CÁCH QUẢN LÝ PHIÊN BẢN CÁC MÃ NHẬN DIỆN ĐỐI TƯỢNG SỐ VỚI CÁC TÀI NGUYÊN TRUY CẬP MỞ, ĐƯỢC CẤP PHÉP MỞ

Thứ sáu - 09/10/2020 19:35
CÁCH QUẢN LÝ PHIÊN BẢN CÁC MÃ NHẬN DIỆN ĐỐI TƯỢNG SỐ VỚI CÁC TÀI NGUYÊN TRUY CẬP MỞ, ĐƯỢC CẤP PHÉP MỞ
Lê Trung Nghĩa*, Tống Việt Hùng**
* Ban Tư vấn Phát triển Giáo dục Mở, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
** Phòng Công nghệ mở, Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ
Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế (https://creativecommons.org/licenses/by/4.0/)


TÓM TẮT— Bài báo này trình bày cách thức các mã nhận diện đối tượng số - DOI (Digital Object Identifier) và việc quản lý phiên bản của chúng được sử dụng cho các tài nguyên dạng số, đặc biệt là các tài nguyên truy cập mở, được cấp phép mở với giấy phép Creative Commons qua vài ví dụ thực tế và từ đó đưa ra các kết luận có liên quan.
Từ khóa— Mã nhận diện đối tượng số (DOI), phiên bản, quản lý phiên bản DOI, tài nguyên truy cập mở, được cấp phép mở, giấy phép Creative Commons Attribution (CC BY).

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Có ý kiến cho rằng các tài nguyên truy cập mở, được cấp phép mở là thiếu tin cậy, ngay cả khi chúng được gắn các mã nhận diện đối tượng số (DOI) với lý do là DOI cũng có thể bị thay đổi theo thời gian dù được cấp duy nhất. Liệu có đúng như vậy không? Hiểu thế nào cho đúng về DOI và việc quản lý phiên bản DOI khi chúng đi với các tài nguyên truy cập mở, được cấp phép mở dạng (kỹ thuật) số?

II. DOI VÀ VIỆC QUẢN LÝ PHIÊN BẢN DOI
Nhận thức chung là các tài liệu xuất bản dạng giấy theo truyền thống được xác định tính duy nhất của chúng bằng các mã số định danh (nhận diện) tiêu chuẩn quốc tế, như mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách - ISBN (International Standard Book Number) cho các cuốn sách, mã số tiêu chuẩn quốc tế cho tạp chí - ISSN (International Standard Serial Number) cho các tạp chí xuất bản định kỳ. Với kỷ nguyên số ngày nay, khi chuyển đổi các tài liệu xuất bản từ dạng giấy theo truyền thống sang dạng kỹ thuật số, các tài liệu đó thường được quản lý để xác định tính duy nhất của chúng bằng mã nhận diện đối tượng số - DOI (Digital Object Identifier). DOI được sử dụng không chỉ cho sách và tạp chí, mà còn cho các dạng tài nguyên kỹ thuật số khác, như các xuất bản phẩm dạng văn bản nói chung (sách, tạp chí, bài báo, sách chuyên khảo, .v.v.), hình ảnh, âm thanh, video, tập hợp dữ liệu, phần mềm, và bất kỳ các dạng tài nguyên số nào khác (xem phần Type - Dạng tài nguyên trên trang Zenodo[1]).
Cùng với việc gắn DOI vào một tài nguyên dạng số, là việc sử dụng cơ chế quản lý phiên bản DOI (DOI Versioning) để phân biệt tính duy nhất giữa các phiên bản khác nhau của cùng một tài nguyên dạng số đó, thậm chí của các bản tải lên khác nhau của cùng một phiên bản tài nguyên đó trên trang web chứa chúng ở các thời điểm khác nhau.
Việc quản lý phiên bản DOI cho phép bạn:
  • sửa/cập nhật các tệp hồ sơ sau khi chúng đã được xuất bản.
  • trích dẫn một phiên bản cụ thể của hồ sơ.
  • trích dẫn tất cả các phiên bản của hồ sơ.

A. Cách vận hành của cơ chế quản lý phiên bản DOI trên trang Zenodo
Như một ví dụ minh họa cụ thể, dưới đây giải thích cách vận hành của cơ chế quản lý phiên bản trên trang Zenodo, một trong những trang chuyên đặt chỗ cho các kết quả nghiên cứu ở Liên minh châu Âu.
Khi bạn xuất bản bằng việc tải một tài nguyên lên Zenodo lần đầu tiên, Zenodo đăng ký 2 DOI:
  • Một DOI đại diện cho phiên bản cụ thể hồ sơ của bạn.
  • Một DOI đại diện cho tất cả các phiên bản hồ sơ của bạn.
Sau đó Zenodo đăng ký một DOI cho từng phiên bản mới bạn tải lên, thậm chí cho từng lần tải lên khác nhau của cùng một phiên bản.
Điều này được minh họa tốt nhất bằng một ví dụ cụ thể với một bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng (Priprint) có 3 phiên bản và riêng phiên bản 3 (Version 3.0) có tới 4 lần được tải lên Zenodo[2]. Dưới đây là các DOI đã được đăng ký cho các phiên bản và các bản tải lên khác nhau của cùng một phiên bản (Hình 1):
Hình 1. Ví dụ về quản lý phiên bản DOI trên Zenodo với bản thảo có nhiều phiên bản và nhiều lần với một phiên bản

Hai số DOI đầu tiên cho các phiên bản v1.0v2.0 đại diện cho các phiên bản cụ thể của phần mềm đó. Bốn số DOI tiếp theo cho phiên bản v3.0 với lần lượt các lần phiên bản đó được tải liên Zenodo. DOI cuối cùng đại diện cho tất cả các phiên bản của bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng được tải lên Zenodo, nghĩa là khái niệm của bộ hồ sơ với tất cả các phiên bản và các lần tải lên. Zenodo vì thế cũng gọi chúng lần lượt là các DOI Phiên bản (Version DOIs) và các DOI Khái niệm (Concept DOIs) (lưu ý là, về mặt kỹ thuật cả 2 loại đó chỉ là các DOI thông thường).
Bạn có thể lưu ý thấy rằng các DOI phiên bản không có tiếp vị ngữ “.v1.0”. Bên dưới đây giải thích vì sao.

B. DOI nào trên Zenodo tôi nên sử dụng trong các trích dẫn?
Bạn nên luôn sử dụng như bình thường DOI cho phiên bản cụ thể hồ sơ của bạn trong các trích dẫn. Điều này đảm bảo rằng các nhà nghiên cứu khác có thể truy cập chế tác nghiên cứu chính xác bạn đã sử dụng cho việc tái tạo lại. Mặc định, Zenodo sử dụng phiên bản cụ thể để tạo ra các trích dẫn.
Bạn có thể sử dụng DOI Khái niệm đại diện cho tất cả các phiên bản trong các trích dẫn khi có mong muốn trích dẫn một chế tác nghiên cứu đang tiến hóa, không sử dụng DOI Phiên bản cụ thể nào.
Hiện hành DOI Khái niệm trỏ tới phiên bản mới nhất trong hồ sơ của bạn. Trong ví dụ cụ thể được nêu ở đây, nếu bạn muốn trích dẫn tất cả các phiên bản, bao gồm cả các bản tải lên khác nhau của phiên bản v.3.0, Zenodo hướng dẫn bạn như sau:
Trích dẫn tất cả các phiên bản? Bạn có thể trích dẫn tất cả các phiên bản bằng việc sử dụng DOI 10.5281/zenodo.3971127. DOI này đại diện cho tất cả các phiên bản và sẽ luôn trỏ tới phiên bản mới nhất”.
Nếu bạn di chuột lên đường liên kết của DOI 10.5281/zenodo.3971127, thì bạn sẽ nhìn thấy đường liên kết đó có địa chỉ web là https://doi.org/10.5281/zenodo.3971127. Nhưng nếu bạn nhấn vào đường liên kết này, thì Zenodo sẽ trỏ bạn tới trang của phiên bản mới nhất với bản tải lên lần cuối cùng của phiên bản cuối cùng đó, nghĩa là trang của phiên bản v3.0 với lần tải lên thứ 4 (chứ không trỏ tới bất kỳ phiên bản nào trước đó, hoặc lần tải lên nào trước đó của phiên bản v3.0) hiện đang có DOI là 10.5281/zenodo.3976104 (https://zenodo.org/record/3976104#.XzCnhBlS_MY).
Để có thêm thông tin về quản lý phiên bản DOI trên Zenodo, bạn có thể đọc trên trang đó, phần viết về “DOI Versioning”[3].

C. Cơ chế quản lý phiên bản DOI trên các trang khác nhau có thể khác nhau
Các trang khác nhau có thể có cơ chế quản lý phiên bản DOI khác nhau. Một ví dụ cụ thể có thể so sánh được là cơ chế quản lý phiên bản DOI trên trang chuyên quản lý các bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng PeerJ (https://peerj.com/preprints/), ví dụ như sau:
Bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng có 3 phiên bản[4] (Hình 2), lần lượt có các DOI như sau:
Hình 2. Quản lý phiên bản (DOI) trên PeerJ

Khi bạn nhấn vào các đường liên kết của các DOI ở đây, thì PeerJ sẽ trỏ tới các địa chỉ web tương ứng sau:

Điều này cho thấy, khác với của Zenodo, các DOI của PeerJ có tiếp vị ngữ đi với các phiên bản tương ứng của xuất bản phẩm và trỏ trực tiếp tới địa chỉ web của các trang tương ứng với từng phiên bản đó.

III. DOI VÀ QUẢN LÝ PHIÊN BẢN DOI VỚI CÁC TÀI NGUYÊN TRUY CẬP MỞ, ĐƯỢC CẤP PHÉP MỞ
Cả 2 ví dụ cụ thể được nêu ở trên đều là các bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng (Priprint) và chúng đều là các tài nguyên truy cập mở, được cấp phép mở với cùng một loại giấy phép: Creative Commons Attribution (CC BY)[5]. Đây là giấy phép dễ dãi nhất trong bộ các giấy phép mở Creative Commons, nó cho phép bất kỳ ai cũng được phép tự do không mất tiền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại các tài nguyên đó, thậm chí để sử dụng cho cả các mục đích thương mại, miễn là (các) tác giả của tài nguyên đó được thừa nhận ghi công đúng. Bằng cách này, bản thân (các) tác giả của tài nguyên đó giữ lại được bản quyền xuất bản phẩm của họ không có các hạn chế cả sau khi xuất bản phẩm đó đã được đăng trên các trang (các) tác giả chọn đăng.
Bạn có thể nhìn thấy giấy phép đó ngay trên trang của từng phiên bản với Zenodo (Hình 3). Còn với PeerJ, bạn có thể nhìn thấy giấy phép đó ở chân trang của từng trang bản thảo (Hình 4).
Hình 3. Giấy phép Creative Commons Attribution (CC BY) của bản thảo có DOI 10.5281/zenodo.3976104 trên Zenodo
Hình 4. Giấy phép Creative Commons Attribution (CC BY) của bản thảo có DOI 10.7287/peerj.preprints.28002v3 trên PeerJ

Điều này là rất khác nếu bạn ký các thỏa thuận với nhà xuất bản theo cách truyền thống để xuất bản các kết quả nghiên cứu của bạn, vì nó thường đi với việc bạn, như là tác giả của xuất bản phẩm đó, sẽ thường phải chuyển giao toàn bộ các quyền bản quyền sang cho nhà xuất bản, và vì thế, nếu sau đó bạn muốn cập nhật cho chính xuất bản phẩm đó, bạn rất có thể phải xin phép nhà xuất bản để họ trao quyền cho bạn để cập nhật các kết quả nghiên cứu đó.

IV. KẾT LUẬN
Dù cơ chế quản lý phiên bản DOI trên các trang khác nhau có thể là khác nhau, việc các xuất bản phẩm nghiên cứu dạng kỹ thuật số được quản lý bằng các DOI và phiên bản DOI đảm bảo tính duy nhất cho các phiên bản khác nhau, thậm chí cho các bản tải lên khác nhau của cùng một phiên bản trên các trang chuyên đặt chỗ cho các xuất bản phẩm nghiên cứu như Zenodo, PeerJ hay bất kỳ trang tương tự nào khác. Bằng cách quản lý đó, dù bạn là nhà nghiên cứu hay người sử dụng, bạn chắc chắn có khả năng rõ ràng và minh bạch để: (1) sửa/cập nhật các tệp hồ sơ sau khi chúng đã được xuất bản; (2) trích dẫn một phiên bản cụ thể của hồ sơ; và (3) trích dẫn tất cả các phiên bản của hồ sơ.
Kế hoạch S của Liên minh S khuyến cáo: “Các tác giả giữ lại bản quyền xuất bản phẩm của họ không có các hạn chế. Tất cả các xuất bản phẩm phải được xuất bản theo một giấy phép truy cập mở, ưu tiên là giấy phép Creative Commons Attribution (CC BY)...”[6]. Điều này giải thích vì sao nhiều xuất bản phẩm nghiên cứu, bao gồm cả các bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng (Priprints), mang giấy phép CC BY, đặc biệt là trên các trang của châu Âu như Zenodo hay các trang chuyên dành cho các bản thảo dạng Priprints như PeerJ.
Việc quản lý bằng DOI và phiên bản DOI, cùng với các chính sách cấp tiến hiện nay như Truy cập Mở đầy đủ và tức thì tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu với ưu tiên sử dụng giấy phép CC BY như được nêu ở trên của nhóm 24 nhà cấp vốn nghiên cứu quốc gia, châu Âu và các quỹ từ thiện cấp vốn nghiên cứu trong trong Liên minh S với Kế hoạch S mà theo đó: “Kế hoạch S yêu cầu rằng, từ 2021, các xuất bản phẩm khoa học là kết quả từ nghiên cứu được các trợ cấp nhà nước cấp vốn phải được xuất bản tuân thủ với các tạp chí hoặc các nền tảng Truy cập Mở”[7], sẽ mang lại thêm nhiều lợi ích hơn nữa cho cả các tác giả cũng như các độc giả - những người sử dụng các kết quả nghiên cứu đó, vì tất cả họ sẽ không phải trả tiền cho các khoản phí xử lý bài báo - APC (Article Processing Charges) cũng như các khoản phí thuê bao để có thể đọc các tạp chí, mà trách nhiệm đó sẽ thuộc về các nhà cấp vốn nghiên cứu. Đây sẽ là sự tiến bộ lớn, rất lớn trong hệ thống xuất bản học thuật, với mục đích cuối cùng là để trả lại các quyền tự do xuất bản cho các nhà nghiên cứu khỏi sự phụ thuộc vào các nhà xuất bản.

V. TÀI LIỆU VÀ THÔNG TIN THAM KHẢO
[1] https://zenodo.org/search?page=1&size=20&q=
[2] Kira Smith, 2020: “Eradicate Coronavirus by blocking replication, counteracting its defense system”: https://zenodo.org/search?page=1&size=20&q=conceptrecid:%223971127%22&sort=-version&all_versions=True, truy cập ngày 10/08/2020, CC BY.
[3] Zenodo, “DOI Versioning”: https://help.zenodo.org/#versioning. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa có tại địa chỉ: https://giaoducmo.avnuc.vn/truy-cap-mo/quan-ly-phien-ban-ma-nhan-dien-doi-tuong-so-doi-digital-object-identifier-tren-zenodo-264.html
[4] John P Staub, 2020: “A simplified correlation between vertebrate evolution and Paleozoic geomagnetism”: https://peerj.com/preprints/28002v3/, truy cập ngày 10/08/2020, CC BY.
[5] https://creativecommons.org/licenses/by/4.0/
[6] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: “Kế hoạch S - Tăng tốc chuyển đổi quá độ sang Truy cập Mở đầy đủ và tức thì tới các xuất bản phẩm khoa học”: https://www.dropbox.com/s/9758mj1voyjeyel/Plan_S-Vi-06042019.pdf?dl=0
[7] https://www.coalition-s.org/

PS: Tải về bài trình chiếu tại hội nghị tại địa chỉ:
https://www.dropbox.com/s/6d5c5l90qv6h387/DOI_Versioning_Final.pdf?dl=0



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIÁO DỤC MỞ - TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ: ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay5,500
  • Tháng hiện tại85,019
  • Tổng lượt truy cập6,719,885
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây