Khoa học Mở và quyền con người

Thứ bảy - 29/10/2022 03:24
Khoa học Mở và quyền con người

(Bài viết cho Hội thảo ‘Những vấn đề nhân quyền hiện đại’ do Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 29/10/2022)
 

Tóm tắt: Quyền con người trong khoa học, hay quyền đối với khoa học, bao gồm cả Khoa học Mở, đã được ghi nhận trong các công cụ pháp lý quốc tế, trong đóquyền tự do chia sẻ các tiến bộ khoa học và những lợi ích/ứng dụng của nó. Khoa học Mở, một xu thế mới và không thể đảo ngược trong kỷ nguyên số ngày nay tiếp tục khẳng định và mở rộng quyền này, đặc biệt thông qua việc cấp phép mở để trao quyền trước cho người sử dụng để truy cập mở tới kiến thức khoa học mở đầy đủ và tức thì, giúp giải quyết các thách thức chưa từng có mà loài người đối mặt hiện nay cũng như trong tương lai, ví dụ như đại dịch COVID-19. Việt Nam cần có sự điều chỉnh trong các Luật và quy định của mình về quyền đối với khoa học mở càng sớm càng tốt để có thể theo kịp xu thế Khoa học Mở của thế giới và hoàn thành các mục tiêu mà chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra.

Các từ khóa: quyền tự do chia sẻ các tiến bộ khoa học và những lợi ích/ứng dụng của nó; khoa học mở; kiến thức khoa học mở; truy cập mở; cấp phép mở; COVID-19;

Abstract: Human rights in science, or rights to science, including Open Science, are enshrined in international legal instruments, including the right freely to share scientific advances and its benefits/applications. Open Science, a new and irreversible trend in today's digital age, continues to assert and extend this right, especially through open licensing to pre-authorize users to open access to, fully and immediately, open scientific knowledge, helping to address unprecedented challenges facing humanity now and in the future, such as the COVID-19 pandemic. Vietnam needs to make adjustments in its laws and regulations on rights to open science as soon as possible so that it can keep up with the world trend of Open Science and fulfill the goals set forth by the National digital transformation programme.

Keywords: the right freely to share in scientific advancement and its benefits/applications; open science; open science knowledge; open access; open licensing; COVID-19.

***

Quyền con người trong khoa học, hay quyền đối với khoa học, bao gồm cả Khoa học Mở, đã được ghi nhận trong các công cụ pháp lý quốc tế, trong đóquyền tự do chia sẻ các tiến bộ khoa học và những lợi ích/ứng dụng của nó.

A. Quyền đối với khoa học/khoa học mở trong các công cụ quốc tế

Quyền con người trong khoa học, hay quyền đối với khoa học, đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thiết lập trên phạm vi toàn cầu từ hơn 70 năm trước, vào ngày 10/12/1948, trong Tuyên ngôn Nhân Quyền Phổ quát[1]. Điều 27 của nó nêu: (1) Mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, thưởng thức nghệ thuật, chia sẻ tiến bộ khoa học và những lợi ích của nó.

Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (UN), 1966, Điều 15(1)b, nêu:

Các quốc gia thành viên của Công ước hiện tại công nhận quyền của mọi người: […]

Hưởng thụ những lợi ích của tiến bộ khoa học và các ứng dụng của nó [...]

Còn Tuyên bố Phổ quát về Đạo đức sinh học và Quyền Con người (UNESCO), 2005, Điều 15 - Chia sẻ các lợi ích, nêu:

  1. Các lợi ích là kết quả từ bất kỳ nghiên cứu khoa học nào và các ứng dụng của nó cần được chia sẻ với xã hội như một tổng thể và trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển. Để có hiệu lực cho nguyên tắc này, các lợi ích có thể dưới bất kỳ hình thức nào sau đây: (a) hỗ trợ đặc biệt và bền vững cho và công nhận những con người và nhóm đã tham gia vào nghiên cứu; (b) tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng; (c) cung cấp các phương thức hoặc sản phẩm chuẩn đoán và điều trị mới bắt nguồn từ nghiên cứu; (d) hỗ trợ cho các dịch vụ y tế; (e) truy cập tới kiến thức khoa học và công nghệ; (f) các tiện ích nâng cao năng lực vì các mục đích nghiên cứu; (g) các hình thức phúc lợi khác phù hợp với các nguyên tắc nêu trong Tuyên bố này.

  2. Các lợi ích không nên tạo thành những lời xúi giục không chính đáng để tham gia vào nghiên cứu.

Khuyến nghị Khoa học và các Nhà nghiên cứu Khoa học (UNESCO), 2017, đoạn 21:

Vì thế để đảm bảo quyền con người để chia sẻ tiến bộ khoa học và các lợi ích của nó, các quốc gia thành viên cần thiết lập và tạo thuận lợi cho các cơ chế cho khoa học mở cộng táctạo thuận lợi cho việc chia sẻ kiến thức khoa học trong khi đảm bảo các quyền khác được tôn trọng.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên khắp thế giới, “Quyền đối với khoa học xoay quanh toàn bộ vòng đời khoa học và vì thế chào cho các nhà khoa học, các công dân, và các nhà hoạch định chính sách các công cụ mạnh để tối đa hóa đóng góp của khoa học trong đấu tranh chống lại đại dịch COVID-19, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau”.

B. Khoa học Mở và quyền truy cập tới kiến thức khoa học (mở)

Tài liệu Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO[2] đã được 193 quốc gia đồng thuận thông qua ngày 23/11/2021, nêu: Khoa học mở có nguồn gốc từ vài thập kỷ trước như là phong trào biến đổi thực hành khoa học để thích nghi với các thay đổi, thách thức, cơ hội và rủi ro của kỷ nguyên số và để làm gia tăng tác động xã hội của khoa học, và lưu ý, về khía cạnh này, Tuyên bố về Khoa học và Sử dụng Kiến thức Khoa học của UNESCO/ICSU năm 1999 và Chương trình nghị sự - Khung Hành động, Sáng kiến Truy cập Mở Budapest 2002, Tuyên bố Bethesda 2003 về Xuất bản Truy cập Mở và Tuyên bố Berlin 2003 về Truy cập Mở tới Kiến thức trong Khoa học và Nhân văn”. Nói một cách khác, bản chất của Khoa học Mở là về quyền Truy cập Mở tới kiến thức khoa học và các lợi ích/ứng dụng của nó.

Điều này cũng được khẳng định trong tài liệu Khuyến nghị khi định nghĩa Kiến thức Khoa học Mở (Open Science Knowledge), một trong bốn trụ cột của Khoa học Mở, như sau: “Kiến thức khoa học mở tham chiếu tới việc truy cập mở tới các xuất bản phẩm khoa học, dữ liệu nghiên cứu, siêu dữ liệu, tài nguyên giáo dục mở, phần mềm và mã nguồn và phần cứng mà chúng sẵn sàng trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền và được cấp phép theo một giấy phép mở cho phép truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối theo các điều kiện nhất định, được cung cấp cho tất cả các tác nhân ngay lập tức hoặc nhanh nhất có thể, bất kể vị trí, quốc tịch, chủng tộc, tuổi, giới tính, thu nhập, hoàn cảnh kinh tế xã hội, giai đoạn nghề nghiệp, kỷ luật, ngôn ngữ, tôn giáo, khuyết tật, dân tộc hoặc tình trạng di cư hoặc bất kỳ lý do nào khác và miễn phí. Nó cũng tham chiếu tới khả năng mở ra các phương pháp luận nghiên cứu và các quy trình đánh giá”. Điều này khẳng định rằng, với Khoa học Mở, quyền tự do truy cập tới kiến thức khoa học mở là điều kiện tiên quyết, và nó là công bằng cho tất cả mọi người, không có phân biệt đối xử.

C. Quyền tự do truy cập tới kiến thức khoa học mở chỉ có thể được đảm bảo khi quyền tự do chia sẻ các tiến bộ khoa học và lợi ích/ứng dụng của nó cũng được đảm bảo trên cơ sở công bằng cho tất cả mọi người, không có phân biệt đối xử

Làm sao bạn có thể có quyền truy cập tự do tới kiến thức khoa học mở khi các nhà nghiên cứu khoa học không có quyền tự do chia sẻ các tiến bộ khoa học và những lợi ích/ứng dụng của nó? Liệu có sự phân biệt đối xử trong việc tiếp cận tới các tiến bộ khoa học và những lợi ích/ứng dụng của nó hay không?

Theo Luật sở hữu trí tuệ, một khi bạn muốn truy cập hợp pháp để sử dụng một tác phẩm của một tác giả nào đó, bạn phải xin phép tác giả đó. Với việc cấp phép mở, chính tác giả là người cấp phép mở bằng việc gắn một giấy phép mở - ví dụ như một trong các giấy phép mở của hệ thống Creative Commons - cho tác phẩm của mình, bằng cách đó tác giả giữ lại một số quyền và trao trước cho bạn một số quyền nhất định để sử dụng tác phẩm đó. Khi này người ta thường nói, tác giả trao quyền trước và/hoặc cho phép trước rồi cho bạn để sử dụng tác phẩm đó. Về phía người sử dụng, một khi bạn sử dụng một tác phẩm được tác giả trao quyền trước và/hoặc cho phép trước rồi, ví dụ bằng một giấy phép mở Creative Commons, thì ngoài việc bạn cần phải tuân thủ với các điều khoản và điều kiện của giấy phép được trao, bạn còn PHẢI thừa nhận ghi công tác giả của tác phẩm đó. Việc không thừa nhận ghi công tác giả sẽ được hiểu là bạn lấy tác phẩm của người khác làm tác phẩm của mình, và bằng cách đó, bạn, vô tình hay hữu ý, vi phạm các quyền tác giả trở thành kẻ “ĂN CẮP”, thuật ngữ thường được sử dụng cho những người “quên” thừa nhận ghi công tác giả khi sử dụng tác phẩm mà người khác là tác giả.

Hơn nữa, một khi tác phẩm đã được cấp phép mở, thì mọi người đều có quyền tự do truy cập tới tác phẩm đó, mà không phải xin phép ai thêm nữa, kể cả tác giả của tác phẩm đó, và không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, bất kể bạn là ai.

Ở một vài khu vực trên thế giới quyền tự do chia sẻ các tiến bộ khoa học và các lợi ích/ứng dụng của nó được thể hiện rõ ràng trong chính sách của chính phủ. Ví dụ:

  • châu Âu:

    • Một nhóm các tổ chức cấp vốn nghiên cứu quốc gia, với sự ủng hộ của Ủy ban châu Âu và Hội đồng Nghiên cứu châu Âu, vào tháng 9/2018, đã công bố khởi xướng Liên minh S (cOAlition S) với mục đích để biến Truy cập Mở đầy đủ và tức thì tới các xuất bản phẩm nghiên cứu trở thành hiện thực thông qua Kế hoạch S (Plan S) với yêu cầu rằng, kể từ năm 2021, các xuất bản phẩm khoa học là kết quả từ nghiên cứu được các trợ cấp nhà nước cấp vốn phải được xuất bản trên các tạp chí hoặc các nền tảng tuân thủ Truy cập Mở[3]. Để có được kết quả đó như ngày hôm nay, Ủy ban châu Âu đã trải qua một quá trình dài nhiều năm với nhiều sáng kiến, chương trình và thử nghiệm theo từng giai đoạn như: (1) 2007-2013 với FP7; (2) 2014-2020 với Horizone 2020; và (3) 2021-2027 với Horizone Europe[4] (Hình 1).

Hình 1. Các đối tượng truy cập mở theo từng giai đoạn và chương trình ở châu Âu

    • Ủy ban châu Âu đã Quyết định sử dụng Creative Commons như là giấy phép mở cho chính sách sử dụng lại của mình từ ngày 22/02/2019[5], theo đó: (1): Giấy phép Creative Commons Attribution 4.0 Quốc tế (CC BY 4.0) được phê chuẩn như là giấy phép mở cho chính sách sử dụng lại của Ủy ban châu Âu; và (2) Dữ liệu thô, siêu dữ liệu hoặc các tài liệu khác có bản chất tương đương có thể được phân phối theo các điều khoản hiến tặng vào phạm vi công cộng theo Creative Commons Zero (CC0 1.0). Biết rằng, với CC BY 4.0[6], người sử dụng có các quyền chia sẻ, tùy chỉnh - pha trộn, và sử dụng cho các mục đích thương mại đối với tác phẩm, miễn là phải thừa nhận ghi công đúng cho tác giả; còn với CC0 1.0[7] thì tác giả của tác phẩm khước từ các quyền của mình và hiến tặng tác phẩm vào phạm vi công cộng, và vì thế bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng tác phẩm đó theo bất kỳ cách gì họ muốn và không nhất thiết phải thừa nhận ghi công tác giả.

  • nước Mỹ:

    • Ngày 25/08/2022, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng - OSTP (Office of Science and Technology Policy) cập nhật Bản ghi nhớ về truy cập mở tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu, yêu cầu tất cả các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu được liên bang cấp vốn phải là truy cập công khai, tự do không mất tiền và tức thì tới tất cả các công dân Mỹ[8]. Đây là bản cập nhật cho bản ghi nhớ cũng từng được OSTP xuất bản vào năm 2013[9].

    • Tương tự như Liên minh S ở châu Âu, nước Mỹ có Nhóm các nhà Cấp vốn Nghiên cứu Mở - ORFG (Open Research Funder Group) hiện với 25 nhà cấp vốn nghiên cứu cam kết chia sẻ mở các kết quả nghiên cứu để làm lợi cho xã hội bằng việc tăng tốc nhịp độ phát hiện, làm giảm các khoảng trống về chia sẻ thông tin, khuyến khích đổi mới sáng tạo, và thúc đẩy khả năng tái tạo lại[10]. Nhóm này cũng hoan nghênh hành động của Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng (OSTP) ngày 25/08/2022 ở trên, trong đó có đoạn nêu: “Trong khi chính sách trước đó chỉ được áp dụng cho các cơ quan liên bang nào với chi tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) từ 100 triệu USD trở lên (Bản ghi nhớ năm 2013), thì hướng dẫn mới này áp dụng cho tất cả các cơ quan và bộ của liên bang Mỹ - một bước nhảy từ 20 tới hơn 400 cơ quan liên bang. Điều này sẽ triệt để làm gia tăng tầm với chính sách, và rốt cuộc số lượng nghiên cứu truy cập mở và sử dụng lại được”.

D. Quyền đối với Khoa học Mở trong đối phó với đại dịch COVID-19

Khi đại dịch COVID-19 ập đến, hàng loạt các quyền đã bị ảnh hưởng. “Một tuyên bố của Ủy ban của Liên hiệp quốc về Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (CESCR) vào tháng 4/2020 nhấn mạnh các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa bị ảnh hưởng như thế nào do bản thân đại dịch và do các biện pháp được tiến hành để giảm bớt sự lây nhiễm của nó. Điều này trải từ các hiệu ứng đóng cửa trường học lên quyền được giáo dục cho tới các hiệu ứng cách ly ảnh hưởng tới quyền tham gia và chia sẻ trong văn hóa... Vào tháng 9/2021, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hiệp quốc trong lĩnh vực các quyền văn hóa, đã ban hành một báo cáo về tác động của đại dịch COVID-19 lên văn hóa và các quyền văn hóavề các cách thức ở đó văn hóa và các quyền văn hóa, bao gồm quyền đối với khoa học, cải thiện các giải pháp và khả năng phục hồi dựa vào các quyền”[11].

Cũng được ghi nhận từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, rằng đã có các mối đe dọa đối với quyền tự do khoa học, như 332 vụ tấn công chỉ riêng trong năm 2021 đối với các nhân viên giáo dục đại học, bao gồm giết người, bạo lực, mất tích, bỏ tù, mất chức vụ, truy tố, trong số những điều khác; hay việc cấp vốn không đủ cho nghiên cứu và phát triển, cũng như những chênh lệch toàn cầu trong việc cấp vốn này, gây khó khăn thêm cho quyền tự do của các nhà khoa học[12].

chiều ngược lại, có thể nêu ra ở đây vài ví dụ cụ thể và nổi bật nhất về quyền đối với khoa học giúp cải thiện các giải pháp đối phó với đại dịch COVID-19 như sau:

  • Cam kết COVID-19 Mở (Open COVID-19 Pledge). Cam kết này đã kêu gọi các tổ chức khắp trên thế giới làm cho các bằng sáng chế và bản quyền của họ sẵn sàng tự do không mất tiền để đấu tranh với đại dịch COVID-19 bằng việc cấp phép mở với 3 loại giấy phép COVID mở. Vào thời điểm cuối năm 2021, ước tính có khoảng 500.000 bằng sáng chế và nhiều bản quyền từ nhiều tập đoàn, các công ty lớn và các tổ chức đã cam kết mở công khai để đối phó với COVID-19[13].

  • Cộng đồng phần cứng mở, với các bản thiết kế phần cứng được cấp phép mở, thường là các giấy phép mở của hệ thống giấy phép Creative Commons, trao quyền cho bất kỳ ai sửa đổi các bản thiết kế đó cho phù hợp với mục đích chế tạo và sử dụng của mình[14], đã góp công lớn trong việc giảm căng thẳng vì thiếu hụt các vật tư y tế và thiết bị bảo vệ cá nhân khi chuỗi cung ứng vật tư y tế bị đứt gẫy toàn cầu trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19.

  • Tháng 10/2020, Tổng Giám đốc UNESCO, WHO và Cao Ủy về Nhân Quyền của Liên hiệp quốc đã ký kết một “Lời kêu gọi chung về Khoa học Mở”, để ứng phó nhanh và hiệu quả với đại dịch COVID-19 và tăng tốc tiến bộ hướng tới triển khai Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về Phát triển Bền vững đến năm 2030, qua đó tái khẳng định quyền cơ bản để hưởng thụ các lợi ích của tiến bộ khoa học và các ứng dụng của nó và biện hộ cho khoa học mở, toàn diện và cộng tác. Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Ý tưởng cốt lõi đằng sau Khoa học Mở là cho phép thông tin, dữ liệu và các kết quả khoa học truy cập được rộng rãi hơn (Truy cập Mở) và được khai thác tin cậy hơn (Dữ liệu Mở) với sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan (Mở cho Xã hội)”[15].

E. Lời kết và gợi ý

Để triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020, Thủ tướng chính phủ gần đây đã ban hành các Quyết định có liên quan tới việc ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở hay học liệu mở, cụ thể như: (1) Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo “Phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành giáo dục”[16]; hoặc (2) Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội “Xây dựng mạng lưới thư viện điện tử, các nền tảng tài nguyên giáo dục mở, thí điểm xây dựng và triển khai chương trình sách giáo khoa mở”[17]; trong khi Khuyến nghị của UNESCO về Tài nguyên Giáo dục Mở 2019 và Khoa học Mở 2021 đều định nghĩa tài nguyên giáo dục mở, 1 trong 5 thành phần không thể thiếu của kiến thức khoa học mở, “là các tư liệu dạy, học và nghiên cứu ở bất kỳ định dạng và phương tiện nào mà nằm trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền đã được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác không mất chi phí để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại”, thì Việt Nam ở thời điểm hiện tại chưa ở đâu có quy định cấp phép mở cho bất kỳ thành phần kiến thức khoa học mở nào, và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022[18] của Việt Nam không/chưa khái niệm về quyềntự do chia sẻ tiến bộ khoa học và các lợi ích (ứng dụng) của nó’, hoặc nói đơn giản, quyền tự do chia sẻ tác phẩm. Vì thế Luật này và các quy định pháp luật có liên quan tới kiến thức khoa học mở vẫn cần tiếp tục phải được bổ sung sửa đổi và/hoặc xây dựng mới càng sớm càng tốt để các Bộ - Ngành có thể hoàn thành được nhiệm vụ của Thủ tướng chính phủ giao cho.

Một mặt, Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO đã được 193 quốc gia thành viên thông qua ngày 23/11/2021, biến Khoa học Mở thành xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay; mặt khác, tại thời điểm này, UNESCO đang dẫn dắt và điều phối việc triển khai các nội dung của Khuyến nghị Khoa học Mở 2021 vào thực tế cuộc sống trên phạm vi toàn thế giới[19] thông qua 5 nhóm làm việc về Khoa học Mở, gồm các nhóm làm việc về: (1); Xây dựng năng lực; (2) Chính sách và công cụ chính sách; (3) Cấp vốn và ưu đãi; (4) Hạ tầng; và (5) Khung giám sát. Theo dự kiến, đến hết năm 2022, nhiều kết quả của các nhóm đó sẽ lần đầu tiên được xuất bản truy cập mở trên cổng Khoa học Mở của UNESCO. Việc tận dụng được các kết quả từ 5 nhóm làm việc đó về Khoa học Mở của UNESCO chắc chắn sẽ giúp cho Việt Nam có khả năng rút ngắn khoảng cách với những phát triển của Khoa học Mở thế giới, cũng như việc xây dựng, triển khai và hiện thực hóa dễ dàng hơn và thuận tiện hơn quyền đối với Khoa học Mở.

Các chú giải

[1] United Nations: Universal Declaration of Human Rights: https://www.un.org/en/about-us/universal-declaration-of-human-rights

[2] UNESCO, 23/11/2021: RECOMMENDATION ON OPEN SCIENCE: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0

[3] cOAlition S: Plan S: https://www.coalition-s.org/

[4] Lê Trung Nghĩa, 2019: Hành trình đi tới Truy cập Mở đầy đủ và tức thì ở Liên minh châu Âutới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu và vài gợi ý cho Việt Nam: https://www.dropbox.com/s/ppal0khwad6sbfo/OA_in_EU_and_Recommendations_for_VN.pdf?dl=0

[5] European Commission, 22/02/2019: COMMISSION DECISION adopting Creative Commons as an open licence under the European Commission’s reuse policy: https://ec.europa.eu/transparency/documents-register/detail?ref=C(2019)1655&lang=en. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/o5czc845o1sh4dd/C-2019-1655-F1-EN-MAIN-PART-1_Vi-28102020.pdf

[6] Creative Commons: CC BY 4.0: https://creativecommons.org/licenses/by/4.0/

[7] Creative Commons: CC0 1.0: https://creativecommons.org/publicdomain/zero/1.0/

[8] Office of Science and Technology Policy, 25/08/2022: MEMORANDUM FOR THE HEADS OF EXECUTIVE DEPARTMENTS AND AGENCIES: https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/08/08-2022-OSTP-Public-Access-Memo.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/arpbbjzcgiqztoj/08-2022-OSTP-Public-Access-Memo_Vi-29082022.pdf?dl=0

[9] Office of Science and Technology Policy, 22/02/2013: MEMORANDUM FOR THE HEADS OF EXECUTIVE DEPARTMENTS AND AGENCIES: https://obamawhitehouse.archives.gov/sites/default/files/microsites/ostp/ostp_public_access_memo_2013.pdf

[10] ORFG: About: https://www.orfg.org/about

[11] UNESCO, 2022: UNESCO BRIEF ON THE RIGHT TO SCIENCE AND COVID-19: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000381186. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/f2smdr3iw67via8/381186eng_Vi-21092022.pdf?dl=0, trang 6.

[12] UNESCO, 2022: UNESCO BRIEF ON THE RIGHT TO SCIENCE AND COVID-19: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000381186. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/f2smdr3iw67via8/381186eng_Vi-21092022.pdf?dl=0, xem mục: Các mối đe dọa quyền tự do khoa học, trang 16.

[13] Lê Trung Nghĩa, 2021: Yêu cầu cấp bách xây dựng chính sách cấp phép mở quốc gia để giúp đối phó với đại dịch COVID-19 và tạo thuận lợi để triển khai Khoa học Mở và chương trình chuyển đổi số quốc gia: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/yeu-cau-cap-bach-xay-dung-chinh-sach-cap-phep-mo-quoc-gia-de-giup-doi-pho-voi-dai-dich-covid-19-va-tao-thuan-loi-de-trien-khai-khoa-hoc-mo-va-chuong-trinh-chuyen-doi-so-quoc-gia-528.html

[14] Lê Trung Nghĩa, 2021: Phần cứng nguồn mở: Đổi mới sáng tạo tốc độ cao: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/phan-cung-nguon-mo-doi-moi-sang-tao-toc-do-cao-487.html

[15] UNESCO, WHO, 2020: JOINT APPEAL FOR OPEN SCIENCE: https://en.unesco.org/sites/default/files/joint_appeal_for_open_sciences_fin_en_fin.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/h9wraskph0aua79/joint_appeal_for_open_sciences_fin_en_fin_Vi-22092022.pdf?dl=0

[16] Trang tin chinhphu.vn: Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030": https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=205236&classid=0, xem phần III.CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU, mục 2(b); và phần V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN, mục 1(a)và 1(b).

[17] Bộ Thông tin và Truyền thông: Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: https://mic.gov.vn/Upload_Moi/VanBan/QD411.pdf, xem phần IV. PHÁT TRIỂN NỀN MÓNG KINH TẾ SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ, mục 6(đ); và phần VI. GIẢI PHÁP, mục 6.

[18] Trang tin Đảng Cộng sản Việt Nam: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022, hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-quy-pham-phap-luat/luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-so-huu-tri-tue-so-072022qh15-ngay-1662022-hieu-luc-thi-hanh-tu-ngay-01012023-8649

[19] UNESCO, 2022: Implementation of the UNESCO Recommendation on Open Science: https://www.unesco.org/en/natural-sciences/open-science/implementation#open-science-working-groups. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/trien-khai-khuyen-nghi-khoa-hoc-mo-cua-unesco-cap-nhat-11-07-2022-744.html


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

PS: Tự do tải về bài trình chiếu theo toàn văn của bài viết này tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/hftpsjhtew9c9od/OS_Human_Rights.pdf?dl=0


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIÁO DỤC MỞ - TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ: ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập68
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay8,939
  • Tháng hiện tại157,626
  • Tổng lượt truy cập6,792,492
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây