Lê Trung Nghĩa, ORCID id: https://orcid.org/0009-0007-7683-7703
Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở (InOER)
Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam (AVU&C)
Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế
----------------------------------------------------
Tóm tắt: Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM) đến Việt Nam từ rất sớm nhưng phong trào này đã trải qua các bước thăng trầm để rồi đã phục hồi trở lại từ năm 2015 cho tới nay. Với việc Chính phủ và Bộ chính trị trong các năm 2023-2024 đã ban hành các văn bản chỉ đạo có liên quan đến việc ứng dụng và phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở, phong trào này chắc chắn sẽ có những bước tiến đáng kể trong những năm tới, đặc biệt trong giáo dục đại học.
Từ khóa: tài nguyên giáo dục mở (TNGDM)
----------------------------------------------------
Tài nguyên Giáo dục Mở - OER (Open Educational Resources), viết tắt tiếng Việt là TNGDM, đến với Việt Nam từ rất sớm. Tuy nhiên phong trào TNGDM ở Việt Nam đã khá trầm lắng trong giai đoạn trước năm 2015 vì nhiều lý do, một trong số đó có lẽ là vì nó đã không quy tụ được hai tác nhân được cho là rất quan trọng đối với phong trào này, bên cạnh các bên liên quan khác, ấy là cộng đồng nguồn mở và cộng đồng thư viện ở Việt Nam.
Bên dưới đây liệt kê những cột mốc và/hoặc các sự kiện, dù không thể được coi là toàn diện hay vét cạn, có liên quan đến TNGDM ở Việt Nam theo dòng thời gian với một số cấp độ giáo dục khác nhau, cũng như một số văn bản quy phạm pháp luật chính điều chỉnh các hoạt động TNGDM của các cấp độ đó.
1. Các sự kiện liên quan đến TNGDM theo dòng thời gian
Các cột mốc trong ứng dụng và phát triển TNGDM ở Việt Nam có thể tóm tắt như sau:
Tháng 11/2005, Chương trình Học liệu mở Việt Nam1 – VOCW (Vietnam Open Courseware) ra đời, là kết quả của sự hợp tác giữa Bộ Giáo dục Đào tạo, Quỹ Giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ (VEF) và Công ty Phần mềm và Truyền thông – VASC (VASC) với sự hỗ trợ về nội dung môn học từ dự án MIT OCW, các công cụ phần mềm Connexions từ Trường Đại học Rice, cũng như các hỗ trợ khác về mặt pháp lý, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động... từ Hiệp hội Học liệu mở Quốc tế (OCW Consortium). Đến năm 2008, VOCW đã có 208 môn học được đưa lên website. Học liệu mở (OpenCourseWare) là tiền thân của TNGDM.
Trong khoảng thời gian này, Chương trình Tài nguyên giáo dục Mở Việt Nam – VOER (Vietnam Open Educational Resources) được thành lập và hỗ trợ hoạt động bởi Quỹ Việt Nam (the Vietnam Foundation), có mục tiêu xây dựng kho Tài nguyên giáo dục Mở của người Việt và cho người Việt với website tại địa chỉ: https://voer.edu.vn/. Ở thời điểm hiện tại, nó có 22.268 tài liệu, 525 tuyển tập từ 13.483 tác giả. Nội dung của website này mang giấy phép CC BY 3.0.
Trong khoảng thời gian từ 2010-2015 phong trào TNGDM ở Việt Nam khá trầm lắng. Trong khi giới thư viện và cộng đồng phần mềm nguồn mở thường được coi là hai tác nhân chính và nổi bật trong phong trào TNGDM thế giới, thì ở Việt Nam họ hầu như không có thông tin về chương trình kể trên.
Ngày 24/10/2014, nhân hội thảo 'Hoạt động thông tin thư viện với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học ở Việt Nam' được tổ chức tại Đại học Vinh, một nhóm gồm các hội viên của Hội Thư viện Việt Nam và Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn Mở Việt Nam (VFOSSA) đã thảo luận về việc tổ chức một hội thảo về TNGDM trong năm 2015.
Ngày 29/12/2015, Hội thảo quốc tế lần thứ nhất 'Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam: đề xuất chính sách, tạo lập cộng đồng và phát triển giải pháp công nghệ', đã diễn ra do 4 đơn vị đồng tổ chức: (1) Khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (FLIS); (2) Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ Mở, Bộ Khoa học và Công nghệ (RDOT); và (4) Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn Mở Việt Nam (VFOSSA). Sự kiện này đánh dấu việc khởi đầu sự phục hồi của việc ứng dụng và phát triển TNGDM ở Việt Nam, đặc biệt trong các thư viện đại học trong cả nước, được minh chứng bằng kỷ yếu hội thảo2 với 36 bài tham luận có liên quan tới các khía cạnh của TNGDM và học liệu mở được chọn đăng. Sự kiện này cũng đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ3 của 10 tổ chức về việc Hợp tác xây dựng và phát triển TNGDM cho giáo dục đại học Việt Nam với việc phân định rõ vai trò của từng bên ký kết.
Cũng trong năm 2015, gần một chục cuộc hội thảo giới thiệu TNGDM4 theo chương trình OER@Unversity RoadShow đã được RDOT5, một đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, chủ trì việc triển khai. Trong năm 2016, số lượng các cuộc hội thảo theo chương trình này đã tăng khoảng gấp đôi so với năm 2015.
Ngày 28/09/2016, Hội thảo quốc tế lần hai ‘Đề xuất chính sách thúc đẩy TNGDM trong giáo dục đại học Việt Nam’ do FLIS và UNESCO đồng tổ chức. Báo cáo ‘Khảo sát tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học Việt Nam’6 lần đầu tiên đã được trình bày tại Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia với việc trình bày tham luận7 và hướng dẫn khóa tập huấn diễn ra trong ngày 30/09/2016 tại trường Đại học Thăng Long của Giám đốc Phát triển Quốc tế của wikiHow về cách để dịch nội dung có sẵn trên wikiHow sang tiếng Việt8, biết rằng tất cả các nội dung của wikiHow đều có giấy phép CC BY-NC-SA, một trong các giấy phép của TNGDM.
Năm 2016 đánh dấu một sự kiện nổi bật khác về TNGDM là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng điện tử e-Learning lần thứ 4 theo Quyết định 1878/QĐ-BGDĐT9 ngày 02/06/2016, yêu cầu các bài dự thi phải mang giấy phép CC BY hoặc CC BY-SA - đều là các giấy phép của TNGDM.
Ngày 19/10/2017, Hội thảo quốc tế lần ba ‘Triển khai TNGDM: Bản quyền và giấy phép mở’, do FLIS và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đồng tổ chức với nội dung hội thảo tập trung vào hai vấn đề thách thức lớn của TNGDM: bản quyền và cấp phép mở.
Bên cạnh hàng loạt hội thảo giới thiệu TNGDM đã được triển khai trong năm, từ tháng 9 đến tháng 11/2017, lần đầu tiên chương trình huấn luyện huấn luyện viên khai thác TNGDM đã được RDOT triển khai trong các trường đại học ở Việt Nam, với 3 khóa đầu tiên tại các trường đại học Thăng Long, Hoa Sen và Văn Lang cho đối tượng là các giảng viên và cán bộ thư viện10. Các khóa thực hành này đánh dấu một bước tiến mới trong ứng dụng và phát triển TNGDM trong các trường đại học ở Việt Nam, khi nó chuyển từ các hội thảo thiên về lý thuyết sang các khóa tập huấn khai thác TNGDM bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Tại các khóa thực hành này, đối tượng học viên được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên theo chuyên môn gồm các giảng viên về: (1) công nghệ thông tin và truyền thông; (2) cán bộ, nhân viên và các thủ thư của thư viện; (3) ngôn ngữ tiếng Anh; và (4) các chuyên môn khác.
Nổi bật trong năm 2018 là sự kiện từ 10-21/08/2018 triển khai khóa thực hành khai thác TNGDM cho 60 cán bộ thư viện từ nhiều trường đại học thuộc Liên chi hội Thư viện Đại học Khu vực phía Bắc (NALA). Sự kiện này giúp khẳng định tính khả thi của việc ứng dụng và phát triển TNGDM bằng các phần mềm và công cụ nguồn mở trong giới thư viện ở Việt Nam, giúp cho việc triển khai các khóa thực hành khai thác TNGDM sau đó trở nên dễ dàng hơn và có tính thuyết phục hơn.
Ngày 16/09/2019, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam đã ký quyết định số 142/QĐ-HH để đưa trang web Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở (https://giaoducmo.avnuc.vn/) vào hoạt động, góp phần thúc đẩy và quảng bá hơn nữa việc ứng dụng và phát triển TNGDM cũng như các phong trào Mở khác trong khu vực giáo dục của Việt Nam.
Ngày 04/10/2019, Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác TNGDM’ do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam và 2 đơn vị trực thuộc của nó là Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn Mở Việt Nam (VFOSSA) và Câu lạc bộ các Khoa - Viện - Trường CNTT-TT Việt Nam (FISU), cùng với Khoa Thông tin - Thư viện của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (FLIS) đồng tổ chức, tập hợp được nhiều bài tham luận được trình bày trong Kỷ yếu hội thảo11.
2019 và 2020 là hai năm triển khai được nhiều khóa thực hành khai thác TNGDM nhất với tổng cộng 48 khóa và hơn 500 học viên mỗi năm.
Năm 2021 là năm ngành giáo dục chịu ảnh hưởng lớn vì COVID-19, nhưng là năm có 2 sự kiện nổi bật gồm: (1) Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi động Đề án xây dựng mô hình nguồn TNGDM trong giáo dục đại học; và (2) Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi ‘Thiết kế bài giảng điện tử’ theo Quyết định số 2915/QĐ-BGDĐT12 ngày 17/09/2021 với yêu cầu các bài dự thi phải mang giấy phép CC BY hoặc CC BY-SA - đều là các giấy phép của TNGDM. Danh sách các bài đạt giải của cuộc thi được công bố công khai13 trên trang tin của cuộc thi.
Ngày 17/11/2022, Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở (InOER)14 trực thuộc Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam (AVU&C) chính thức đi vào hoạt động, thay thế cho Ban Tư vấn Phát triển Giáo dục Mở15 trực thuộc AVU&C đã được thành lập ngày 15/07/2018.
Ngày 30/06/2023 tại trường Đại học Văn Lang đã diễn ra hội thảo ‘Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý về xây dựng tài nguyên học liệu mở trong giáo dục Đại học ở Việt Nam’, kết thúc dự án “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng TNGDM phục vụ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam”16 do Trường Đại học Văn Lang chủ trì với sự tài trợ của Tổ chức đại học pháp ngữ (AUF) kéo dài 18 tháng trong các năm 2022-2023. Dự án đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và ban hành khung pháp lý cho TNGDM trong giáo dục đại học ở Việt Nam.
Ngày 16/11/2023, tài liệu Khung năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở cho giảng viên phiên bản 1.0 đã được Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở (InOER) và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xuất bản17. Kể từ sau ngày này, InOER đã cùng với nhiều trường đại học và cao đẳng tổ chức nhiều khóa huấn luyện huấn luyện viên thực hành khai thác TNGDM dựa trên Khung năng lực này, nâng tổng số các khóa thực hành khai thác TNGDM và tổng số các cán bộ giảng viên tham gia các khóa học, kể từ lần đầu được tổ chức cuối năm 2017, lên con số 83 và 1651, một cách tương ứng, cho tới hết tháng 9/202418. Mục đích của các khóa huấn luyện này là nhằm để các học viên bước đầu có được các năng lực TNGDM như cấp phép mở Creative Commons, tìm kiếm, sử dụng/sử dụng lại, tạo lập, sửa đổi, phối lại, chia sẻ TNGDM với các dạng nội dung như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và dữ liệu.
Trong năm 2024 cũng đã có một số hội thảo/tọa đàm được tổ chức với các chủ đề có liên quan chặt chẽ với Giáo dục Mở và TNGDM, điển hình là hội thảo quốc gia ‘Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập’19 do các trường Đại học Mở Hà Nội và Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh tổ chức, và tọa đàm ‘Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Tài nguyên Giáo dục Mở tại các trường đại học ở Việt Nam’20 do Câu lạc bộ Giáo dục Mở thuộc Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam, trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức.
Hình 1. Khung năng lực TNGDM cho giảng viên V1.0 (trái) và V2.0 (phải)
Ngày 29/11/2024, tài liệu Khung năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở cho giảng viên phiên bản 2.0 đã được Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở (InOER) và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xuất bản21. Tài liệu đã bổ sung sửa đổi nhiều nội dung của tài liệu cùng tên phiên bản 1.0, đặc biệt bổ sung thêm lĩnh vực năng lực ‘Sư phạm được TNGDM xúc tác’ nhằm thu hút người học vào việc sáng tạo ra kiến thức, chứ không chỉ là những người sử dụng thụ động kiến thức.
2. Một số văn bản những năm gần đây của nhà nước có đề cập tới việc ứng dụng và phát triển TNGDM và/hoặc học liệu mở, đặc biệt là trong giáo dục đại học
Nghị quyết số 29-NQ/TW22 ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với quan điểm chỉ đạo: “5- Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo”.
Công văn số 2516/BGDĐT-GDĐH23 ngày 18/06/2018 về triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao và chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài: có nội dung về sử dụng, chia sẻ TNGDM và học liệu mở của các đại học có uy tín trên thế giới.
Công văn số 4301/BGDĐT-GDTX24 ngày 20/09/2019 về xây dựng và phát triển TNGDM: (a) Kế hoạch phát triển, khai thác và sử dụng TNGDM; (b) Tiêu chuẩn đánh giá TNGDM; (c) Thí điểm xây dựng & triển khai mô hình hợp tác chuyển giao công nghệ khai thác TNGDM cho các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên.
Quyết định 489/QĐ-TTg25 ngày 08/04/2020 Ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, bao gồm nội dung Đề án “Xây dựng nguồn TNGDM, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của mọi người“.
Quyết định số 206/QĐ-TTg26 ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" có nội dung về TNGDM và Dữ liệu Mở.
Quyết định số 131/QĐ-TTg27 ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030".
Quyết định số 411/QĐ-TTg28 ngày 31/03/2022 Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Quyết định 1117/QĐ-TTg29 ngày 25/09/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn TNGDM trong giáo dục đại học đã được ban hành, là căn cứ pháp lý rất tốt cho việc ứng dụng và phát triển TNGDM.
Kết luận của Bộ Chính trị số 91-KL/TW30 ngày 12/08/2024 ‘tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”’ ... tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: “… 5. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo… Phát triển các phương thức đào tạo mở, các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, phát triển học liệu mở trực tuyến”.
Hình 2. TNGDM (OER) trong Khung năng lực số cho các cơ sở giáo dục31
Các quyết định nêu trên của nhà nước cũng gợi ý về mối quan hệ chặt chẽ giữa chuyển đổi số và TNGDM, điều cũng có thể thấy rõ trong Khung năng lực số cho các tổ chức giáo dục của Ủy ban châu Âu (xem Hình 2) và cũng đã được đề cập tới trong nhiều tọa đàm, hội thảo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và TNGDM trong giáo dục mọi cấp học như đại học, đào tạo nghề, phổ thông, bao gồm cả giáo dục tiểu học và mầm non. Có thể nói rằng Khung năng lực TNGDM là một phần không thể thiếu của Khung năng lực số của bất kỳ cơ sở và/hoặc tổ chức giáo dục nào; hay cũng có thể nói rằng, đối với bất kỳ cơ sở hay tổ chức giáo dục nào, Khung năng lực TNGDM không có xung đột với Khung năng lực số, mà ngược lại, nó hỗ trợ cho Khung năng lực số.
3. TNGDM trong giáo dục và đào tạo nghề
Các hoạt động liên quan đến ứng dụng và phát triển TNGDM trong giáo dục và đào tạo nghề đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trong vài năm qua, một trong số đó là sự kiện Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề Công tác Xã hội Việt Nam (VAVET) đã tổ chức hội thảo khoa học ‘Phát triển đào tạo theo hướng mở, linh hoạt tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp’ tại trường Cao đẳng Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ngày 15/01/2019 với một trong số các bài trình bày chính tại hội thảo là ‘Demo: Thực hành khai thác tài nguyên giáo dục nghề nghiệp mở’32 và một loạt các khóa thực hành khai thác TNGDM cho các cán bộ và giảng viên một số trường cao đẳng nghề trong năm 201933, ngay sau cuộc hội thảo này, chẳng hạn như tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, trường Cao đẳng Kỹ nghệ II tại TP. Hồ Chí Minh, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Các khóa thực hành khai thác TNGDM đã và đang tiếp tục được tổ chức cho hàng chục trường cao đẳng nghề và trung cấp kỹ thuật liên tục các năm sau đó cho tới nay.
Một sự kiện đáng chú ý liên quan tới ứng dụng và phát triển TNGDM trong giáo dục nghề nghiệp là “Từ tháng 11/2021 đến tháng 04/2022, Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục GDNN xây dựng và triển khai thành công Nền tảng Tài nguyên Giáo dục nghề nghiệp mở (OVETR) thí điểm dùng chung cho cộng đồng 11 trường cao đẳng đối tác của GIZ và các doanh nghiệp liên kết. Mục tiêu xây dựng nền tảng OVETR là nhằm thúc đẩy việc sản xuất và chia sẻ nguồn tài nguyên học liệu số, thiết lập và thử nghiệm cơ chế quản lý và vận hành kho học liệu dùng chung, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, tạo tiền đề phát triển và mở rộng nền tảng OVETR cho toàn hệ thống GDNN Việt Nam. Để nâng cấp OVETR lên cấp quốc gia, nền tảng này cần phải được phát triển thêm cả về mặt mô hình, hạ tầng và tính năng”. Đây là nội dung được nêu trong ‘Hội thảo Mô hình cấp quốc gia về nền tảng tài nguyên giáo dục nghề nghiệp mở’34 diễn ra trên trực tuyến ngày 31/05/2022.
Tháng 11/2023, được xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình “Đổi mới Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam” được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), đồng thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cùng với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, đã xuất bản tài liệu ‘Báo cáo nghiên cứu Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn trường nghề số’35, trong đó cũng đề cập tới Khung năng lực số của Ủy ban châu Âu cho các tổ chức giáo dục, theo đó TNGDM là một yếu tố nằm trong lĩnh vực năng lực ‘Nội dung và chương trình giảng dạy’ của khung cần được quảng bá và khuyến khích sử dụng rộng rãi.
Trong khi TNGDM trong giáo dục đại học được điều chỉnh bằng Quyết định 1117/QĐ-TTg ngày 25/09/2023 như được nêu ở trên, thì giáo dục và đào tạo nghề chưa có được một Quyết định nào tương tự như vậy cho tới nay. Mặc dù vậy, trong Quyết định số 2222/QĐ-TTg36 ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã nêu ở phần ‘3.c) Nền tảng số và học liệu số’ nội dung sau: “- Đầu tư xây dựng nền tảng học liệu số toàn ngành giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc kết hợp học liệu mở với xây dựng thị trường trao đổi học liệu...”
4. TNGDM trong giáo dục phổ thông, bao gồm cả giáo dục tiểu học và mầm non
Các hoạt động liên quan đến TNGDM đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả giáo dục tiểu học và mầm non có lẽ là ít được thấy nhất so với các hoạt động ở các mức giáo dục đại học và đào tạo nghề. Tuy nhiên, trong năm 2024 cũng đã xuất hiện các hoạt động ở mức giáo dục này, cụ thể là các khóa thực hành khai thác TNGDM rút gọn với thời lượng 1,5 ngày gồm các phần lý thuyết, thực hành và demo (không có việc cài đặt phần mềm lên các máy chạy hệ điều hành nguồn mở như các khóa thực hành đầy đủ trong 2 ngày được triển khai trong các trường đại học và cao đẳng nêu ở trên) nhằm hỗ trợ cho một số cán bộ và giảng viên được lựa chọn nắm được những khái niệm cơ bản cũng như bước đầu có được các năng lực/kỹ năng làm việc với TNGDM37, đã được các đơn vị sau đây tổ chức: (1) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp; (2) Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; (3) Thư viện tỉnh Bình Thuận: và (4) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng (đặc biệt với 2 khóa liền).
5. Kết luận và gợi ý
Chắc chắn các sự kiện cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước có liên quan đến TNGDM trong giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học nói riêng, được liệt kê trong bài viết này là không vét cạn, dù có thể các sự kiện chính cũng như các văn bản quy phạm pháp luật chính về TNGDM cũng đã được đề cập tới.
Trên thực tế, việc ứng dụng và phát triển TNGDM tại Việt Nam nói chung còn ở vào giai đoạn sơ khai và chưa được như mong đợi. Ngay cả trong giáo dục đại học, ở thời điểm hiện tại, có lẽ có rất ít cơ sở có chính sách TNGDM ngay cả ở cấp khoa/phòng/thư viện của trường; số cơ sở có chính sách TNGDM ở mức toàn trường còn hiếm hơn nữa. Có thể nói, ứng dụng và phát triển TNGDM tại Việt Nam vẫn còn chậm hơn so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Myanmar, Philippines và Thailand, những nước đã có báo cáo tổng hợp quốc gia38 về triển khai Khuyến nghị TNGDM 2019 của UNESCO39 như được nêu trong tài liệu Khuyến nghị mỗi 4 năm một lần, tại Hội nghị Toàn thể UNESCO phiên thứ 42 đã diễn ra trong tháng 11/2023 tại Paris, Pháp. Hy vọng Việt Nam sẽ bắt kịp các quốc gia trong khu vực bằng việc sẽ có báo cáo tổng hợp quốc gia về TNGDM tại Hội nghị Toàn thể UNESCO phiên thứ 44 sẽ diễn ra vào năm 2027.
Có thể nói, sự ra đời của Quyết định 1117/QĐ-TTg là một bước ngoặt, đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn ứng dụng và phát triển TNGDM một cách tự phát, và mở ra một thời kỳ mới đầy hứa hẹn cho ứng dụng và phát triển TNGDM tại Việt Nam.
Trong những năm tới, việc ứng dụng và phát triển TNGDM tại các trường đại học Việt Nam không chỉ nhằm triển khai thực hiện thành công Quyết định 1117/QĐ-TTg ngày 25/09/2023, mà còn góp phần để thúc đẩy triển khai nhanh nội dung được nêu ở trên trong kết luận của Bộ Chính trị số 91-KL ngày 12/08/2024. Vì lý do này, có cơ sở để tin tưởng rằng việc ứng dụng và phát triển TNGDM tại Việt Nam sẽ khởi sắc và tăng tốc từ nay cho tới năm 2030 và những năm tiếp sau.
Điều quan trọng là để ứng dụng và phát triển tốt TNGDM, các bên liên quan nên bám sát theo 5 lĩnh vực hành động được nêu trong Khuyến nghị TNGDM 2019 của UNESCO, ấy là: (1) Xây dựng năng lực các bên liên quan; (2) Phát triển chính sách hỗ trợ; (3) Truy cập hiệu quả, toàn diện và công bằng tới TNGDM chất lượng; (4) Nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM và giám sát tiến độ; và (5) Thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế; đồng thời cũng nên nghiên cứu kỹ các tài liệu chi tiết hóa các hoạt động của từng trong số 5 lĩnh vực hành động đó đã được UNESCO xuất bản năm 202440; và sau đó tùy chỉnh chúng cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam cả ở mức quốc gia và cơ sở giáo dục, tuyệt đối tránh ‘làm lại cái bánh xe’ từ đầu.
-----------------------------
Tài liệu tham khảo
Trương Minh Hòa (2015): Bàn về học liệu mở và vai trò của học liệu mở trong đào tạo ngành khoa học thông tin - thư viện tại các trường đại học ở Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo, các trang 244-273: https://www.dropbox.com/s/nf1hc7w32xge2wa/OER-Book.pdf?dl=0
Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội: Kỷ yếu hội thảo: Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam. Đề xuất chính sách, tạo lập cộng đồng và phát triển giải pháp công nghệ: https://www.dropbox.com/s/nf1hc7w32xge2wa/OER-Book.pdf?dl=0
Bản ghi nhớ hợp tác xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở cho giáo dục đại học Việt Nam: https://www.dropbox.com/scl/fi/do6p58wsnoyqpn6/OER-MOU-Final-All-with-signatures.png?rlkey=wmqy1fs0pwjnmjraaftbm51xt&st=qrr24ac2&dl=0
Tài liệu của RDOT được sử dụng trong các cuộc hội thảo giới thiệu TNGDM trong các năm 2015-2016: https://www.dropbox.com/scl/fi/4it0hj3bts5o1t9bsvpxv/OER-Basics-Oct.2016.pdf?rlkey=dt0agp57h5swxg7j8ziwmjtvt&st=gqugmhts&dl=0
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ Mở được thành lập theo Quyết định số 300/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/02/2014; từ năm 2017 tới nay được sát nhập thành một bộ phận của Trung tâm Công nghệ Thông tin trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bridget Connolly, 28/09/2016: wikiHow: a Tool to Support and Develop OER in Vietnam: https://www.dropbox.com/scl/fi/t5roqqyrjxr5w7u3n33p4/wikiHow-OER-Presentation.pdf?rlkey=843fe1vd5b4t8r5pur8mwu2o4&st=nktbqgiq&dl=0
Bridget Connolly, 30/09/2016: wikiHow Translation Workshop: https://www.dropbox.com/scl/fi/tv18jx5x5zfeo3f2st6st/OER-Presentation-for-Workshop.pdf?rlkey=86qsww7gp49f79ta16km9umbq&st=1v6bqlek&dl=0
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quyết định Về việc ban hành Thể lệ cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning lần thứ 4: https://e-ict.gov.vn/laws/detail/Quyet-dinh-Ve-viec-ban-hanh-The-le-cuoc-thi-quoc-gia-Thiet-ke-bai-giang-e-Learning-lan-thu-4-646/
Trang Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở: Các lớp tập huấn thực hành ‘Khai thác tài nguyên giáo dục mở’ tới hết QIII/2023: https://giaoducmo.avnuc.vn/tap-huan/cac-lop-tap-huan-thuc-hanh-khai-thac-tai-nguyen-giao-duc-mo-toi-het-qiii-2023-1032.html
Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội: Kỷ yếu hội thảo: Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở: https://www.dropbox.com/s/zbd0bee83sbkfxn/OER_Conference_Proceedings_2019.pdf?dl=0
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quyết định số 2915/QĐ-BGDĐ ngày 17/9/2021 về việc ban hành Thể lệ cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử: https://e-ict.gov.vn/laws/detail/Quyet-dinh-so-2915-QD-BGDD-ngay-17-9-2021-ve-viec-ban-hanh-The-le-cuoc-thi-Thiet-ke-bai-giang-dien-tu-749/
Kho học liệu số, Hệ tri thức Việt số hóa: Danh sách các bài đạt giải Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử 2021: https://igiaoduc.vn/news/su-kien-cuoc-thi-e-learning/danh-sach-cac-bai-dat-giai-cuoc-thi-thiet-ke-bao-giang-dien-tu-2021-42.html
Trang Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở: Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở (InOER) trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (AVU&C): https://giaoducmo.avnuc.vn/index.php/hoi-thao/le-ra-mat-vien-nghien-cuu-dao-tao-va-phat-trien-tai-nguyen-giao-duc-mo-inoer-truc-thuoc-hiep-hoi-cac-truong-dai-hoc-cao-dang-viet-nam-avu-c-798.html
Gia Hân, 30/06/2023: Tổng kết dự án “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam” do Trường Đại học Văn Lang chủ trì: https://www.vlu.edu.vn/news/tong-ket-du-an-nghien-cuu-de-xuat-khung-phap-ly-va-xay-dung-nen-tang-tai-nguyen-giao-duc-mo-phuc-vu-cac-co-so-giao-duc-dai-hoc-cua-viet-nam-do-truong-dai-hoc-van-lang-chu-tri
Lê Trung Nghĩa, Trần Ái Cầm (2023): Khung năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở cho giảng viên phiên bản v1.0: https://zenodo.org/records/10130129
Trang Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở: Các lớp tập huấn thực hành ‘Khai thác tài nguyên giáo dục mở’ tới hết tháng 9/2024: https://giaoducmo.avnuc.vn/tap-huan/cac-lop-tap-huan-thuc-hanh-khai-thac-tai-nguyen-giao-duc-mo-toi-het-thang-9-2024-1287.html
Trang tin Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số giáo dục, tạo cơ hội học tập bình đẳng": https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=9385
Trang tin Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Toạ đàm “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tài nguyên giáo dục mở tại thư viện các trường ĐH ở Việt Nam”: https://ntt.edu.vn/toa-dam-chia-se-kinh-nghiem-trien-khai-tai-nguyen-giao-duc-mo-tai-thu-vien-cac-truong-dh-o-viet-nam/
Lê Trung Nghĩa, Trần Ái Cầm (2024): Khung năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở cho giảng viên phiên bản v2.0: https://zenodo.org/records/14235530
Trang thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, 05/11/2013: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/doi-moi-can-ban-toan-dien-gd-va-dt.aspx?ItemID=3928
Thư viện Pháp luật: Công văn số 4301/BGDĐT-GDTX V/v xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở: https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-4301-BGDDT-GDTX-2019-xay-dung-va-phat-trien-tai-nguyen-giao-duc-mo-424520.aspx
Trang thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=199747
Trang thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030": https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=202657
Trang thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030": https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=205236&classid=0
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022: https://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-411-qd-ttg-36976
Trang thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 1117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học: https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=208699
Trang thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, 14/08/2024: Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: https://moet.gov.vn/tintuc/pages/chi-tiet.aspx?ItemID=9716
Kampylis, P., Punie, Y. & Devine, J. (2015); Promoting Effective Digital-AgeLearning - A European Framework for Digitally-Competent Educational Organisations; EUR 27599 EN; doi:10.2791/54070: https://publications.jrc.ec.europa.eu/repository/bitstream/JRC98209/jrc98209_r_digcomporg_final.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/scl/fi/wg1k8bvn2xiz6tu5octn7/jrc98209_r_digcomporg_final_Vi-18032021.pdf?rlkey=rlaut5n5j8yjs83vx09yjq5zs&dl=0
Lê Trung Nghĩa, 15/01/2019: Demo: Thực hành khai thác tài nguyên giáo dục nghề nghiệp mở: https://www.dropbox.com/scl/fi/le6yc5bsz2pq5ytvzy4nw/OER_Exploit_Demo.pdf?rlkey=wfbl63zzxei3luz6kvdihoili&dl=0
Trang Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở: Các lớp tập huấn thực hành ‘Khai thác tài nguyên giáo dục mở’ tới hết tháng 9/2024: https://giaoducmo.avnuc.vn/index.php/tap-huan/cac-lop-tap-huan-thuc-hanh-khai-thac-tai-nguyen-giao-duc-mo-toi-het-thang-9-2024-1287.html. Xem các hạng mục số 23, 24 và 26.
Trang Chương trình hợp tác Việt Đức ‘Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam’: Hội thảo Mô hình cấp quốc gia về nền tảng tài nguyên giáo dục nghề nghiệp mở: https://www.tvet-vietnam.org/vi/archives/events/hoi-thao-mo-hinh-cap-quoc-gia-ve-nen-tang-tai-nguyen-giao-duc-nghe-nghiep-mo
Trang tin TVET Việt Nam (2023): Báo cáo nghiên cứu Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn trường nghề số: https://www.tvet-vietnam.org/wp-content/uploads/2024/01/240112-Activity-report-VN.pdf
Trang thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 2222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: https://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=204888&type=1&tagid=7
Trang Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở: Tập huấn thực hành ‘Khai thác tài nguyên giáo dục mở’ cho giáo viên phổ thông, bao gồm cả giáo viên tiểu học và mầm non tới hết năm 2024: https://giaoducmo.avnuc.vn/index.php/tap-huan/tap-huan-thuc-hanh-khai-thac-tai-nguyen-giao-duc-mo-cho-giao-vien-pho-thong-bao-gom-ca-giao-vien-tieu-hoc-va-mam-non-toi-het-nam-2024-1341.html
UNESCO (2023): Consolidated report on the implementation by Member States of the 2019 Recommendation concerning Open Educational Resources (OER): https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000387398. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/scl/fi/qo67t1wzeh74mlt82b4sl/387398eng_Vi-25112023.pdf?rlkey=xjibumtg0v6vuc4njunuje3gx&dl=0
UNESCO, 25/11/2019: Recommendation on Open Educational Resources: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373755/PDF/373755eng.pdf.multi.page=3. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/o6lml26uw88ear2/DCPMS_U1911920_Vi-04122019.pdf?dl=0
Trang Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở: Bộ các tài liệu hướng dẫn của UNESCO cho các chính phủ và cơ sở để triển khai Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở: https://giaoducmo.avnuc.vn/index.php/giao-duc/bo-cac-tai-lieu-huong-dan-cua-unesco-cho-cac-chinh-phu-va-co-so-de-trien-khai-khuyen-nghi-tai-nguyen-giao-duc-mo-1323.html
Bài viết cho Hội thảo quốc tế “Tài nguyên giáo dục mở phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam: Từ chính sách đến triển khai”, do Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) phối hợp với Đại học Văn Lang tổ chức ngày 17/12/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.
Tự do tải về bài viết định dạng PDF ở địa chỉ DOI: 10.5281/zenodo.14501647
Tự do tải về bài trình chiếu tại hội thảo ở địa chỉ: https://www.dropbox.com/scl/fi/kai6f7wj7pghxygw9e878/OER_In_Vietnam.pdf?rlkey=sfgopnxs8lmije9nlik1j4wc0&st=o8lmfopl&dl=0
X (Tweet): https://x.com/nghiafoss/status/1868866078757339462
Xem thêm:
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...