Nền tảng xây dựng năng lực Khoa học Mở của UNESCO sẽ khai trương vào tháng 12/2022

Thứ ba - 28/06/2022 19:07
OpenScience Components Vi
OpenScience Components Vi

(Bài viết cho hội thảo ‘Khoa học và Công nghệ Mở - Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam’ do Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn Mở Việt Nam (VFOSSA), Ban vận động Hội Dữ liệu Mở Việt Nam tổ chức ngày 28/06/2022 tại Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế.)


 

Tóm tắt: Để hoàn thành một trong các khía cạnh mục tiêu và lĩnh vực hành động của Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO là Đầu tư vào nhân lực, giáo dục, đào tạo, sáng số và xây dựng năng lực cho khoa học mở’, Nhóm Làm việc về Xây dựng Năng lực Khoa học Mở (XDNL KHM) của UNESCO đã được thành lập. Tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm ngày 12/05/2022, nhiều nội dung quan trọng về XDNL KHM đã được các diễn giả khách mời trình bày cùng với các đường liên kết tới các nội dung đó, cùng với chúng là dự kiến sẽ khai trương Nền tảng XDNL KHM tháng 12/2022 - tất cả chúng là các thông tin tham khảo rất tốt cho Bộ KHCN và các bộ – ngành liên quan cùng các viện/đại học/trường đại học nghiên cứu để có thể lên kế hoạch cho các hoạt động XDNL KHM trong thời gian tới phù hợp cho Việt Nam cả ở mức quốc gia và tổ chức/cơ sở, trong khi tuân thủ các chuẩn mực được thế giới thừa nhận.

Các từ khóa: Xây dựng Năng lực Khoa học Mở (XDNL KHM); Khuyến nghị Khoa học Mở (KN KHM); Kiến thức Khoa học Mở (KT KHM).


 

Sau một thời gian dài chuẩn bị và tư vấn với các bên liên quan theo tất cả các vùng địa lý trên toàn cầu và theo chủ đề, ngày 23/11/2021, tại phiên toàn thể Hội nghị UNESCO, 193 quốc gia thành viên của nó đã nhất trí thông qua Khuyến nghị Khoa học Mở[1].

A. Các thông tin cơ bản

Tài liệu Khuyến nghị (KN) nêu bật những điểm sau: (1) Đây là công cụ tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về Khoa học Mở (KHM); (2) KN đưa ra định nghĩa KHM lần đầu tiên với sự đồng thuận quốc tế; (3) KN đưa ra sự đồng thuận về các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc hướng dẫn của KHM; (4) KN đề cập tới nhiều tác nhân và các bên liên quan của KHM; (5) Khuyến nghị các hành động ở các mức khác nhau để vận hành các nguyên tắc của KHM; (6) KN đề xuất các tiếp cận tới KHM ở các giai đoạn khác nhau của vòng đời khoa học; (7) KN kêu gọi phát triển khung giám sát KHM toàn diện. Định nghĩa KHM được tóm tắt như sau:

Khoa học Mở:

  • làm cho kiến thức khoa học là sẵn sàng mở, truy cập được và sử dụng lại được đối với bất kỳ ai,

  • làm gia tăng sự cộng tác và chia sẻ thông tin khoa học vì lợi ích của khoa học và xã hội,

  • mở ra các quy trình tạo lập, đánh giá và truyền thông kiến thức khoa học cho các tác nhân xã hội vượt ra khỏi cộng đồng khoa học truyền thống.

Các quốc gia thành viên được khuyến khích ưu tiên 7 lĩnh vực hành động triển khai KN KHM, gồm: (1) Thúc đẩy sự hiểu biết chung về khoa học mở, các lợi ích và thách thức có liên quan, cũng như các con đường đa dạng tới khoa học mở; (2) Phát triển môi trường chính sách tạo thuận lợi cho khoa học mở;(3) Đầu tư vào các hạ tầng và dịch vụ khoa học mở; (4) Đầu tư vào nhân lực, giáo dục, đào tạo, sáng số và xây dựng năng lực cho khoa học mở; (5) Thúc đẩy văn hóa khoa học mở và điều chỉnh các ưu đãi cho khoa học mở; (6) Thúc đẩy các tiếp cận đổi mới sáng tạo cho khoa học mở ở các giai đoạn khác nhau của quá trình khoa học; và (7) Thúc đẩy hợp tác quốc tế và nhiều bên liên quan trong bối cảnh khoa học mở và với quan điểm nhằm làm giảm các phân cách số, công nghệ và kiến thức.

Tại cuộc họp trên trực tuyến ngày 28/04/2022 bàn về việc triển khai KN KHM, đại diện Ban Chỉ đạo KHM của Tổng Giám đốc UNESCO đã chia sẻ với các quốc gia thành viên của UNESCO và Đối tác Khoa học Mở (Open Science Partnership) về chiến lược triển khai KN KHM. Bên cạnh 2 tổ chức nêu trên, KN KHM còn được triển khai thông qua các nhóm làm việc có liên quan tới các lĩnh vực có ảnh hưởng lớn tới việc triển khai nó như: (1) Xây dựng năng lực; (2) Chính sách và các công cụ chính sách; (3) Cấp vốn và các ưu đãi; (4) Hạ tầng; (5) Khung giám sát; và (6) Liên ngành.

B. Hoạt động của Nhóm Làm việc về XDNL KHM của UNESCO

Mục đích của việc xây dựng năng lực (XDNL) KHM, cũng là mục đích công việc chính của Nhóm làm việc về XDNL KHM, là để biên soạn/phát triển các module đào tạo và các khóa tập huấn về KHM cho các tác nhân KHM khác nhau nhằm tạo lập, cải thiện và phát triển năng lực của họ ở các mức cá nhân, cơ sở và quốc gia để hiểu, thiết kế, triển khai, theo dõi và giám sát các thực hành KHM phù hợp với KN KHM của UNESCO. Việc triển khai XDNL KHM cho các bên liên quan cũng là nhằm để đáp ứng các nhu cầu của lĩnh vực triển khai KN KHM số 4 được nêu ở trên: đầu tư vào nhân lực, giáo dục, đào tạo, sáng số và xây dựng năng lực cho khoa học mở.

Cuộc họp đầu tiên của Nhóm làm việc về XDNL KHM đã diễn ra vào ngày 12/05/2022. Theo thông báo từ UNESCO, đã có 126 người tình nguyện đăng ký tham gia nhóm này, tới từ hơn 40 quốc gia, đại diện cho nhiều cơ sở và tổ chức có liên quan tới KHM trên thế giới từ hầu như tất cả các khu vực, gồm: (1) Các trường đại học và các viện nghiên cứu; (2) Các cơ sở giáo dục, các sáng kiến giáo dục, từ các nhà giáo dục cho tới những người làm chính sách và các nhà quản lý giáo dục; (3) Các chuyên gia khoa học công dân; (4) Các viện nghiên cứu khoa học quốc gia; (5) Các hiệp hội đại học; (6) Các thủ thư; (7) Các sáng kiến khoa học mở; (8) Các nhà cấp vốn nghiên cứu; (9) Các nhà xuất bản truy cập mở; (10) Các phái đoàn thường trực của các quốc gia tại UNESCO; và (12) Một số tổ chức trực thuộc UNESCO.

Hiện tại, Nhóm làm việc về xây dựng năng lực KHM của UNESCO đang triển khai các công việc cụ thể về xây dựng năng lực KHM sau:

  1. Tổng hợp và lập chỉ mục các module và tư liệu đào tạo KHM hiện có trên thế giới thông qua việc thu thập thông tin về các module đào tạo hiện có trên thế giới về KHM cho các tác nhân khác nhau của KHM[2].

  2. Tạo lập và cung cấp các module đào tạo mới và cần thiết bổ sung về KHM cho các tác nhân KHM khác nhau.

Các module đào tạo KHM sẽ tập trung vào các khía cạnh được nêu trong KN KHM, cụ thể gồm: (1) Định nghĩa, phạm vi, giá trị, các nguyên tắc của KHM; (2) Kiến thức KHM: Truy cập Mở; Dữ liệu Nghiên cứu Mở; Tài nguyên Giáo dục Mở; Phần mềm Nguồn Mở/Mã nguồn Mở; Phần cứng Mở; (3) Hạ tầng KHM; (4) KHM và sự tham gia của các tác nhân trong xã hội; (5) Các công cụ chính sách KHM; (6) Việc cấp vốn và các ưu đãi cho KHM; (7) KHM và các quyền sở hữu trí tuệ; (8) KHM cho các nhà khoa học sự nghiệp sớm; và (9) Giám sát KHM.

OpenScience Components Vi

Các trụ cột và thành phần của Khoa học Mở

Danh sách sơ bộ các module đào tạo KHM theo các khía cạnh vừa được nêu ở thời điểm ngày 18/05/2022 cũng đã được giới thiệu[3]. Với danh sách này, các bên liên quan tới giáo dục và đào tạo KHM đã có thể bắt đầu tham khảo để sử dụng ngay từ bây giờ.


 

C. Các bài trình bày về XDNL KHM

Tại cuộc họp, đã có các bài trình bày về XDNL KHM hiện nay[4] của các khách mời được lựa chọn từ các khu vực khác nhau trên thế giới, lần lượt được nêu ngắn gọn dưới đây, với mong muốn giới thiệu các module/khóa đào tạo từ các nội dung đó như là các tham chiếu có giá trị cho bất kỳ ai có quan tâm trong việc giáo dục và đào tạo các năng lực/kỹ năng của KHM ở Việt Nam hiện nay:

  1. Khóa học Trực tuyến Mở Đại chúng về Khoa học Mở - OS MOOC (Open Science Massive Open Online Course[5]) do cô Paola Masuzzo từ Viện Nghiên cứu và Giáo dục Mở Phân phối Toàn cầu - IGDORE (Institute for Globally Distributed Open Research and Education) trình bày. OS MOOC mang giấy phép mở CC0, cho phép bất kỳ ai truy cập được nó không mất tiền và người sử dụng có đủ quyền tự do để giữ lại, sử dụng lại, tùy chỉnh hay phân phối lại (Hình 1a[6]). OS MOOC được chia thành nhiều module (Hình 1b), ví dụ như module về Tài nguyên Giáo dục Mở (Open Educational Resources) hoặc module về đánh giá mở (Open Evaluation). OS MOOC được phát triển trên kho lưu trữ mã nguồn dựa vào web GitHub (Hình 1c) và toàn bộ mã nguồn của OS MOOC hiện hành được lưu trữ trong 25 kho mà bất kỳ ai cũng có thể tải về tất cả các mã nguồn đó một cách hợp pháp (Hình 1d). Các module của OS MOOC còn được đặt trên YouTube dưới dạng các video (Hình 1e[7]) mang giấy phép mở Creative Commons Ghi công (CC BY), cho phép bất kỳ ai tải về để sử dụng, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại, miễn là thừa nhận ghi công đúng cho (các) tác giả. OS MOOC sẽ còn được phát triển tiếp.

 

Hình 1e. Open Science MOOC trên YouTube

 

  1. Trang dành cho KHM của tổ chức Tạo thuận lợi Đào tạo Khoa học Mở cho Nghiên cứu của châu Âu - FOSTER[8] (Facilitate Open Science Training for European Research). Trang có nhiều tư liệu các khóa đào tạo[9] về KHM cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm tài liệu Sổ tay Đào tạo KHM (Open Science Training Handbook) cho những người mới bắt đầu làm quen với KHM[10].

Hình 2. Các tư liệu đào tạo về KHM trên trang chủ của FOSTER

  1. Các hoạt động đào tạo trong các năm 2020-2022 của Mạng các Kho KHM Mỹ Latin - LA Referencia[11] (Latin America Open Science Repository Network). Khác với 2 bài trình bày ở trên, bài trình bày này chủ yếu nói về các hoạt động liên quan tới KHM ở Mỹ Latin trong các năm 2020-2022. Mạng này hiện có 12 thành viên từ các quốc gia Mỹ Latin tham gia, như trên Hình 3.

Hình 3. Các quốc gia thành viên của mạng LA Referencia

  1. Xây dựng năng lực KHM ở châu Phi[12]. Bài nêu các hoạt động, các tài nguyên của các khóa đào tạo của các quốc gia và các tổ chức ở châu Phi có liên quan tới tất cả các khía cạnh của KHM như: (1) Định nghĩa và Phạm vi của KHM; (2) các thành phần của KT KHM (cụ thể: (2a)Truy cập mở, bao gồm cả rà soát lại ngang hàng mở; (2b) Dữ liệu Nghiên cứu Mở; (2c) Tài nguyên Giáo dục Mở; (2d) Phần mềm Nguồn Mở và Mã nguồn Mở; và (2e) Phần cứng Mở); (3) KHM và các hệ thống tri thức bản địa; (4) KHM và sự tham gia của các tác nhân xã hội; (5) Hạ tầng KHM. Đặc biệt, bài trình bày giới thiệu một bảng dữ liệu về các hoạt động XDNL KHM của châu Phi[13] với các đường liên kết tới các tài nguyên có liên quan tới các khía cạnh của KHM được nêu ở trên để bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tìm tới chúng và sử dụng chúng.

Hình 4. Ví dụ về XDNL KHM ở châu Phi

  1. Miller, Jennifer. (2022). Giáo trình Mở: KN KHM của UNESCO (Open Syllabus: UNESCO Recommendation on Open Science (1.0)). Zenodo. https://doi.org/10.5281/zenodo.5823531. Khóa học này sử dụng KN KHM của UNESCO để giảng dạy các nguyên tắc của KHM và phát triển các cộng đồng thực hành KHM. Khóa học được thiết kế để giúp các nhà nghiên cứu sự nghiệp sớm phát triển sự hiểu biết các nguyên tắc KHM và khả năng nhận biết các nguyên tắc đó trong các ngữ cảnh công việc của riêng họ. Khóa học dài 15 tuần.

  2. Xây dựng năng lực KHM ở khu vực châu Á - Thái bình dương. Đây là bài do Eunjung Shin từ Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc trình bày. Bài nêu lên một số hoạt động XDNL KHM trong khu vực, không tham chiếu tới các tài nguyên giáo dục và các module đào tạo về KHM.


 

D. Lộ trình XDNL KHM thời gian tới

Nhóm làm việc về XDNL KHM cũng đã đưa ra lộ trình các công việc trong thời gian tới của nhóm, đặc biệt nhằm vào việc khai trương Nền tảng XDNL KHM, dự kiến vào tháng 12/2022.

Hình 5. Lịch trình của Nhóm Làm việc về XDNL KHM của UNESCO

Từ lịch trình của Nhóm Làm việc về XDNL KHM của UNESCO như trên Hình 5 cho thấy các công việc của nhóm trong giai đoạn sắp tới gồm:

  • Tháng 5 – 6: Ánh xạ các sáng kiến và các tư liệu đào tạo hiện có

  • Tháng 7 - 9: Lựa chọn các tư liệu đào tạo cho nền tảng/chỉ mục xây dựng năng lực KHM của UNESCO

  • Tháng 10 – 12: Phân tích các thách thức/khoảng cách

  • Tháng 12: Khai trương nền tảng XDNL KHM của UNESCO

  • Năm 2023: Lấp các khoảng trống và giám sát tác động

Dự kiến cuộc họp tiếp sau của Nhóm này sẽ diễn ra trên trực tuyến ngày 05/09/2022.


 

E. Kết luận và một vài gợi ý

UNESCO hiện đang dẫn dắt triển khai các nội dung của KN KHM vào thực tế cuộc sống ở phạm vi toàn cầu với một trong những cách thức triển khai là đi qua các Nhóm làm việc về KHM, trong đó có Nhóm Làm việc về XDNL KHM.

Qua các bài được chọn trình bày tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm Làm việc về XDNL KHM, có thể thấy nhiều nguồn nội dung KHM (các bài 1, 2, 4, và 5) bên cạnh các dạng hoạt động XDNL KHM (3 và 6) đã được giới thiệu. Chúng đều là những nguồn tham chiếu rất tốt cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, biết rằng các hoạt động liên quan tới KHM ở Việt Nam còn rất hạn chế, cả về nguồn nội dung cũng như các dạng hoạt động XDNL KHM.

Để các nguồn nội dung về XDNL KHM có thể với tới được nhiều đối tượng khác nhau, gợi ý từ năm 2023 trở đi, Việt Nam nên xây dựng và triển khai các đề tài, dự án và/hoặc đề án giáo dục và đào tạo nâng cao nhận thức và XDNL KHM, bao gồm công việc Việt hóa tài liệu một số khóa học về KHM, ví dụ như: OS MOOC; các tư liệu cho nhiều đối tượng của FOSTER, bao gồm Sổ tay Đào tạo Khoa học Mở; hay các khóa đào tạo về KHM cho châu Phi hiện đang được đăng trên trang Zenodo của Ủy ban châu Âu; hay Giáo trình Mở: Khuyến nghị KHM của UNESCO của tác giả Miller, Jennifer.

Sự kiện khai trương nền tảng XDNL KHM của UNESCO dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12/2022 chắc chắn sẽ là sự kiện quan trọng và được cả thế giới KHM đón chờ và hy vọng Bộ KHCN, giới khoa học và nghiên cứu ở Việt Nam cũng sẽ có các hoạt động cụ thể để chào mừng sự kiện quan trọng đó. Từ nền tảng này, nhiều module giáo dục và đào tạo về mọi khía cạnh XDNL KHM chắc chắn sẽ là sẵn sàng cho mọi đối tượng của nó, và có thể chúng sẽ vẫn còn cần được tùy chỉnh cho phù hợp với ngữ cảnh cụ thể của từng quốc gia và/hoặc địa phương. Việt Nam cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể tận dụng được tốt nhất nền tảng XDNL KHM của UNESCO.

Gợi ý Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ – ngành - địa phương và/hoặc các Hội/Hiệp hội nghề nghiệp và các bên liên quan để thực hiện các công việc nêu trên càng sớm càng tốt. Đây chắc chắn là cách tốt nhất để khoa học và giáo dục Việt Nam có khả năng bắt kịp với nhịp độ phát triển trong XDNL KHM của thế giới.


F. Các chú giải

[1] UNESCO, 2021: UNESCO Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt có tại: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0

[2] UNESCO: Mapping open and internationally relevant open science capacity building and training modules to support the implementation of the UNESCO Recommendation on Open Science: https://en.unesco.org/feedback/mapping-open-and-internationally-relevant-open-science-capacity-building-and-training

[3] UNESCO: Mapping open and internationally relevant open science capacity building and training modules to support the implementation of the UNESCO Recommendation on Open Science. DRAFT collation as at 18 May 2022: https://www.unesco.org/sites/default/files/medias/fichiers/2022/05/Open%20Science_Capacity_Building_Preliminary_Collation.pdf

[4] Các bài trình bày của các diễn giả tại cuộc họp trên trực tuyến của Nhóm Làm việc về Xây dựng Năng lực Khoa học Mở của UNESCO ngày 12/05/2022: https://www.unesco.org/sites/default/files/medias/fichiers/2022/05/Existing%20initiatives%2C%20opportunities%20and%20gaps%20for%20Open%20Science%20capacity%20building.pdf

[5] Open Science MOOC: https://opensciencemooc.eu/

[6] Hình từ bài của Paula Masuzzo, IGDORE, 12/05/2022: Open Science MOOC: https://www.unesco.org/sites/default/files/medias/fichiers/2022/05/Existing%20initiatives%2C%20opportunities%20and%20gaps%20for%20Open%20Science%20capacity%20building.pdf

[7] Open Science MOOC: https://www.youtube.com/channel/UCuRYnv28aGLz6iyxduJhf9g/playlists

[8] FOSTER: https://www.fosteropenscience.eu/

[9] FOSTER’s courses: https://www.fosteropenscience.eu/courses

[10] FOSTER: Open Science Training Handbook: https://www.fosteropenscience.eu/content/open-science-training-handbook

[11] LA Referencia: https://www.lareferencia.info/en/

[12] Havemann, Jo, & Owango, Joy. (2022, May 12). Open Science Capacity Building in Africa. Zenodo. https://doi.org/10.5281/zenodo.6542799

[13] Louise Bezuidenhout, Joy Owango, Niklas Zimmer and Jo Havemann: Dataset on Open Science Capacity Builing in Africa: https://docs.google.com/spreadsheets/d/1Nl_GdPen4kX3oDBQPI3kF-_FQGJXfO5uHUgPJMRwl0g/edit?userstoinvite=niklas.zimmer@uct.ac.za&actionButton=1#gid=0


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIÁO DỤC MỞ - TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ: ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay7,222
  • Tháng hiện tại23,839
  • Tổng lượt truy cập6,901,868
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây