Công nghệ mở trong các cơ sở văn hóa và giáo dục

Thứ hai - 27/09/2021 18:54
Công nghệ mở trong các cơ sở văn hóa và giáo dục

(Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng, xuất bản tháng 9/2021. Phiên bản điện tử có tại địa chỉ: https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Cong-nghe-mo-trong-cac-co-so-van-hoa-va-giao-duc-28501)

Theo sau Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều quyết định khác cũng đã được ban hành với mục đích triển khai chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực. Trong số đó có thể kể tới 2 quyết định có liên quan tới ngành văn hóa và giáo dục là:

  1. Quyết định số 1296/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình "Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư"; và

  2. Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Cả 2 quyết định nêu trên đều có liên quan tới việc xây dựng, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, bao gồm cả các dữ liệu mở, tài nguyên giáo dục mở, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.

Việc xây dựng một hệ thống thư viện số, mở và chia sẻ để dùng chung giữa các thư viện là chủ đề nóng vài năm gần đây, và nó đã trở nên đặc biệt nóng hơn nhiều trong giai đoạn sau đại dịch COVID-19, khi nhiều hoạt động giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng, đã và đang phải chuyển lên trên trực tuyến.

Cũng đã có vài sáng kiến xây dựng các hệ thống như vậy, ví dụ như sáng kiến xây dựng thư viện điện tử dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam thuộc dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học do Ngân hàng Thế giới tài trợ[1] với sự tham gia của 45 trường đại học và học viện, hay sáng kiến xây dựng hệ thống thư viện số đại học dùng chung nhằm chia sẻ các học liệu nội sinh giữa 28 cơ sở thư viện đại học và học viện[2]. Các sáng kiến này đều được khởi xướng từ 2017, nhưng vì nhiều lý do[3], tới nay vẫn chưa thể đi vào sử dụng trong thực tế.

Bài viết này gợi ý một ví dụ điển hình xây dựng hệ thống kết nối mở, liên thông như vậy nhưng được mở rộng hơn không chỉ cho các thư viện của các cơ sở giáo dục, mà còn cho cả các cơ sở bộ nhớ khác của ngành văn hóa, như các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ và các viện bảo tàng, như của Europeana.

 

A. Europeana và tiếp cận OpenGLAM

Europeana một nền tảng số, mở[4], do Europeana Foundation[5] (Quỹ Europeana), một tổ chứ phi lợi nhuận có trụ sở ở Hà Lan quản lý, đã tập hợp được hơn 57 triệu đối tượng số từ các bộ sưu tập trên trực tuyến của hơn 3.500 phòng trưng bày, thư viện, viện bảo tàng, các bộ sưu tập nghe nhìn và các kho lưu trữ từ khắp Châu Âu, theo một tài liệu được Europeana xuất bản năm 2019[6]. Tài liệu này cũng cho biết, trên thực tế có tới 90% các đối tượng di sản văn hóa của châu Âu còn chưa được số hóa, và Europeana sẽ tiếp tục làm việc với các cơ sở văn hóa và các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu để xử lý phần còn lại.

Điều đặc biệt quan trọng là Europeana chọn tiếp cận mở để tiến hành chuyển đổi số, và đương nhiên, bao gồm việc số hóa nội dung của các cơ sở văn hóa được kết nối tới nó, một tiếp cận được biết tới với tên gọi là OpenGLAM, với GLAM là viết tắt các từ tiếng Anh của các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ, viện bảo tàng (Galleries, Libraries, Archives, Museums).

OpenGLAM[7] là mạng toàn cầu của những người và tổ chức đang làm việc để mở nội dung và dữ liệu do các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ và viện bảo tàng nắm giữ. Như một cộng đồng thực hành, nó kết hợp các nỗ lực liên tục để phổ biến tri thức và văn hóa thông qua các chính sách và thực hành để khuyến khích các cộng đồng rộng lớn hơn tham gia, và tích hợp họ với các nhu cầu và hoạt động của các cộng đồng nghề nghiệp làm việc trong các cơ sở GLAM.

Các GLAM là các cơ sở mạnh về chia sẻ tri thức với thế giới. Đặc biệt trên Internet, việc xây dựng thực hành chia sẻ tri thức đòi hỏi áp dụng các thực hành mở các bộ sưu tập bằng việc sử dụng cấp phép mở, các công cụ mở, và hạ tầng mở.

 

Câu hỏi là: Với vai trò là người dẫn dắt và tổ chức hệ thống, làm thế nào Europeana xây dựng được một hệ thống mở, kết nối và chia sẻ rộng khắp như vậy?

 

B. Các tuyên bố quyền đối với các đối tượng số của Europeana và chính sách sử dụng lại dữ liệu và tài liệu của Ủy ban châu Âu

Để có thể xây dựng một hệ thống như vậy, Europeana trước hết tập trung vào việc làm rõ bản quyền của các bộ sưu tập và các hạng mục trong các bộ sưu tập được các nhà cung cấp nội dung đưa lên nền tảng số, mở Europeana bằng việc đưa ra 14 tuyên bố các quyền như được nêu ở phần ngay bên dưới đây, nhiều trong số đó gắn liền với các giấy phép nói chung, và các công cụ dành cho các đối tượng nằm trong phạm vi công cộng nói riêng, trong hệ thống cấp phép mở Creative Commons.

Bên cạnh việc đưa ra các tuyên bố về các quyền bản quyền đối với các đối tượng số của bản thân, đặc biệt là đối với các đối tượng nằm trong phạm vi công cộng, việc ban hành các chính sách ở mức châu Âu của Ủy ban châu Âu, Nghị viện và Hội đồng châu Âu có liên quan tới: (1) việc cấp phép mở để sử dụng lại các đối tượng số; (2) việc khẳng định rõ ràng các quyền của người sử dụng đối với các đối tượng nằm trong phạm vi công cộng; và (3) chính sách rõ ràng về phần mềm nguồn mở, đã giúp cho việc chuyển đổi số bằng công nghệ mở của Europeana, về khía cạnh cơ sở pháp lý, là rất thuận lợi.

14 tuyên bố quyền đối với các đối tượng số của Europeana

Một trong những vấn đề quan trọng khi Europeana đứng ra tập hợp các đối tượng số là đưa ra một cách rõ ràng và chi tiết các tuyên bố quyền được tiêu chuẩn hóa[8] mà bạn có thể chọn khi cung cấp nội dung cho Europeana hoặc sẽ là các giấy phép và các công cụ của Creative Commons hoặc các tuyên bố từ nhóm các tuyên bố quyền[9]. Trước khi áp dụng các tuyên bố quyền, bạn nên biết:

  • Danh sách các tuyên bố quyền sẽ được cập nhật theo thời gian.

  • Tất cả các giấy phép và các công cụ của Creative Commons chỉ có thể được những người nắm giữ các quyền áp dụng, hoặc được họ cho phép.

  • Khuyến cáo bạn nên tham khảo website của Creative Commons[10] để hiểu đầy đủ các định nghĩa và mã pháp lý. Điều này sẽ giúp bạn quyết định giấy phép Creative Commons nào là tuyên bố quyền phù hợp nhất cho dự án của bạn.

Ở thời điểm hiện tại, có tất cả 14 tuyên bố quyền như vậy đã được Europeana đưa ra, bao trùm toàn bộ phổ các giấy phép, từ mở nhất cho tới đóng nhất, được liệt kê ngắn gọn bên dưới đây:

  1. Dấu Phạm vi Công cộng - PDM (Public Domain Mark). Dấu này được áp dụng cho các đối tượng số không còn được bản quyền bảo vệ nữa. Các đối tượng được gắn nhãn này có thể được bất kỳ ai sử dụng mà không có bất kỳ hạn chế nào.

  2. Không có bản quyền - chỉ sử dụng lại phi thương mại – NoC-NC (No Copyright - non commercial re-use only (NoC-NC). Tuyên bố NoC-NC này được áp dụng cho các đối tượng số nằm trong phạm vi công cộng đã được số hóa như là kết quả của mối quan hệ đối tác công - tư, nơi mà các điều khoản hợp đồng giới hạn sử dụng thương mại trong một giai đoạn thời gian nhất định.

  3. Không có bản quyền - Các hạn chế Pháp lý Được biết Khác - NoC-OKLR (No Copyright - Other Known Legal Restriction). Tuyên bố NoC-OKLR này được áp dụng cho các đối tượng số nằm trong phạm vi công cộng, tuân thủ các hạn chế pháp lý được biết khác với bản quyền, ngăn cản sử dụng lại chúng tự do không mất tiền.

  4. Creative Commons CC0 1.0 Hiến tặng vào Phạm vi Công cộng – CC0 (The Creative Commons CC0 1.0 Universal Public Domain Dedication). CC0 được sử dụng để khước từ tất cả các quyền trong một đối tượng số. Bằng việc áp dụng khước từ này, tất cả các quyền có thể đang tồn tại trong nội dung đó bị/được khước từ, và đối tượng đó có thể được bất kỳ ai sử dụng mà không có bất kỳ hạn chế nào.

  5. Creative Commons - Ghi công – CC BY (Creative Commons - Attribution). Giấy phép CC BY này cho phép những người khác phân phối, pha trộn, chỉnh sửa, và xây dựng dựa vào tác phẩm được cấp phép, thậm chí thương mại hóa, miễn là họ thừa nhận ghi công người nắm giữ các quyền như được mô tả trong giấy phép đó. CC BY được khuyến cáo để xúc tác cho truy cập, khám phá và sử dụng các tác phẩm được cấp phép.

  6. Creative Commons - Ghi công, Chia sẻ tương tự – CC BY-SA (Creative Commons - Attribution, ShareAlike). Giấy phép CC BY-SA này cho phép những người khác pha trộn, sửa đổi và xây dựng dựa vào tác phẩm được cấp phép, thậm chí vì các mục đích thương mại, miễn là họ thừa nhận ghi công người nắm giữ các quyền như được mô tả trong giấy phép, và cấp phép cho các tùy chỉnh tác phẩm đó của họ theo các điều khoản y hệt. Tất cả các tác phẩm mới dựa vào tác phẩm được cấp phép gốc ban đầu sẽ mang giấy phép y hệt, nên bất kỳ bản phái sinh nào cũng sẽ cho phép sử dụng thương mại.

  7. Creative Commons - Ghi công, Không có Phái sinh – CC BY-ND (Creative Commons - Attribution, No Derivatives). Giấy phép CC BY-ND này cho phép phân phối lại, bao gồm cả sử dụng thương mại và phi thương mại tác phẩm đó miễn là không có chỉnh sửa nào được làm đối với tác phẩm đó và người nắm giữ các quyền được thừa nhận ghi công phù hợp với các đặc điểm của giấy phép đó.

  8. Creative Commons - Ghi công, Phi Thương mại – CC BY-NC (Creative Commons - Attribution, Non-Commercial). Giấy phép CC BY-NC này cho phép những người khác pha trộn, chỉnh sửa, và xây dựng dựa vào tác phẩm được cấp phép đó cho các mục đích sử dụng phi thương mại. Bất kỳ tác phẩm mới nào được tạo ra dựa vào tác phẩm của bạn cũng phải được thừa nhận ghi công cho người nắm giữ các quyền như được chỉ định trong giấy phép, và chỉ có thể sẵn sàng cho sử dụng phi thương mại.

  9. Creative Commons - Ghi công, Phi thương mại, Chia sẻ Tương tự – CC BY-NC-SA (Creative Commons - Attribution, Non-Commercial, ShareAlike). Giấy phép CC BY-NC-SA này cho phép những người khác pha trộn, chỉnh sửa, và xây dựng dựa vào tác phẩm được cấp phép đó cho các mục đích sử dụng phi thương mại miễn là họ thừa nhận ghi công người nắm giữ các quyền của tác phẩm theo các điều khoản được chỉ định trong giấy phép đó, và cấp phép cho các sáng tạo mới theo các điều khoản y hệt.

  10. Creative Commons - Ghi công, Phi Thương mại, Không có Phái sinh – CC BY-NC-ND (Creative Commons - Attribution, Non-Commercial, No Derivatives). Giấy phép CC BY-NC-ND này là hạn chế nhất trong số 6 giấy phép Creative Commons, chỉ cho phép những người khác tải về các tác phẩm được cấp phép và chia sẻ chúng với những người khác miễn là họ thừa nhận ghi công cho người nắm giữ các quyền như được chỉ định trong giấy phép, nhưng người sử dụng không thể thay đổi tác phẩm theo bất kỳ cách gì hoặc không thể sử dụng chúng cho các mục đích thương mại.

  11. Trong (thời hạn bảo vệ) bản quyền – InC (In Copyright). Tuyên bố InC là để sử dụng các đối tượng số còn trong thời hạn bảo vệ bản quyền mà sẵn sàng tự do không mất tiền trên trực tuyến và việc sử dụng lại chúng đòi hỏi sự cho phép bổ sung từ (những) người nắm giữ các quyền.

  12. Trong (thời hạn bảo vệ) bản quyền – Được phép Sử dụng trong Giáo dục - InC-EDU (In Copyright - Educational Use Permitted). Tuyên bố InC-EDU là để sử dụng với các đối tượng số còn trong thời hạn bảo vệ bản quyền mà sẵn sàng tự do không mất tiền trên trực tuyến và (những) người nắm giữ các quyền đã cho phép sử dụng lại chỉ cho các mục đích giáo dục.

  13. Trong (thời hạn bảo vệ) bản quyền – Tác phẩm Mồ côi ở Liên minh châu Âu - InC-EU-OW (In Copyright - EU Orphan Work). Tuyên bố InC-EU-OW là để sử dụng với các đối tượng số đã được xác định như là một tác phẩm mồ côi ở quốc gia xuất bản đầu tiên và phù hợp với các yêu cầu của luật quốc gia triển khai Chỉ thị 2012/28/EU của Nghị viện và Hội đồng châu Âu này 25/10/2012 về sử dụng các tác phẩm mồ côi được cho phép nhất định.

  14. Chưa được Đánh giá Bản quyền - CNE (Copyright Not Evaluated). Tuyên bố CNE là để sử dụng với các đối tượng số nơi mà tình trạng bản quyền còn chưa được đánh giá.

Bổ sung thêm rằng, vì Europeana làm việc với các di sản văn hóa của châu Âu, nó đặc biệt chú trọng tới các đối tượng, cả ở dạng tương tự (analog) lẫn ở dạng số (digital) và mối quan hệ giữa chúng với nhau. Về khía cạnh này, Europeana đã đưa ra Hiến chương Phạm vi Công cộng[11], khẳng định tầm quan trọng của phạm vi công cộng:

Phạm vi Công cộng là nguyên liệu thô từ đó chúng ta tạo ra kiến thức mới và tạo ra các tác phẩm văn hóa mới. Việc có Phạm vi Công cộng lành mạnh và thịnh vượng là cơ bản cho phúc lợi xã hội và kinh tế của các xã hội của chúng ta.”

và để có được phạm vi công cộng lành mạnh và thịnh vượng trong kỷ nguyên số, Europeana đã đưa ra nguyên tắc cho các đối tượng nằm trong phạm vi công cộng khi được số hóa như sau:

Số hóa nội dung thuộc Phạm vi Công cộng không tạo ra các quyền mới đối với nó: các tác phẩm nằm trong Phạm vi Công cộng ở dạng tuần tự (analogue form) tiếp tục nằm trong Phạm vi Công cộng một khi chúng được số hóa.”

biết rằng, như các tuyên bố quyền số 1 và 4 ở trên, nhiều nội dung trong phạm vi công cộng là các đối tượng có thể được bất kỳ ai sử dụng mà không có bất kỳ hạn chế nào.

Chính sách của Liên minh châu Âu tạo thuận lợi cho chuyển đổi số với công nghệ mở

Trong khi các tuyên bố quyền nêu trên của Europeana có thể được xem như là chính sách cấp phép mở của riêng Europeana hoặc như là chính sách cấp phép mở ở cấp cơ sở, thì ở mức của Ủy ban châu Âu Liên minh/Hội đồng châu Âu cũng có các chính sách tạo thuận lợi cho các tuyên bố quyền, cũng như việc xây dựng nền tảng số, mở Europeana, như được nêu dưới đây:

  1. Ngày 22/02/2019 Ủy ban châu Âu đã ban hành chính sách áp dụng giấy phép mở Creative Commons cho chính sách sử dụng lại của Ủy ban châu Âu[12], theo đó:

    1. Điều 1. Giấy phép Công cộng Creative Commons Ghi công 4.0 Quốc tế (CC BY 4.0) được phê chuẩn như là giấy phép mở cho chính sách sử dụng lại của Ủy ban theo Điều 6 của Quyết định 2011/833/EU.

    2. Điều 2. Không ảnh hưởng tới điều trước, dữ liệu thô, siêu dữ liệu hoặc các tài liệu khác có bản chất tương đương có thể được phân phối cách khác theo các điều khoản hiến tặng vào phạm vi công cộng Creative Commons (CC0 1.0).

  2. Ngày 17/04/2019 Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã ban hành Chỉ thị về bản quyền và các quyền liên quan trong Thị trường Số Duy nhất và sửa đổi bổ sung cho các Chỉ thị 96/9/EC và 2001/29/EC, với Điều 14 của nó[13] được nêu như sau: Các tác phẩm nghệ thuật nhìn trong phạm vi công cộng. Các quốc gia thành viên sẽ quy định rằng, khi thời hạn bảo vệ tác phẩm nghệ thuật nhìn đã hết hạn, bất kỳ tư liệu nào là kết quả từ hành động tái tạo lại tác phẩm đó không tuân theo bản quyền hoặc các quyền liên quan, trừ phi tư liệu đó là kết quả từ hành động tái tạo lại là nguyên bản theo nghĩa đó là sáng tạo trí tuệ của chính tác giả.

  3. Ngày 21/10/2020 Ủy ban châu Âu đã ban hành ‘Chiến lược phần mềm nguồn mở 2020-2023 của Ủy ban châu Âu: Nghĩ Mở’[14] nhằm đạt được các mục tiêu: (1) Tiến bộ hướng tới tự chủ số; (2) Triển khai chiến lược số của châu Âu; (3) Chia sẻ và sử dụng lại vì lợi ích của tất cả mọi người; (4) Đóng góp cho xã hội tri thức; và (5) Xây dựng dịch vụ công cấp độ thế giới. Chiến lược này của Ủy ban châu Âu chắc chắn là tạo thuận lợi cho việc xây dựng nền tảng số, mở Europeana.


C. Quy trình chia sẻ dữ liệu với Europeana

Hiện có hàng ngàn kho lưu trữ, thư viện và viện bảo tàng của châu Âu làm việc với Europeana để mang các bộ sưu tập của họ tới những người sử dụng khắp trên thế giới. Để điều này diễn ra suôn sẻ, Europeana đã chuẩn hóa, cả về mặt pháp lý và kỹ thuật, một quy trình 5 bước[15] mà một cơ sở GLAM ở châu Âu muốn chia sẻ các đối tượng số với Europeana cần biết để tuân thủ. Từng bước quy trình đều có một câu hỏi đặc trưng và các câu trả lời sẵn để giúp cho bạn, với vai trò của một nhà cung cấp dữ liệu cho Europeana, vì lợi ích của chính bạn, cân nhắc để lựa chọn tuyên bố quyền[16] phù hợp.

Bên dưới đây là tóm tắt nội dung các câu trả lời cho từng câu hỏi ở từng bước quy trình và đưa ra giải thích ngắn gọn các yêu cầu về pháp lý và kỹ thuật cùng các tài liệu (vài trong số đó đã được dịch sang tiếng Việt) tham chiếu tới các yêu cầu đó.

Bước 1. Các lợi ích

Vì sao chia sẻ dữ liệu với Europeana?

  1. Có được tính trực quan gia tăng qua website của Europeana, có nhiều người tích cực đi theo và có sự biên tập đổi mới sáng tạo.

  2. Mang các bộ sưu tập của bạn tới các khán thính phòng mới trong giáo dục, nghiên cứu và giới công nghiệp đổi mới sáng tạo - hãy khai phá cách chúng tôi trưng bày các bộ sưu tập.

  3. Nhận được hướng dẫn từ các chuyên gia về mô hình hóa dữ liệu, bản quyền và cấp phép.

 

Bước 2. Các yêu cầu

Các yêu cầu chính cho việc chia sẻ dữ liệu của bạn với Europeana là gì?

  1. Bộ sưu tập của bạn được số hóa (bạn có thể trỏ tới nó bằng một đường liên kết web) và các mô tả các đối tượng đó (siêu dữ liệu) là sẵn sàng ở dạng số.

  2. Bộ sưu tập của bạn là về châu Âu; được người châu Âu hoặc cộng đồng châu Âu làm ra; hoặc được một cơ sở của châu Âu sở hữu. Trong khi đa số các cơ sở chúng tôi làm việc cùng là từ các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, nếu bạn là một cơ sở không phải từ các quốc gia đó, vui lòng liên hệ để khai phá các lựa chọn của bạn cho việc chia sẻ dữ liệu.

  3. Phạm vi quy mô bộ sưu tập của bạn cần điều chỉnh phù hợp với Chiến lược Nội dung của Europeana[17] vì các lý do sau:

    • Nền tảng Europeana chỉ có thể là tốt khi truy cập được tới nội dung nó cung cấp. Vì lý do này, chiến lược nội dung mới của chúng tôi sẽ giúp cho các tổ chức và các đối tác của chúng tôi xác định dạng nội dung nào chúng tôi nên mở rộng, nội dung nào chúng tôi cần hạn chế, và ai nắm quyền sở hữu các quy trình ra quyết định.

    • Chiến lược Nội dung này đã được nhóm gồm các nhân viên của Europeana Foundation và các nhà tổng hợp đại diện cho các lĩnh vực (các viện bảo tàng, thư viện, kho lưu trữ, kho lưu trữ nghe nhìn) thiết kế, và sẽ hỗ trợ để “có được nội dung đúng cho người sử dụng đúng và kịp thời qua việc lập kế hoạch chiến lược tạo lập, phân phối và quản lý nội dung[18]”.

 

Bước 3. Các tiêu chí kỹ thuật

Liệu có các tiêu chí kỹ thuật cho việc chia sẻ dữ liệu của bạn hay không?

  1. Các mô tả dạng số bộ sưu tập của bạn (siêu dữ liệu) tuân thủ với định dạng được chỉ định theo Mô hình Dữ liệu của Europeana - EDM (Europeana Data Model)[19] với hàng loạt các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật với các phiên bản được cập nhật liên tục theo thời gian.

  2. Bạn điều chỉnh cho phù hợp với một trong bốn mức nội dung và ba mức siêu dữ liệu để có chất lượng như được nêu trong Khung Xuất bản của Europeana[20]. Khung này giúp bạn dễ dàng xem chất lượng của siêu dữ liệu và nội dung bạn cung cấp ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng tôi có thể hiển thị, triển lãm và quảng bá nó trên trang web các bộ sưu tập của Europeana. Nó cũng phản ánh cách để những người khác có thể xem, chia sẻ và làm việc với nó.

Hình 1. Bốn mức nội dung trên Europeana - tùy thuộc vào lựa chọn cấp phép của các nhà cung cấp nội dung cho các hạng mục trong các bộ sưu tập của họ

 

  1. Các nhà cung cấp nội dung cho Europeana cũng cần tuân thủ Hướng dẫn Xuất bản của Europeana[21] vì các lý do sau:

    • Hướng dẫn này đưa ra các tiêu chí siêu dữ liệu để đảm bảo rằng các tập hợp dữ liệu của các nhà cung cấp nội dung cho Europeana đáp ứng được các tiêu chí xuất bản của Europeana. Vì dữ liệu tốt trao cho khán thính phòng trải nghiệm tốt hơn và kết nối tốt hơn với các bộ sưu tập của họ.

    • Đảm bảo rằng dữ liệu số được đưa lên Europeana luôn được thấy là xác thực, tin cậy và cường tráng đối với các khán thính phòng của Europeana, với các tài liệu hướng dẫn và chính sách như Hướng dẫn ánh xạ Mô hình Dữ liệu của Europeana (EDM)[22] và Khung Cấp phép của Europeana[23] (14 tuyên bố quyền được nêu ở phần trên là một phần của Khung này).

Hình 2. Các yếu tố cấp phép nội dung/dữ liệu của Europeana

 

Bước 4. Cấp phép

Bạn cần cấp phép cho dữ liệu bạn chia sẻ với Europeana như thế nào?

  1. Bạn đã đánh giá tình trạng bản quyền[24] của bộ sưu tập bạn muốn xuất bản.

  2. Bạn đã phân tích bạn có thể ủy quyền cho mọi người để sử dụng bộ sưu tập đó như thế nào và điều này được làm rõ qua việc áp dụng 1 trong 14 tuyên bố quyền sẵn sàng của Europeana như được nêu ở phần trên.

  3. Các mô tả số (siêu dữ liệu) bộ sưu tập của bạn là sẵn sàng để sử dụng lại mà không có các hạn chế, như được nêu trong Thỏa thuận Trao đổi Dữ liệu[25]. Đây là yếu tố trung tâm của Khung Cấp phép của Europeana.

  4. Một lần nữa, như ở bước 3 ở trên, hãy đọc Khung Cấp phép của Europeana để hiểu và tuân thủ đầy đủ.

 

Bước 5. Xuất bản

Bạn xuất bản bộ sưu tập của bạn như thế nào?

Như một tổ chức khá nhỏ có trụ sở ở Hà Lan, có lẽ là không thể đối với Europeana Foundation để làm việc trực tiếp với tất cả các cơ sở di sản văn hóa nào muốn chia sẻ dữ liệu. Thay vào đó Europeana Foundation làm việc với các nhà tổng hợp, các tổ chức thu thập dữ liệu và làm cho nó sẵn sàng qua Europeana. Họ phục vụ như là cầu nối giữa Europeana Foundation và các cơ sở di sản văn hóa của bạn, và có thể giúp bạn xuất bản dữ liệu của bạn.


D. Kết luận và gợi ý

Nền tảng số, mở Europeana có thể là một mô hình tham khảo rất tốt cho việc xây dựng một nền tảng thư viện dùng chung, ví dụ như, cho các thư viện các trường đại học và cao đẳng hoặc cho bất kỳ cơ sở GLAM nào khác ở Việt Nam khi triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg cho các cơ sở văn hóa và/hoặc cho ngành thư viện như được nêu trong các Quyết định số 1296/QĐ-TTg và số 206/QĐ-TTg, một cách tương ứng. Đặc biệt, mô hình này có lẽ là thích hợp khi việc chuyển đổi số được thực hiện, như mong muốn của chính phủ, bằng công nghệ mở[26].

Để một nền tảng số, mở làm việc được, điều tối cần thiết là phải tập trung vào việc làm rõ các quyền bản quyền và chuẩn hóa nội dung/dữ liệu sẽ được tập hợp trên nền tảng đó từ các cơ sở khác nhau. Các bước triển khai để xuất bản nội dung/dữ liệu lên nền tảng số, mở đó phải rõ ràng và tạo điều kiện thuận lợi để từng bên cung cấp nội dung/dữ liệu có được lựa chọn như họ mong muốn nhưng vẫn tuân thủ việc chuẩn hóa đó. Ngoài ra, để nền tảng số, mở đó phát huy tác dụng, nó cần phải được chính sách, đặc biệt là chính sách cấp phép mở, mức quốc gia/nhóm quốc gia tạo thuận lợi.

Nền tảng số, mở Europeana được tổ chức phi lợi nhuận - Europeana Foundation - quản lý và kết nối với hàng ngàn nhà cung cấp nội dung khắp châu Âu, nhưng các nhà cung cấp nội dung này không xuất bản nội dung của họ trực tiếp tới nền tảng Europeana, mà thông qua các nhà tổng hợp và các tổ chức thu thập dữ liệu, có lẽ cũng là một khía cạnh khác gợi ý cho cách làm khi chúng ta muốn xây dựng một hệ thống thư viện dùng chung. Liệu có thể một Hội/Hiệp hội nghề nghiệp hay một đơn vị chuyên ngành trực thuộc nó đóng vai trò của bên quản lý/kết nối và đưa ra các quy định chung để các bên cùng tuân thủ, khi có sự tham vấn và đồng thuận với cả các nhà cung cấp nội dung (ví dụ, là các thư viện của các cơ sở giáo dục và các viện nghiên cứu và/hoặc các cơ sở GLAM của ngành văn hóa là các thành viên của các Hội/Hiệp hội nghề nghiệp đó) và các nhà tổng hợp và các tổ chức thu thập dữ liệu (ví dụ, là các công ty cung cấp các giải pháp về công nghệ thông tin và truyền thông) để xây dựng và triển khai các quy định chung đó vào thực tế, vì lợi ích của tất cả các bên có liên quan tham gia trong nền tảng dùng chung đó hay không?

Trong khi chờ đợi để có câu trả lời từ tất cả các bên liên quan, một trong những vấn đề cấp thiết và có lẽ là ưu tiên số 1 ở thời điểm hiện nay, là chính sách cấp phép mở ở mức quốc gia/chính phủ, giống như những gì Liên minh châu Âu/Ủy ban châu Âu/Hội đồng châu Âu đã làm để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các chính sách mức cơ sở của Europeana được thuận lợi khi triển khai vào thực tế ở khắp tất cả các quốc gia châu Âu.

Không có chính sách cấp phép mở ở mức quốc gia/chính phủ, nhiều khả năng việc xây dựng một nền tảng số, mở dùng chung sẽ khó trở thành hiện thực, và xa hơn, Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở[27] và Khuyến nghị Khoa học Mở[28] của UNESCO sẽ chỉ có thể được triển khai trên giấy, không thể hiện thực hóa được trong thực tế, và có lẽ, khoa học và giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục, trên thực tế, đi ngược đường với các xu thế không thể đảo ngược của khoa học mở và giáo dục mở của thế giới.


E. Các chú giải

[1] UEH, 2020: UEH tham gia xây dựng thư viện điện tử dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam thuộc dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học do Ngân hàng Thế giới tài trợ: https://www.ueh.edu.vn/khoa-hoc/ueh-tham-gia-xay-dung-thu-vien-dien-tu-dung-chung-cho-cac-co-so-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam-thuoc-du-an-nang-cao-chat-luong-giao-duc-dai-hoc-do-ngan-hang-the-gioi-tai-tro-55913

[2] VNU-LIC, 2017: Thư Viện Số Đại Học Dùng Chung: Kết Nối Tri Thức - Thúc Đẩy Sáng Tạo: https://lic.vnu.edu.vn/vi/content/thu-vien-so-dai-hoc-dung-chung-ket-noi-tri-thuc-thuc-day-sang-tao

[3] VNU-LIC, 2019: Những nút thắt của thư viện số: https://lic.vnu.edu.vn/vi/content/nhung-nut-cua-thu-vien-so

[4] europeana: https://www.europeana.eu/en

[5] europeana pro: https://pro.europeana.eu/about-us/foundation

[6] Henning Scholz: Europeana Publishing Guide v1.8. Europeana, 2019, p. 4. CC BY-SA.

[7] OpenGLAM.org: Are you working in the OpenGLAM arena? Tweet about it!. Bản dịch sang tiếng Việt: https://vnfoss.blogspot.com/2019/06/ban-co-ang-lam-viec-trong-linh-vuc.html

[8] europeana pro: Available rights statements: https://pro.europeana.eu/page/available-rights-statements

[9] europeana pro: Rights statements from RightsStatements.org: https://pro.europeana.eu/page/rightsstatements-org

[10] Creative Commons: About The Licenses: https://creativecommons.org/licenses/

[11] europeana, 2017: ‘Hiến chương Phạm vi Công cộng của Europeana’. Bản dịch sang tiếng Việt có tại: https://www.dropbox.com/s/njloqh0azutp12m/ENGLISH%20Public%20Domain%20Charter_Vi-05092021.pdf?dl=0

[12] Ủy ban châu Âu: Quyết định của Ủy ban (châu Âu) ngày 22/02/2019 áp dụng giấy phép mở Creative Commons theo chính sách sử dụng lại của Ủy ban châu Âu. Bản dịch sang tiếng Việt có tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/o5czc845o1sh4dd/C-2019-1655-F1-EN-MAIN-PART-1_Vi-28102020.pdf?dl=0

[13] Official Journal of the European Union: DIRECTIVE (EU) 2019/790 OF THE EUROPEAN PARLIAMENT AND OF THE COUNCIL of 17 April 2019 on copyright and related rights in the Digital Single Market and amending Directives 96/9/EC and 2001/29/EC. Bản dịch sang tiếng Việt của Điều 14 có tại: https://giaoducmo.avnuc.vn/openglam/cac-tac-pham-nghe-thuat-nhin-trong-pham-vi-cong-cong-trong-chi-thi-eu-2019-790-cua-nghi-vien-va-hoi-dong-chau-au-ve-ban-quyen-va-cac-quyen-lien-quan-490.html

[14] Ủy ban châu Âu, 21/10/2020: Chiến lược phần mềm nguồn mở 2020-2023 của Ủy ban châu Âu: Nghĩ Mở. Bản dịch sang tiếng Việt có tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/8cmc3usjrjx5aq1/en_ec_open_source_strategy_2020-2023_Vi-29102020.pdf?dl=0

[15] europeana pro: Process: https://pro.europeana.eu/share-your-data/process

[16] europeana pro: Selecting a rights statement. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/openglam/lua-chon-tuyen-bo-quyen-495.html

[17] europeana, 2019: Europeana Content Strategy. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/4yzkgsk3xl7382o/Content%20Strategy_Vi-26072019.pdf?dl=0

[18] Content Strategy Alliance: Content Strategy Alliance Charter. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/openglam/hien-chuong-cua-lien-minh-chien-luoc-noi-dung-498.html

[19] europeana pro: Europeana Data Model. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/openglam/mo-hinh-du-lieu-cua-europeana-497.html

[20] europeana: Europeana Publishing Framework v.1.1. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/ri1bpmos6vf0yg0/Europeana%20Publishing%20Framework%20V1.1%20English_Vi-19072019.pdf?dl=0. Hiện đã có phiên bản cập nhật v.2.0, 2019.

[21] europeana: Europeana Publishing Guide v.1.7, 2018. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/p5agt7r1gaiz891/Publishing%20guide_Vi-22072019.pdf?dl=0. Hiện đã có phiên bản cập nhật v.1.8, 2019.

[22] europeana pro: Europeana Data Model - Mapping Guidelines v.2.4, 2017. https://pro.europeana.eu/files/Europeana_Professional/Share_your_data/Technical_requirements/EDM_Documentation/EDM_Mapping_Guidelines_v2.4_102017.pdf

[23] europeana: The Europeana Licensing Framework. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/9weofkokil0h1kr/Europeana%20Licensing%20Framework_Vi-01072019.pdf?dl=0

[24] europeana: Identifying copyright in collection items: Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/openglam/xac-dinh-ban-quyen-trong-cac-hang-muc-cua-bo-suu-tap-494.html

[25] europeana pro: The Data Exchange Agreement. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/openglam/thoa-thuan-trao-doi-du-lieu-cua-europeana-496.html

[26] vietnamnet.vn, 18/11/2020: Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn công nghệ mở Việt Nam: https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/toan-van-phat-bieu-cua-bo-truong-nguyen-manh-hung-tai-dien-dan-cong-nghe-mo-viet-nam-689681.html

[27] UNESCO, 25/11/2019: UNESCO Recommendation on Open Educational Resources. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/giao-duc/khuyen-cao-ve-tai-nguyen-giao-duc-mo-cua-unesco-ban-dich-sang-tieng-viet-90.html

[28] UNESCO, 12/05/2021: Draft text of The UNESCO Recommendation on Open Science. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/tai-lieu-dich/ban-thao-khuyen-cao-khoa-hoc-mo-cua-unesco-ban-dich-sang-tieng-viet-411.html


Giấy phép nội dung: CC BY-SA 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIÁO DỤC MỞ - TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ: ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay12,021
  • Tháng hiện tại172,536
  • Tổng lượt truy cập6,807,402
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây