quyết định có đầy đủ thông tin hơn, tốt hơn.

IODC đưa ra bộ 6 nguyên tắc cơ bản về dữ liệu và phân tích chi tiết từng nguyên tắc đó, điều rất cần thiết cho bất kỳ ai có quan tâm tới việc truy cập, phát hành và sử dụng dữ liệu. Chúng gồm:

  1. Mở mặc định

  2. Kịp thời và toàn diện

  3. Truy cập được và sử dụng được

  4. So sánh được và tương hợp được

  5. Vì sự điều hành và tham gia của công dân được cải thiện

  6. Vì sự phát triển và đổi mới sáng tạo toàn diện

lẽ tài liệu IODC là rất cần thiết và rất tốt cho bất kỳ ai làm việc với dữ liệu mở, vì nó không chỉ chỉ ra các nguyên tắc cơ bản về dữ liệu, mà còn đưa ra được đầy đủ các khía cạnh kỹ thuật và phi kỹ thuật cần thiết khi làm việc với dữ liệu và dữ liệu mở.

E2. Giới thiệu các nguyên tắc dữ liệu mở chống tham nhũng của G20

Vào năm 2015, Nhóm Làm việc Chống tham nhũng - ACWG (Anti-corruption Working Group) của G20 xuất bản tài liệu Giới thiệu lưu ý về các nguyên tắc dữ liệu mở chống tham nhũng của G20[25]. Tài liệu đưa ra các nguyên tắc dữ liệu mở và vai trò quan trọng của nó trong việc phòng chống tham nhũng.

Một mặt, tài liệu đưa ra bộ 6 nguyên tắc cơ bản và phân tích chi tiết từng nguyên tắc đó như trong tài liệu IODC của ODC được nêu ở trên, mặt khác nó có phần nội dung dành riêng cho Dữ liệu mở để chống tham nhũng, cụ thể như sau:

“Dữ liệu mở có thể giúp phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tuân thủ theo luật quốc gia và các kinh nghiệm, bằng việc soi sáng vào các hoạt động, các quyết định, và các chi tiêu của chính phủ; cũng như nâng cao các mức trách nhiệm giải trình, cho phép các công dân và chính phủ giám sát tốt hơn dòng chảy và sử dụng tiền công trong và xuyên các đường biên giới. Dữ liệu mở có thể tạo thuận lợi cho điều này, đặc biệt bằng việc:

  • Theo dõi tiền: cho biết tiền công được chi tiêu như thế nào và ở đâu, điều này cung cấp động lực mạnh mẽ cho các chính phủ để chứng minh rằng họ đang sử dụng tiền công một cách hiệu quả;

  • Hợp đồng mở: cho phép tìm kiếm, phân tích và hiểu rõ hơn về các quy trình mua sắm công, thông qua việc tăng cường tiết lộ dữ liệu có thể sử dụng lại được ở các định dạng máy có thể đọc được xung quanh toàn bộ vòng đời của hoạt động mua sắm, bao gồm các giai đoạn lập kế hoạch, đấu thầu, trao thầu, triển khai và đánh giá, phù hợp với luật pháp và các quy định của quốc gia, cũng như khả năng của quốc gia.

  • Thay đổi các ưu đãi: bằng cách sửa đổi các môi trường dễ gây ra tham nhũng và ngăn chặn việc lách luật, xung đột lợi ích, cũng như sự tù mù trong vận động hành lang và xoay cửa, thông qua tính minh bạch và tăng cường giám sát các công việc của chính phủ từ tất cả các thành phần xã hội; và,

  • Xúc tác cho cộng tác xuyên lĩnh vực: hỗ trợ các chính phủ, công dân, xã hội dân sự và các tổ chức khu vực tư nhân để cộng tác trong thiết kế các chính sách để phòng chống tham nhũng và nâng cao sự liêm chính của chính phủ.”

E3. Chỉ dẫn về sử dụng dữ liệu mở để chống tham nhũng với hàng loạt cơ sở dữ liệu, bao gồm cơ sở dữ liệu quản lý đất đai

Vào năm 2017, ODC đã xuất bản tài liệu Chỉ dẫn mở ra: Sử dụng Dữ liệu Mở để chống tham nhũng[26]. Khác với các tài liệu ở trên được nêu trong phần này, tài liệu này chi tiết hóa các cách thức sử dụng dữ liệu mở, các tiêu chuẩn mở, các tập hợp dữ liệu và cơ sở dữ liệu, và các biện pháp phi kỹ thuật khác để chống tham nhũng. Tài liệu có phần tổng quan, 4 chương và phần phụ lục. Ở mỗi phần nội dung của tài liệu, đều có một đoạn chỉ dẫn quan trọng cho phần nội dung đó. Đoạn giới thiệu toàn bộ tài liệu ở ngay phần đầu của nó, nêu:

Tài nguyên thực tế này nhận diện các tập hợp dữ liệu ưu tiên, các tiêu chuẩn mở và các trường hợp điển hình về dữ liệu mở mà các chính phủ, xã hội dân sự và các bên tham gia đóng góp khác có thể tập trung vào để xử lý tham nhũng ở tất cả các mức và để ứng phó với các mạng tham nhũng phức tạp ngày một gia tăng.

Dưới đây lần lượt nêu ngắn gọn đoạn chỉ dẫn và các nội dung chính của từng phần:

Tổng quan. Tham nhũng có ảnh hưởng khổng lồ lên đời sống của mọi người khắp trên thế giới. Khi tiền cần được chi cho các trường học, bệnh viện và các dịch vụ khác của chính phủ nằm trong tay của các quan chức bất lương, thì mọi người đều thua thiệt. Các nội dung chính của phần này: (1) Một vài ví dụ điển hình của việc sử dụng dữ liệu mở để chống tham nhũng trên thế giới; (2) Những gì cần phải có để chống tham nhũng; (3) Liệt kê vài nội dung cần thiết để chống tham nhũng như: (3a) các trường hợp điển hình và các phương pháp luận; (3b) 30 tập hợp dữ liệu (dataset) ưu tiên và các thuộc tính chính cần thiết để chúng có thể nói cho nhau được; và (3c) Các tiêu chuẩn dữ liệu cần thiết cho việc chống tham những bằng dữ liệu mở; (4) Các bước tiếp sau.

Phần 1 - Khung phân tích. Minh bạch đóng vai trò quan trọng trong việc thách thức tham nhũng, nhưng là quan trọng phải đi vượt ra khỏi ý tưởng rằng việc mở ra dữ liệu trực tiếp đồng nghĩa với tham nhũng sẽ giảm. Dữ liệu mở chỉ có thể đóng vai trò hiệu quả trong việc triệt phá các mạng tham nhũng, nếu các chính phủ đảm bảo tính sẵn sàng và tính tương hợp của nó, và tất cả các bên tham gia đóng góp đặt dữ liệu mở vào sử dụng như là công cụ thực hành. Các nội dung chính của phần này: (1) Giới thiệu: ứng phó thách thức của tham nhũng; (2) Nền tảng: Phát triển Chỉ dẫn mở ra để chống tham nhũng; (3) Chiến lược: Liên kết dữ liệu mở với các chiến lược chống tham nhũng;

Phần 2 - Dữ liệu mở chống tham nhũng. Hạ tầng dữ liệu chống tham nhũng vững chắc cần một dải các tập hợp dữ liệu khác nhau, được xuất bản với chất lượng cao và theo các cách thức cho phép các kết nối sẽ được thực hiện giữa chúng. Sự gắn kết mạch lạc với các tiêu chuẩn dữ liệu mở đóng góp vào việc đảm bảo số lượng lớn hơn những người sử dụng có thể hưởng lợi từ các dữ liệu có sẵn đó. Các nội dung chính của phần này: (1) Tổng quan: Dữ liệu chống lại các mạng tham nhũng; (2) Các nền tảng vững chắc của hạ tầng dữ liệu chống tham nhũng;

Phần 3 - Sử dụng Dữ liệu Mở. Dữ liệu mở có thể là tài nguyên chống tham nhũng cho các chính phủ, xã hội dân sự, các nhà báo và khu vực tư nhân. Các chiến lược thích hợp về sử dụng dữ liệu là khác nhau giữa các khu vực, và giai đoạn của vòng đời chống tham nhũng đang được giải quyết. Các nội dung chính của phần này: (1) Từ thu thập tới sử dụng dữ liệu; (2) Phòng ngừa; (3) Dò tìm; (4) Điều tra; (5) Thi hành (ép tuân thủ);

Phần 4 - Các kết luận. Dữ liệu mở là công cụ sống còn trong giải quyết các mạng tham nhũng phức tạp. Có thực hành và các ví dụ ảnh hưởng đầy hứa hẹn đang nổi lên. Tuy nhiên, có con đường dài phía trước để đảm bảo các chính sách minh bạch và chống tham nhũng tất cả dẫn tới dữ liệu tương hợp được sao cho sử dụng được và có hiệu quả. Nội dung chính của phần này: đưa ra vài gợi ý cụ thể để chống tham nhũng.

Phần phụ lục. Phần này liệt kê 30 tập hợp dữ liệu cùng với các trường thông tin cần thiết đối với từng tập hợp dữ liệu đó để sử dụng trong phòng chống tham nhũng; Một trong các tập hợp dữ liệu đó là đăng ký đất đai. Phần liệt kê chi tiết hơn về 30 tập hợp dữ liệu đó cũng có sẵn trên Internet[27].

Lưu ý: T1ài liệu nhấn mạnh rằng để chống tham nhũng hiệu quả, không chỉ sử dụng một tập hợp dữ liệu, ví dụ như tập hợp dữ liệu về đăng ký đất đai, mà nên sử dụng cùng một lúc và có liên kết với nhau cả 30 tập hợp dữ liệu đó. Để thích nghi với bối cảnh từng quốc gia, có thể nói, sử dụng cùng một lúc càng nhiều càng tốt các tập hợp dữ liệu trong số chúng.

E4. Dữ liệu mở và việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của công dân

Một trong những vấn đề thường hay được bàn tới khi tranh luận về mở dữ liệu, là dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của công dân, ví dụ, được nêu trong Quy định Bảo vệ Dữ liệu cá nhân - GDPR (General Data Protection Regulation) của Ủy ban châu Âu. Trong thực tế, việc từ chối mở dữ liệu có nguồn gốc từ dữ liệu cá nhân, thường được nêu vì lý do sợ vi phạm quyền riêng tư của công dân. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nước ngoài cho thấy, dữ liệu cá nhân hoàn toàn có thể trở thành dữ liệu mở[28] bằng việc sử dụng các kỹ thuật ẩn danh để loại bỏ đi các dữ liệu nhạy cảm, trong khi vẫn tôn trọng, không vi phạm quyền riêng tư của công dân và tận dụng được nhiều lợi ích mà dữ liệu mở đem lại. Hiện nay trên thế giới đã có nhiều phần mềm nguồn mở tuân thủ GDPR[29], hoặc cũng đã có Khung Ra quyết định Ẩn danh mức quốc gia, ví dụ như của Vương quốc Anh[30], để giúp gia tăng việc tạo lập và chia sẻ dữ liệu mở có nguồn gốc từ dữ liệu cá nhân.


F. Kết luận và gợi ý

Việc sửa đổi Luật đất đai là cấp bách cần được giải quyết càng sớm càng tốt, và việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đất đai cần được hoàn thành trong năm 2022 vì sự phát triển của quốc gia, cũng là để tăng cường cho việc phòng chống tham nhũng về đất đai có hiệu quả hơn.

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, có thể áp dụng tiếp cận khoa học mở và dữ liệu mở để phòng chống tham nhũng nói chung, tham nhũng đất đai nói riêng, thông qua việc xây dựng và quản lý hiệu quả một tập hợp hàng chục cơ sở dữ liệu, bao gồm nhưng không chỉ duy nhất cơ sở dữ liệu đất đai, và biến các tập hợp dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu đó thành dữ liệu mở, truy cập được tới bất kỳ ai, bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào.

Việc nắm vững các nội dung được trình bày về tập hợp 6 nguyên tắc trong tài liệu Hiến chương Dữ liệu Mở quốc tế cũng như các đoạn chỉ dẫn ở từng phần nội dung của tài liệu Chỉ dẫn mở ra: Sử dụng Dữ liệu Mở để chống tham nhũng có thể là điểm khởi đầu và những gợi ý tốt để các đại biểu quốc hội áp dụng tiếp cận dữ liệu mở trong các hoạt động nghị trường có liên quan tới không chỉ các vấn đề của Luật đất đai, phòng chống tham nhũng đất đai, mà còn trong cả các vấn đề khác nữa, như đấu tranh phòng chống dịch bệnh, đói nghèo, biến đổi khí hậu, và bất bình đẳng.

Dù Khuyến nghị Khoa học Mở đã được 193 quốc gia thành viên UNESCO thông qua, biến khoa học mở trở thành xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, thì khoa học mở và dữ liệu mở đối với Việt Nam vẫn còn là các vấn đề vừa rất mới, vừa rất rộng và phức tạp, không thể đề cập sâu và đầy đủ chi tiết chỉ trong một bài viết, gợi ý các đại biểu quốc hội khai thác sâu hơn và rộng hơn các nội dung của tiếp cận theo khoa học mở và dữ liệu mở được gợi ý bằng các đường liên kết có trong phần Tài liệu tham chiếu ở dưới cùng của bài viết này nhằm giúp cho các hoạt động nghị trường của các đại biểu quốc hội tốt hơn và hiệu quả hơn đối với các vấn đề có liên quan tới việc sửa đổi Luật đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đất đai, và phòng chống tham nhũng đất đai, cũng như các vấn đề khác vượt ra khỏi lĩnh vực đất đai.

Cuối cùng, việc áp dụng tiếp cận khoa học mở và dữ liệu mở, như các tài liệu đã chỉ ra, là vì sự phát triển của thế giới/khu vực/quốc gia. Vì thế, việc áp dụng tiếp cận đó, chắn chắn cũng là vì sự thịnh vượng và phát triển của địa phương. Với việc lựa chọn áp dụng tiếp cận này, các đại biểu quốc hội hoàn toàn có thể tích hợp và/hoặc lồng ghép nó vào trong việc xây dựng chương trình phát triển của địa phương mình ở nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ thông qua trường hợp của Luật đất đai.


G. Tài liệu tham chiếu

[1] Lê Trung Nghĩa, 2020: Chuyển đổi số: Cách tiếp cận mới về Mở: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/chuyen-doi-so-cach-tiep-can-moi-ve-mo-280.html, CC BY.

[2] UNESCO, 2021: UNESCO Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt có tại: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0

[3] Yourdictionary: Data definition: https://www.yourdictionary.com/data

[4] Certguidance: DIKW Model: https://www.certguidance.com/explaining-dikw-hierarchy/

[5] data.europa.eu: What is Open Data: https://data.europa.eu/elearning/en/module1/#/id/co-01. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/du-lieu-mo/bai-1-du-lieu-mo-la-gi-137.html

[6] Lê Trung Nghĩa, 2022: Cấp phép mở: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/cap-phep-mo-569.html

[7] Elena Blanco: Open source licences: http://oss-watch.ac.uk/resources/licencefinder. Bản dịch sang tiếng Việt: http://vnfoss.blogspot.com/2013/06/cac-giay-phep-nguon-mo.html

[8] Lê Trung Nghĩa, 2021: Phần cứng nguồn mở: Đổi mới sáng tạo tốc độ cao: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/phan-cung-nguon-mo-doi-moi-sang-tao-toc-do-cao-487.html

[9] Lê Trung Nghĩa, 2022: Khai thác kiến thức khoa học mở cho việc dạy, học và nghiên cứu (phiên bản rút gọn): https://www.dropbox.com/s/crejoiqmakh97wv/Exploit_OS_Knowledge_Shorten.pdf?dl=0, slide số 8.

[10] Trang Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở: Tọa đàm trên trực tuyến: Khoa học Mở - Cơ hội và thách thức với Việt Nam: https://giaoducmo.avnuc.vn/hoi-thao/toa-dam-tren-truc-tuyen-khoa-hoc-mo-co-hoi-va-thach-thuc-voi-viet-nam-482.html

[11] FOSTER: What are the benefits of Open Science?: https://www.fosteropenscience.eu/node/1422. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/nhung-loi-ich-cua-khoa-hoc-mo-la-gi-476.html

[12] FOSTER: Challenges and strategies for the success of Open Science: https://www.fosteropenscience.eu/node/1424. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/cac-thach-thuc-va-chien-luoc-de-khoa-hoc-mo-thanh-cong-477.html

[13] Lê Trung Nghĩa, 2021: Truy cập mở kim cương và cái đích của chuyển đổi số trong xuất bản học thuật: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/truy-cap-mo-kim-cuong-va-cai-dich-cua-chuyen-doi-so-trong-xuat-ban-hoc-thuat-426.html

[14] EC, November 2021: Toward a Reform of the Research Assessement System: https://op.europa.eu/en/publication-detail/-/publication/36ebb96c-50c5-11ec-91ac-01aa75ed71a1/language-en. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/huong-toi-cai-cach-he-thong-danh-gia-nghien-cuu-bao-cao-xac-dinh-pham-vi-ban-dich-sang-tieng-viet-690.html

[15] Cổng dữ liệu quốc gia: Tập hợp dữ liệu: https://open.data.gov.vn/dataset. Truy cập ngày 02/07/2022.

[16] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 12/05/2022: Tổng Bí thư: Sửa đổi Luật Đất đai để phát huy nguồn lực cho đất nước phát triển: https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/tong-bi-thu-sua-doi-luat-dat-dai-de-phat-huy-nguon-luc-cho-dat-nuoc-phat-trien-609905.html

[17] Trang tin LuatVietnam: Luật Đất đai 2013, Luật số 45/2013/QH13: https://luatvietnam.vn/dat-dai/luat-dat-dai-2013-83386-d1.html

[18] VTCnow, 04/05/2022: Tổng Bí thư: Nhiều người giàu lên vì đất nhưng đi tù cũng vì đất | VTC Now: https://www.youtube.com/watch?v=IXioNOEsk70

[19] VTCnow, 10/05/2022: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất tham nhũng | VTC Now: https://www.youtube.com/watch?v=fT9MUez8GAw

[20] Trang tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia: https://monre.gov.vn/Pages/co-so-du-lieu-dat-dai-quoc-gia.aspx

[21] ictnews: Phải hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm 2022: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/phai-hoan-thanh-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dat-dai-trong-nam-2022-401172.html

[22] Trang tin của Bộ Thông tin và Truyền thông: Văn bản CĐĐH: 677/BTTTT-THH: https://mic.gov.vn/Pages/VanBan/14749/677_BTTTT-THH.html

[23] Open Data Charter: Who we are: https://opendatacharter.net/who-we-are/

[24] Open Data Charter: International Open Data Charter: https://opendatacharter.net/wp-content/uploads/2015/10/opendatacharter-charter_F.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/mhco2acf8eohpb3/opendatacharter-charter_F_Vi-02072022.pdf?dl=0

[25] G20, Turkey 2015: INTRODUCTORY NOTE TO THE G20 ANTI-CORRUPTION OPEN DATA PRINCIPLES: http://www.g20.utoronto.ca/2015/G20-Anti-Corruption-Open-Data-Principles.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/rqjxaac3v99sx48/G20-Anti-Corruption-Open-Data-Principles_Vi-25062022.pdf?dl=0

[26] Open Data Charter: Open Up Guide: Using Open Data to Combat Corruption: https://open-data-charter.gitbook.io/open-up-guide-using-open-data-to-combat-corruption/. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/svg321p00f34jhf/anticorruption_guide-Vi-14122017.pdf?dl=0

[27] Airtable: Card view: https://airtable.com/shrHY9KFJ5bircwvx/tblOY2aw1hYUuJze9

[28] Lê Trung Nghĩa, 2022: Dữ liệu cá nhân trở thành dữ liệu mở?: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/khi-du-lieu-ca-nhan-co-the-tro-thanh-du-lieu-mo-653.html

[29] Lê Trung Nghĩa, 2022: Phần mềm nguồn mở: Trên đường bảo vệ dữ liệu cá nhân: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/phan-mem-nguon-mo-tren-duong-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-635.html

[30] Lê Trung Nghĩa, 2022: Khung ra quyết định ẩn danh của Vương quốc Anh? https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/khung-ra-quyet-dinh-an-danh-cua-vuong-quoc-anh-676.html


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

PS: Tự do tải về bài trình chiếu tại Hội nghị theo địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/pooi3ktbzlj0dsl/KHM_DLM_LuatDatDai_Presentation.pdf?dl=0
Tweet: https://twitter.com/nghiafoss/status/1546418683077365760

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIÁO DỤC MỞ - TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ: ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm54
  • Hôm nay8,831
  • Tháng hiện tại141,162
  • Tổng lượt truy cập7,019,191
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây