5.4 Mở ra & chia sẻ các bộ sưu tập và nội dung

Thứ hai - 24/06/2024 17:31
5.4 Mở ra & chia sẻ các bộ sưu tập và nội dung

5.4 Opening Up & Sharing Collections and Content

Theo: https://certificates.creativecommons.org/cccertedu/chapter/5-4-sharing-collections-and-content/

Việc chia sẻ các bộ sưu tập và nội dung của bạn đến ở bước cuối cùng trên con đường hướng tới truy cập mở, nhưng đó là bước sẽ chứng minh giá trị của quyết định phát hành các bộ sưu tập và nội dung. Việc tương tác với công chúng cần có thời gian và công sức, đồng thời điều quan trọng là người sử dụng phải hiểu cách họ có thể tương tác với các bộ sưu tập và nội dung.

Câu hỏi lớn / Vì sao nó lại quan trọng

Việc đặt nền tảng cho việc triển khai chính sách truy cập mở của bạn tốn nhiều thời gian và tốn nhiều tài nguyên, nhưng một khi đã thực hiện xong, bạn có thể thu được những lợi ích của truy cập mở. Việc truyền đạt các chính sách bản quyền là rất quan trọng để đảm bảo rằng công chúng và những người sử dụng lại có thể hiểu những gì họ có thể làm với nội dung mở sẵn có. Truyền thông rõ ràng cho phép các cộng đồng khác nhau tương tác với nội dung, phối lại và sử dụng lại nội dung đó theo những cách thức mới và sáng tạo.

Kết quả học tập

  • Phân tích cách các chính sách bản quyền có thể được truyền đạt ở các cơ sở

  • Khám phá các cách thức bạn có thể tương tác với các cộng đồng người sử dụng lại khác nhau

Suy ngẫm cá nhân/Tại sao điều đó lại quan trọng với bạn

Bạn đã bao giờ chỉnh sửa một trang Wikipedia chưa? Bạn đã bao giờ sử dụng một tác phẩm nghệ thuật để thiết kế tờ rơi cho một sự kiện chưa? Làm thế nào bạn biết được liệu bạn có thể sử dụng lại nội dung đó hay không? Bạn đã bao giờ bị ấn tượng bởi các cách thức mà văn hóa có thể được diễn giải lại một cách sáng tạo chưa?

Có được kiến thức cơ bản

Có nhiều cách mà cơ sở của bạn có thể đo lường tác động một chính sách truy cập mở có thể có. Nhưng không còn nghi ngờ gì, một khía cạnh quan trọng của việc đo lường tác động đó sẽ là cách nội dung đó được công chúng sử dụng và chia sẻ như thế nào.

Điều quan trọng không chỉ là xác định các bên liên quan, các cộng đồng và người sử dụng đầu cuối trước khi phát hành truy cập mở, mà việc kết hợp họ vào quy trình lập kế hoạch cũng sẽ giúp bạn đạt được tác động. Bạn cũng có thể lập kế hoạch kết hợp các bên liên quan và người sử dụng khác nhau trong các giai đoạn sau, tùy theo nguồn lực mà bạn có sẵn.

Hãy đảm bảo chính sách bản quyền của bạn thực sự có ý nghĩa đối với khán thính phòng và công chúng của bạn.

Hiểu môi trường của bạn

Khi một cơ sở bắt đầu xem xét việc triển khai truy cập mở, nó có thể bắt đầu với mục tiêu đầy tham vọng là “phát hành càng nhiều nội dung càng tốt”. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải bắt đầu từ việc nhỏ và xây dựng thành công bằng các bước tăng dần. Đối với điều này, việc thực hiện thẩm định là chìa khóa. Việc thực hiện thẩm định yêu cầu xem xét các yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến dự án của bạn, bao gồm: loại và độ phức tạp của bộ sưu tập mà bạn muốn phát hành, quy mô và nguồn lực của cơ sở của bạn cũng như các bên liên quan có can dự.

Mỗi cơ sở là duy nhất, do đó không có cách tiếp cận “một kích thước phù hợp cho tất cả”. Tuy nhiên, có những điểm tương đồng giữa các cơ sở và chúng là những yếu tố quan trọng cần xem xét khi thiết kế kế hoạch về cách phát hành các bộ sưu tập.

Dưới đây là một số khuyến nghị để giúp bạn hiểu môi trường của bạn.

  • Đánh giá năng lực, hậu cần, nguồn lực và tính bền vững. Việc thực hiện đánh giá năng lực của cơ sở của bạn sẽ dẫn tới sự hiểu biết tốt hơn về các nguồn lực thực tế mà bạn có thể tin cậy và mang tính thực tế về những kỳ vọng và tác động tiềm tàng của chương trình truy cập mở của bạn. Điều này không có nghĩa là bạn không thể làm được gì cho đến khi có sẵn tất cả các nguồn lực và công nghệ, mà đúng hơn là bạn nên lập kế hoạch dựa trên các nguồn lực bạn có sẵn. Các câu hỏi quan trọng nên bao gồm: Có hỗ trợ nào cho truy cập mở tại cơ sở của bạn không? Hỗ trợ này có những hình dạng nào? Các dự án và hoạt động hiện tại có thể giúp bắt đầu cuộc trò chuyện về mở là gì? Bạn có thể bắt đầu với một cái gì đó nhỏ hay không? Bạn có năng lực nội bộ để đánh giá và thẩm định các vấn đề về bản quyền không? Bạn có cần hợp tác với một tổ chức khác? Bạn có khả năng duy trì chính sách truy cập mở và phát hành có thể truy cập được trong tương lai không?

  • Thử nghiệm và xây dựng các dự án thí điểm.

  • Xác định các bên liên quan, cộng đồng và người sử dụng đầu cuối. Nếu bạn muốn thu hút cộng đồng tham gia vào dự án của mình (bất kể cộng đồng đó là gì), hãy nhớ rằng việc xây dựng những mối quan hệ đó cũng cần có thời gian và nguồn lực. Ngay cả khi có nhiều lợi ích từ các nguồn lực cộng đồng, những người tình nguyện hoặc cộng tác trong việc cải thiện bộ sưu tập kỹ thuật số của bạn cần phải cảm nhận được mối liên hệ cá nhân với cơ sở. Bạn sẽ phải trả lời câu hỏi: Tại sao cơ sở này lại xây dựng bộ sưu tập kỹ thuật số này và cho ai? Việc xác định rõ người sử dụng đầu cuối của bạn là ai cũng sẽ giúp hướng dẫn các hoạt động và các bước bạn sẽ thực hiện để đạt được các mục tiêu của mình.

  • Tìm kiếm bạn bè, đồng minh và tấm gương. Một cách tốt để xây dựng trường hợp của bạn về truy cập mở là liên hệ với những người khác đã trải qua tình huống tương tự. Họ có thể cung cấp cho bạn lời khuyên thông minh. Họ sẽ thay đổi điều gì trong cách tiếp cận của họ? Điều gì đã giúp họ trên con đường dẫn tới mở? Điều gì hiệu quả và điều gì không hiệu quả với họ?

  • Hãy trình bày trường hợp của bạn. Điều này tất cả là về việc chuẩn bị lập luận và dữ liệu hỗ trợ để trình bày với lãnh đạo, chính quyền và đồng nghiệp tại cơ sở. Nhưng nó cũng là về khả năng nắm bắt những cơ hội có thể xuất hiện. Ví dụ, một số cơ sở quyết định thay đổi chính sách của họ xung quanh việc truy cập mở khi họ thiết kế lại trang web của mình. Hãy xác định những gì có thể là cơ hội ở cơ sở của bạn. Có thể là sự thay đổi về công nghệ; thiết kế lại quy trình làm việc; sắp xếp lại các phòng ban, hoặc một số cơ hội khác có thể xuất hiện để khơi dậy sự thảo luận.

  • Thuyết phục đồng nghiệp và lãnh đạo. Bạn có biết mối quan tâm của đồng nghiệp và lãnh đạo là gì không? Hãy dành chút thời gian để lắng nghe những mối quan tâm và cố gắng kết nối cách triển khai truy cập mở có thể giúp giải quyết một vài trong số chúng. Tập trung vào những gì đồng nghiệp có thể quan tâm và thực hiện nghiên cứu để hiểu liệu truy cập mở có thể hữu ích cho việc giải quyết vấn đề đó hay không và bằng cách nào.

Giải thích chính sách bản quyền của bạn

Một trong những lý do khiến các cơ sở di sản văn hóa phát hành các tác phẩm và nội dung là vì mối quan tâm đến việc phục vụ người sử dụng tốt hơn và hoàn thành sứ mệnh của họ. Một khía cạnh quan trọng của việc “phục vụ người sử dụng” là làm cho các chính sách bản quyền trở nên rõ ràng và dễ đọc đối với những người không phải là các chuyên gia pháp lý.

Các giấy phép và công cụ CC cũng như các nhãn khác như Tuyên bố về Quyền không phải là chính sách bản quyền: chúng là các công cụ hoặc nhãn hiệu thực tế, hợp pháp để triển khai thực tế chính sách bản quyền của cơ sở. Chính sách bản quyền của bạn phản ánh các quyết định của bạn về vấn đề bản quyền và điều chỉnh việc sử dụng cũng như sử dụng lại nội dung.

Các giấy phép và công cụ CC hữu ích vì chúng cung cấp một cách đơn giản để người dùng hiểu chính sách bản quyền đó. Tuy nhiên, bạn cũng nên giải thích chính sách bản quyền trên trang web của mình như một cách cung cấp cho người sử dụng các điểm truy cập khác nhau để chỉ ra cách họ có thể sử dụng lại tác phẩm và nội dung.

Chính sách bản quyền của bạn cũng phải giải thích cách người sử dụng thừa nhận ghi công cho bạn là người quản lý bộ sưu tập. Việc thừa nhận ghi công cho một cơ sở là một thông lệ tốt của người sử dụng và thể hiện thiện chí đối với các cơ sở quyết định chia sẻ mở bộ sưu tập của họ. Không nên sử dụng giấy phép CC như một cách để có được sự thừa nhận, vì đây không phải là vấn đề bản quyền.

Để biết ví dụ tuyệt vời về chính sách bản quyền rõ ràng, hãy xem trang Bản quyền của Thư viện Quốc gia Scotland (NLS). Trên trang đó, bạn có thể thấy rằng NLS cũng đề cập đến nội dung mà họ hiện đã lưu trữ trên các nền tảng khác, chẳng hạn như Flickr.

Xây dựng các câu hỏi thường gặp

Câu hỏi thường gặp là công cụ có giá trị để phác thảo rõ ràng chính sách của bạn và giải thích thông tin bổ sung về cách bạn xây dựng các hạng mục trong bộ sưu tập của mình. Thông tin cơ bản phải bao gồm chỉ dẫn rõ ràng về những gì người sử dụng có thể làm theo các công cụ và nhãn bạn có thể đang sử dụng và khi nào họ nên tiến hành nghiên cứu các quyền bổ sung. Một lựa chọn khác là bao gồm thông tin về các tệp bạn đang cung cấp, tức là định dạng, độ phân giải, kích thước hoặc chất lượng.

Có một số ví dụ tốt để xem xét. Viện bảo tàng Quốc gia ở Thụy Điển đã xây dựng thông tin cung cấp cho người sử dụng trong phần “Quyền và Bản sao chụp” của họ. Hãy dành một chút thời gian để xem xét chính sách của nó. Bạn thấy gì?

Bạn sẽ thấy rằng trong trường hợp này Bảo tàng Quốc gia đã quyết định đưa trực tiếp thông tin chứng thư giấy phép vào Câu hỏi thường gặp (bạn có nhớ những gì chúng ta đã thấy trong Bài 3 xung quanh ba lớp của giấy phép CC không?). Họ cũng đưa vào thông tin rất cụ thể về cách họ mong đợi người sử dụng có thể ghi công cho họ.

Ngoài ra, người tổng hợp có thể quyết định viết Câu hỏi thường gặp của riêng họ. Hãy xem ví dụ về Khả năng sử dụng lại của Europeana giải thích các chủng loại khác nhau mà bạn có thể tìm kiếm và cách người sử dụng diễn giải các giấy phép sử dụng lại. Các ví dụ khác bao gồm DigitalNZ có phần về Bản quyền, Khả năng tiếp cận và Quyền riêng tư. Đây là những ví dụ điển hình về cách các nhà tổng hợp khác nhau có thể tiếp cận các câu hỏi về bản quyền một cách khác nhau.

Smithsonian có mục Câu hỏi thường gặp dài cũng bao gồm thông tin liên quan về sáng kiến truy cập mở của nó. Hãy dành thời gian để xem xét chính sách này. Trong phần này, chúng tôi muốn nêu bật một trong những câu hỏi:[1]

Bằng cách này, Smithsonian cũng giải quyết được mối lo ngại rất cấp bách mà một số cơ sở di sản văn hóa gặp phải về tính chính xác của siêu dữ liệu của họ.

Tham khảo Khảo sát về các thực hành và chính sách GLAM Mở. Chuyển đến Cột M, “Chính sách quyền hoặc điều khoản sử dụng”. Sắp xếp bảng tính theo quốc gia của bạn và khám phá cách các tổ chức ở quốc gia của bạn xây dựng Câu hỏi thường gặp.

Làm rõ những mong đợi của bạn về việc sử dụng lại

Hãy thông báo cho người sử dụng của bạn những mong đợi tối thiểu của bạn về việc sử dụng lại. Như chúng ta đã thấy trong các bài trước, bạn không thể thêm các hạn chế bổ sung vào các tác phẩm thuộc phạm vi công cộng hoặc các tác phẩm mà bạn quyết định phát hành theo giấy phép CC. Một số điểm quan trọng được mô tả trong Câu hỏi thường gặp, “Các thay đổi và bổ sung cho giấy phép CC” sẽ được áp dụng:

  • bạn không thể yêu cầu bố trí chính xác giấy phép;

  • bạn không thể thêm các hạn chế bổ sung vào giấy phép.

Hơn nữa, lợi ích lớn nhất bạn có thể làm cho người sử dụng của mình là duy trì các điều khoản và điều kiện rõ ràng và dễ hiểu nhất có thể.

Ở một số quốc gia, người sử dụng không bắt buộc phải ghi công cho các tác phẩm thuộc phạm vi công cộng. Tuy nhiên, bạn có thể yêu cầu người sử dụng của mình áp dụng cách thực hành tốt nhất để thừa nhận ghi công hợp lý cho cơ sở khi sử dụng lại tác phẩm. Bạn cũng có thể cung cấp các trích dẫn mẫu hoặc tuyên bố ghi công cho biết bạn muốn tác phẩm được thừa nhận ghi công như thế nào. Hãy xem ví dụ này của The Wellcome Collection, một viện bảo tàng và thư viện ở Vương quốc Anh.

Hãy xem lại các Hướng dẫn về Phạm vi công cộng do Creative Commons tạo ra. Các Hướng dẫn đó được cấp giấy phép CC BY SA, nên bạn có thể sử dụng lại và tùy chỉnh chúng cho phù hợp với mục đích phục vụ riêng của mình (và Europeana đã dịch chúng sang nhiều ngôn ngữ!). Việc hướng dẫn người sử dụng của bạn về cách bạn mong đợi họ tuân thủ với thiện chí sẽ giúp ích rất nhiều trong việc ngăn chặn một số cách sử dụng mà bạn có thể thấy khó chịu.

Duy trì tính nhất quán trên các trang web và nền tảng của bên thứ ba

Một trong những thách thức lớn nhất là duy trì chính sách truy cập mở nhất quán trên nhiều trang web và nền tảng của bên thứ ba. Các trang web như vậy có thể bao gồm phần mềm thu thập kỹ thuật số nguồn mở hoặc độc quyền (ví dụ: Access to Memory, Collective Access, Islandora, Dspace), chúng bao gồm các khả năng khác nhau để thể hiện siêu dữ liệu về quyền. Trong một số trường hợp, các cơ sở có thể duy trì nhiều hơn một trang web. Ví dụ: một dự án nghiên cứu cụ thể đã số hóa một bộ sưu tập cụ thể có thể cần trang web đứng riêng của nó. Trong phạm vi có thể, các trang web đó nên cố gắng nhân bản chính sách y hệt như trang web chính của cơ sở để tránh nhầm lẫn.

Các cơ sở chọn truy cập mở cũng có xu hướng đưa hình ảnh của họ vào nhiều nền tảng. Các nền tảng của bên thứ ba có thể là thách thức, bởi vì một số nền tảng có thể hỗ trợ các giấy phép và công cụ CC, trong khi các nền tảng khác thì không. Các nền tảng truyền thông xã hội cũng có thể là thách thức. Nếu bạn quan tâm đến việc xem các cơ sở khác nhau áp dụng chiến lược truyền thông xã hội như thế nào để ghi công đúng cho các tác giả và thừa nhận các cơ sở, hãy xem cuộc trò chuyện này giữa các chuyên gia tại Europeana, Viện bảo tàng Nghệ thuật Indianapolis và Viện bảo tàng Getty.

Cách tốt nhất để đảm bảo người sử dụng lại thừa nhận ghi công là liên kết ngược lại tới trang web của cơ sở của bạn nếu nền tảng đó không cho phép cơ chế thích hợp để thừa nhận bạn. Ví dụ: Viện bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh Auckland có tài khoản Pinterest; hãy xem chiếc túi len dệt của Croatia này.

Túi len dệt của Croatia, Viện bảo tàng Auckland, CC BY.

Trong trường hợp này, Bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh Auckland đã quyết định chỉ ra các quyền CC BY theo cách thủ công trong hộp mô tả bên cạnh ảnh. Họ cũng có một đường liên kết về hạng mục đó trên trang web bộ sưu tập của họ, rồi dẫn dắt người sử dụng để thấy tham chiếu y hệt đến giấy phép CC BY khi duyệt qua các đối tượng.

Trên một số nền tảng của bên thứ ba như Flickr, Sketchfab và Wikimedia Commons, các giấy phép và công cụ CC được hỗ trợ (tức là nền tảng “tích hợp sẵn”) hoặc thậm chí chúng có thể có các tuyên bố riêng (được gọi là “mẫu” trên Wikimedia Commons). Đặc biệt, Wikimedia Commons có ngưỡng chấp nhận ảnh cao theo quy định bản quyền của họ. Họ chỉ chấp nhận các tác phẩm được xác định là thuộc phạm vi công cộng hoặc được chủ bản quyền tự nguyện phát hành theo giấy phép CC tương thích với của Wikimedia Commons.

Tuy nhiên, ngay cả khi tuyên bố bản quyền là bắt buộc và đã được tiêu chuẩn hóa theo mẫu thì vẫn có một số chỗ có thể thay đổi. Xem ví dụ về cách Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Brazil phát hành bộ sưu tập của họ trên Wikimedia Commons. Hầu hết các hạng mục của họ đều được đánh dấu là thuộc phạm vi công cộng, với một ghi chú đặc biệt cho biết, “Vui lòng ghi thuộc tính là: Phạm vi công cộng / Bộ sưu tập Arquivo Nacional,” như bạn có thể thấy trong ví dụ này.

Viện bảo tàng Nghệ thuật Cleveland là một ví dụ khác về một tổ chức phát hành các bộ sưu tập của họ trên Wikimedia Commons. Hãy xem tác phẩm điêu khắc “Mùa đông” này của một nghệ sĩ vô danh. Trong trường hợp này, Viện bảo tàng Nghệ thuật Cleveland đã quyết định liên kết trở lại sáng kiến truy cập mở của họ trên trang web riêng của họ.

Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta có Flickr. Flickr có một phần đặc biệt dành cho các GLAM muốn phát hành các bộ sưu tập của họ được gọi là Flickr Commons. Flickr đề nghị các cơ sở tham gia áp dụng Dấu phạm vi công cộng như một cách để xác định các tác phẩm thuộc phạm vi công cộng. Như trên Wikimedia Commons, các cơ sở có thể chọn thêm thông tin bổ sung vào từng hình ảnh.

Hãy đọc phân tích này của Douglas McCarthy, “Tuyên bố Quyền: liên kết hỏng trên Flickr Commons.” Trong bài viết đó, Douglas đã xác định một số cơ sở có chính sách về quyền trả về thông báo lỗi “404 – Không tìm thấy trang”. Điều này đặc biệt có vấn đề, bởi vì người sử dụng lại cần có khả năng truy xuất các điều kiện theo đó họ đang sử dụng tác phẩm.

Cuối cùng, ngày càng nhiều cơ sở đang lựa chọn xây dựng các API để tải lên và phát hành nội dung truy cập mở của họ. Nếu bạn có đủ nguồn lực để xây dựng API thì điều quan trọng cần cân nhắc là khả năng truy cập của API theo thời gian. Như bài viết này giải thích, việc không duy trì các API này có thể khiến thông tin biến mất khỏi Internet hoặc khiến một số đoạn mã phần mềm không thể sử dụng được.

Tương tác với các cộng đồng

Các cộng đồng mà bạn tham gia cùng là những cộng đồng sẽ chứng minh tác động của chính sách truy cập mở và họ là những cộng đồng sẽ cho phép bạn áp dụng vào thực tế một số lợi ích đã được khám phá trong phần này. Các cộng đồng cũng là những người sẽ lấy nội dung của bạn, đưa chúng vào các nền tảng khác nhau và cải thiện bộ sưu tập của bạn bằng cách tìm ra những cách thức mới, khác nhau và sáng tạo để sử dụng và sử dụng lại nội dung đó.

Tích hợp vào các giao diện bên ngoài

Một phần quan trọng trong việc làm cho nội dung và bộ sưu tập của bạn sẵn có là có thể đưa tác phẩm của bạn lên các kênh khác, chẳng hạn như Wikimedia Commons. Có rất nhiều ví dụ về các cơ sở thực hiện các hoạt động “GLAM-Wiki”, và một số trường hợp điển hình để khám phá.

Một ví dụ là Viện bảo tàng Ipiranga từ Brazil mà bạn có thể đọc trong bài viết này của Wiki Movimento Brasil. Giống như Rijksmuseum, Viện bảo tàng Ipiranga đã phải đóng cửa để cải tạo, nhưng họ đã tìm cách mở ra bộ sưu tập của mình thông qua Wikimedia Commons và bằng cách tích hợp nó vào Wikipedia.

Tuy nhiên, sự tích hợp này cũng có thể thu hút vốn cấp từ nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ: Quỹ Sloan ở Mỹ đã hỗ trợ sự cộng tác giữa DPLA và Wikimedia để làm cho nội dung của DPLA nổi bật hơn trên các nền tảng Wikimedia.

Ngoài ra, các dự án Wikimedia còn cho phép làm với những cách rất thú vị để nâng cao nội dung của bạn. Ví dụ, hãy xem Wikidata Art Depiction Explorer cho phép người sử dụng lại mô tả những gì đang được mô tả trong một tác phẩm nghệ thuật cụ thể.

Các dự án Wikimedia chỉ là một trong những ví dụ mà bạn có thể giới thiệu nội dung của mình, nhưng đây là một ví dụ nổi bật vì Wikipedia là trang web duy nhất do một tổ chức phi lợi nhuận điều hành nằm trong số mười trang web được truy cập nhiều nhất trên Internet. Đây cũng là một nền tảng tuyệt vời về những gì bạn có thể đạt được nếu kết nối một cách khôn ngoan với cộng đồng Wikimedia. Điều này có nghĩa là dành thời gian để hiểu cách hoạt động của nền tảng và các con đường để kết nối với cộng đồng. Ví dụ: nếu bạn muốn bộ sưu tập của mình xuất hiện trên Wikipedia nhưng bạn không có mối quan hệ với cộng đồng Wikimedia hoặc có kế hoạch thuê một thành viên Wikipedia tại nơi cư trú – WiR (Wikipedian in Residence), thì bạn có thể cần phải đánh giá lại cách tương tác với cộng đồng này.

Thúc đẩy văn hóa sử dụng lại và phối lại

Việc đưa bộ sưu tập của bạn lên trên trực tuyến cũng có thể cho phép tạo ra các tác phẩm sáng tạo mới. Ví dụ: đó chính xác là những gì Viện bảo tàng và Phòng trưng bày Nghệ thuật Birmingham, Câu lạc bộ Black Hole và Chiến tranh Lạnh Steve Trust đã thực hiện với chiến dịch “Cắt, Sao chép, Phối lại” của họ, mời các nghệ sĩ phối lại bộ sưu tập có sẵn công khai của họ. Và một số kết quả khá đáng kinh ngạc, chẳng hạn như “Cold War Steve vs The PRB, 2020” (Cold War Steve (Christopher Spencer), CC0. Photomontage do Birmingham Museums Trust ủy quyền.)

“Cold War Steve vs The PRB, 2020” (Cold War Steve (Christopher Spencer), CC0. Photomontage do Birmingham Museums Trust ủy quyền.)

Có những ví dụ khác, chẳng hạn như giải thưởng Rijksstudio, khuyến khích mọi người phối lại các bộ sưu tập của họ và thậm chí khuyến khích sử dụng và áp dụng chúng vào các vật dụng hàng ngày. Những nơi khác, chẳng hạn như Thư viện Quốc hội Mỹ, khuyến khích mọi người khám phá danh mục âm nhạc trong phạm vi công cộng của họ và trở thành “các DJ công dân”. Và những dự án khác, chẳng hạn như dự án Coding Da Vinci ở Đức, khuyến khích việc sử dụng lại dữ liệu văn hóa như một cách để khám phá và sử dụng lại các bộ sưu tập.

Tập hợp các trường hợp được chọn này cho thấy tầm quan trọng của việc cho phép người sử dụng tham gia theo các điều kiện của riêng họ và khám phá nhiều khả năng chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của chính họ.

Hướng tới khả năng tiếp cận

Trong bài viết “Hiệp ước Marrakesh: thách thức các GLAM tạo ra các tài liệu dễ đọc cho người khuyết tật” thủ thư người Argentina Virginia Simón xác định một số cách theo đó các GLAM có thể giúp làm cho các tác phẩm dễ tiếp cận hơn đối với người khuyết tật. Việc thu hút người sử dụng đa dạng là một trong những lợi ích chính đi kèm với di sản văn hóa kỹ thuật số. Hãy khám phá các cách thức khác nhau theo đó truy cập mở có thể cho phép cung cấp các trải nghiệm mới cho người sử dụng.

Nguồn lực cộng đồng và hoạt động tình nguyện

Một khía cạnh quan trọng khác của truy cập mở là nó trao các cơ hội mới cho cộng đồng tham gia vào các bộ sưu tập và nội dung của bạn. Sự tương tác với cộng đồng có thể đạt được thông qua các nhiệm vụ huy động nguồn lực từ cộng đồng hoặc thông qua làm việc với các tình nguyện viên trong các chiến dịch nội dung khác nhau, cùng nhiều ví dụ khác. Điều này góp phần vào sự tham gia tổng thể tốt hơn của công dân và cộng đồng với di sản văn hóa.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các nhiệm vụ sử dụng nguồn lực từ cộng đồng không cần nỗ lực. Thông thường, việc cung cấp dịch vụ cộng đồng đòi hỏi cơ sở phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị trước nội dung hoặc các bộ sưu tập có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ hoặc các chiến dịch nội dung sử dụng nguồn lực cộng đồng.

Để làm ví dụ, hãy xem những gì Siobhan Leachman chia sẻ. Siobhan là một thành viên cộng đồng rất tích cực của các dự án Wikimedia. Siobhan tham gia với tư cách là tình nguyện viên cho Thư viện Di sản Đa dạng Sinh học và Trung tâm Phiên âm Smithsonian. Cô ấy cũng rất thẳng thắn về những dự án mà cô ấy quyết định đầu tư thời gian của mình vào, như được mô tả trong dòng tweet này:

Vào năm 2016, Siobhan đã có bài nói chuyện có tên “Nguồn đám đông & cách các GLAM khuyến khích tôi tham gia” tại Diễn đàn Số Quốc gia. Trong cuộc nói chuyện đó, cô đã đưa ra ba gợi ý cho các GLAM muốn thu hút những người như cô cộng tác:

  1. Hãy hào phóng với NỘI DUNG của bạn: cho phép các tình nguyện viên đóng góp cho dự án của bạn sử dụng nội dung và dữ liệu của bạn, tải xuống, sử dụng lại và đặt nó vào các trang web và dự án khác nơi họ đang cộng tác;

  2. Hãy hào phóng với SỰ TIN TƯỞNG của bạn: cho phép các tình nguyện viên bắt tay ngay vào các dự án thực hành; giúp họ dễ dàng tham gia; thiết kế những nhiệm vụ cụ thể, khả thi mà họ có thể hoàn thành; cho phép phản hồi và cải tiến, đồng thời tha thứ cho những sai lầm;

  3. Hãy hào phóng với THỜI GIAN: triển khai các kênh truyền thông khác nhau (mạng xã hội, họp trực tuyến, giờ hành chính) nơi các tình nguyện viên có thể liên hệ với bạn và trò chuyện về những gì họ đang làm và điều gì khiến họ hào hứng về dự án tình nguyện của họ; thiết lập sự cộng tác.

Quan trọng hơn, như Siobhan đã lưu ý, “Nguồn đám đông (Crowdsourcing) không phải là có được lao động miễn phí. Đó là sự cởi mở với các tình nguyện viên, ý tưởng và đóng góp của bạn. Đó là về sự cộng tác và sự cộng tác đòi hỏi phải có sự giao tiếp.” Đây là những gì chúng tôi đề cập đến trong phần này xung quanh việc lập kế hoạch phân bổ nguồn lực phù hợp để xây dựng các mối quan hệ này!

Bạn biết những dự án di sản văn hóa kỹ thuật số nào khác đang kết hợp giá trị của sự cộng tác? Bạn thích cái nào? Bạn đã nghĩ đến việc triển khai dự án huy động nguồn lực từ cộng đồng tại tổ chức của mình chưa?

Đánh giá tác động của bạn

Việc đánh giá tác động của bạn là rất quan trọng để hiểu liệu các nguồn lực có được phân bổ hợp lý hay không. Nó cũng cho phép bạn ủng hộ nội bộ cho tầm quan trọng của việc đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào việc xây dựng năng lực kỹ thuật số.

Tác động của bạn sẽ luôn phụ thuộc vào mục tiêu của bạn, nhưng một phần quan trọng trong việc đánh giá tác động đó là theo dõi việc sử dụng lại. Các cơ sở có nguồn lực tốt có thể có khả năng theo dõi tác động của mình bằng cách triển khai các công cụ theo dõi, chẳng hạn như công việc mà Viện bảo tàng Nghệ thuật Cleveland đang thực hiện với bảng điều khiển CMA của họ.

Nhưng ngay cả khi bạn không có những nguồn lực đó, bạn vẫn có thể làm nhiều việc để đo lường tác động của mình. Ví dụ: bạn có thể đưa ra các cách thức để mọi người cung cấp cho bạn phản hồi về cách họ đang sử dụng và sử dụng lại di sản văn hóa mà bạn làm cho sẵn sàng mở trên trực tuyến. Hãy đưa ra những cách thức để mọi người kể câu chuyện của họ về cách để họ coi trọng và đánh giá cao những gì bạn đang làm.

Bằng cách khuyến khích người sử dụng tham chiếu ngược lại tới bạn trong các tuyên bố thừa nhận ghi công của họ, bạn cũng có thể có được cái nhìn tổng quan tốt hơn về việc ai, ở đâu, như thế nào bộ sưu tập của bạn đang được sử dụng lại để thông tin cho các đánh giá tác động của bạn.

Các lưu ý cuối cùng

Việc truyền thông các chính sách bản quyền của bạn một cách rõ ràng là điều cơ bản để cho phép các cộng đồng sử dụng lại nội dung của bạn. Có nhiều cách để các cộng đồng khác nhau có thể tương tác với nội dung của bạn. Việc theo dõi một số lần sử dụng lại này cho phép bạn xây dựng trường hợp của mình về việc phát hành bộ sưu tập và nội dung của bạn có tác động rộng rãi như thế nào.

-----------------------------------------------------------------------

  1. Văn bản viết: “Cam kết của Smithsonian đối với trách nhiệm văn hóa với truy cập mở là gì? Smithsonian tôn trọng các quyền và chủ quyền của các nền văn hóa đa dạng mà các bộ sưu tập của Smithsonian đại diện. Smithsonian tham gia với các cộng đồng này về việc sử dụng các tài sản này, vì vậy nội dung nhạy cảm về văn hóa có thể không phải là Truy cập Mở bây giờ hoặc trong tương lai. Vui lòng xem Tuyên bố về các Giá trị Truy cập Mở của Smithsonian để tìm hiểu thêm về các giá trị cốt lõi của Smithsonian trong việc áp dụng và thực hiện Sáng kiến Truy cập Mở, bây giờ và trong tương lai. Xin lưu ý rằng ngôn ngữ và thuật ngữ được sử dụng trong bộ sưu tập này phản ánh bối cảnh và văn hóa tại thời điểm nó được tạo ra và có thể bao gồm thông tin nhạy cảm về mặt văn hóa. Là một tài liệu lịch sử, nội dung của nó có thể mâu thuẫn với các quan điểm và thuật ngữ đương thời. Thông tin trong bộ sưu tập này không phản ánh quan điểm của Viện Smithsonian, nhưng có sẵn ở dạng nguyên bản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu. Nếu có câu hỏi hoặc nhận xét về nội dung nhạy cảm, quyền truy cập và cách sử dụng liên quan đến bộ sưu tập này, vui lòng liên hệ openaccess@si.edu

-----------------------------------------------------------------------

Giấy phép và Ghi công

Nội dung được cấp phép CC, Bản gốc

-----------------------------------------------------------------------

Về bài trước ………. Bài tiếp theo ………. Về mục lục.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIÁO DỤC MỞ - TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ: ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay9,970
  • Tháng hiện tại142,301
  • Tổng lượt truy cập7,020,330
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây