Giáo dục để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có đầy đủ năng lực số - nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục để phục vụ cho chương trình chuyển đổi số quốc gia?

Chủ nhật - 09/10/2022 19:20
Giáo dục để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có đầy đủ năng lực số - nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục để phục vụ cho chương trình chuyển đổi số quốc gia?

(Bài viết cho Hội thảo: Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới, diễn ra tại trường Đại học Huế ngày 07/10/2022, có trong Kỷ yếu Hội thảo, các trang 348-355)

---------------------------------------------------

Tóm tắt: Để hoàn thành mục tiêu kép của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc giáo dục để tổ chức, doanh nghiệp và người dân có đầy đủ năng lực số cần phải là nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn ngành giáo dục. Việc tùy chỉnh các khung cùng các công cụ đánh giá năng lực số của các quốc gia đã có kinh nghiệm, như của EU, có thể giúp ngành giáo dục hoàn thành được nhiệm vụ này.

Các từ khóa: Chuyển đổi số; Khung năng lực số; Năng lực số; Kiến thức; Kỹ năng; Thái độ.

Abstract: To fulfill the dual goals of the National Digital Transformation Program to 2025, with a vision to 2030, educating organizations, businesses and citizen with full digital competences needs to be a most important task of the entire education sector. Customizing of digital competence frameworks and assessement tools of experienced countries, such as those of the EU, can help the education sector accomplish this task.

Keywords: Digital transformation; Digital Competence Framework; Digital Competences; Knowledge; Skills; Attitudes.

A. Đặt vấn đề

Ngày 03/06/2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năng lực đi ra toàn cầu, trong đó giáo dục là một trong số các lĩnh vực được ưu tiên.

Về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, Quyết định nêu:

  • Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

  • 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.

Có thể thấy các nội dung này tất cả nhằm vào việc chuyển đổi các hoạt động nghiệp vụ dạy và học từ môi trường truyền thống sang môi trường số, với sự trợ giúp của các công nghệ số để đạt được mục tiêu được nêu ra.

Để giúp nâng cao nhận thức của tất cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và công bố trang thông tin ‘Cẩm nang chuyển đổi số’[1] dưới dạng các câu hỏi – đáp thường gặp một cách ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu, ví dụ như: chuyển đổi số là gì?, chuyển đổi số khi nào?, chuyển đổi số đem lại lợi ích gì cho người dân?; chuyển đổi số là việc của ai? chuyển đổi số như thế nào? chuyển đổi số những gì? chuyển đổi số tốn bao nhiêu tiền?. Cũng có những gợi ý cụ thể cho ngành giáo dục về chuyển đổi số bằng câu hỏi - đáp: Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục như thế nào? Chắc chắn, trang thông tin này là rất hữu ích đối với các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp và người dân trên con đường dài với nhiều cấp độ của chuyển đổi số, như: số hóa thông tin (digitization), khai thác cơ hội số (digitalization), và chuyển đổi số (digital transformation).

B. Bối cảnh chuyển đổi số từ góc nhìn của năng lực số và văn hóa số

Với mong muốn bổ sung thêm nội dung cho trang thông tin này, dưới đây đề cập tới chuyển đổi số từ góc nhìn về năng lực số và một vài nội dung nằm ngoài khía cạnh kỹ thuật công nghệ của các công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) mà có thể giúp cho chuyển đổi số hiệu quả hơn.

Từ góc nhìn về năng lực số có thể thấy, để đáp ứng được mục tiêu kép nêu trong Quyết định 749/QĐ-TTg, rất cần xây dựng và nâng cao các năng lực số cho các tổ chức, doanh nghiệp, và công dân để có thể xây dựng thành công chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số, một cách tương ứng.

Ở Việt Nam, chuyển đổi số chỉ được nói nhiều sau thời điểm ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020, trong khi, Liên minh châu Âu (EU) với 27 quốc gia thành viên đã có hàng chục nghiên cứu và hàng trăm tài liệu kết quả của các nghiên cứu về chuyển đổi số từ năm 2005 cho tới nay, để rồi trên cơ sở đó ban hành nhiều khung năng lực số cho các đối tượng khác nhau[2], nhằm mục đích nâng cao năng lực số cho mọi người dân, doanh nghiệp và tổ chức ở các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng để có tối thiểu 80% dân số với các năng lực số/kỹ năng số cơ bản và 20 triệu chuyên gia CNTT-TT tới năm 2030[3]. Các khung đó gồm: Khung năng lực số cho các tổ chức giáo dục; Khung năng lực số cho các nhà giáo dục; Khung năng lực số cho công dân; Khung năng lực cho khởi nghiệp; Khung năng lực số cho người tiêu dùng; và Khung năng lực số cho học tập suốt đời.

Hình 1. Vài khung năng lực số của Liên minh châu Âu (EU)

B1. Các thành phần, khái niệm và sự cần thiết của khung năng lực số

Mục đích của các khung năng lực số, dù là của bất kỳ quốc gia nào, đều là để nâng cao năng lực số cho toàn dân, trả lời cho câu hỏi ‘Ai thực sự có năng lực số’, vì thế chúng thường đi với các công cụ đánh giá/tự đánh giá năng lực số được nêu trong các khung đó.

Các khung năng lực số của EU thường có các thành phần sau: các lĩnh vực năng lực, các năng lực, các trình mô tả từng năng lực dựa trên kiến thức, kỹ năng và thái độ, được phân theo các mức thông thạo như ‘cơ bản’, ‘trung bình’, ‘cao’, và ‘chuyên gia’, với các ví dụ đi kèm với chúng dành cho 2 kịch bản: việc làm và đào tạo.

Năng lực số là gì?

Năng lực số liên quan tới sử dụng tự tin, nghiêm túc và có trách nhiệm của, và tham gia với, các công nghệ số cho việc học tập, làm việc, và tham gia trong xã hội. Nó bao gồm sáng thông tin và dữ liệu, truyền thông và cộng tác, sáng phương tiện, tạo lập nội dung số (bao gồm việc lập trình), an toàn (bao gồm phúc lợi số và các năng lực liên quan tới an ninh không gian mạng), các câu hỏi có liên quan tới sở hữu trí tuệ, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện”. Trích từ tài liệu Khung Năng lực Số cho Công dân của EU, v2.2, năm 2022

Trong ngữ cảnh của các khung năng lực số được nêu ở trên, một số khái niệm cơ bản được giải thích như sau:

  • Năng lực: là tập hợp của 3 yếu tố: (1) Kiến thức; (2) Kỹ năng; và (3) Thái độ.

  • Kiến thức: là kết quả của sự hấp thụ thông tin lý thuyết hoặc thực tế bằng cách học. Kiến thức là tập hợp các sự kiện, nguyên tắc, lý thuyết và thực hành có liên quan đến lĩnh vực công việc/nghiên cứu.

  • Kỹ năng: ngụ ý khả năng áp dụng kiến thức và sử dụng hiểu biết để hoàn thành các nhiệm vụ và giải quyết vấn đề. Có thể là kỹ năng nhận thức (liên quan tới sử dụng tư duy logic, trực quan và sáng tạo) hoặc thực hành (liên quan đến sự khéo léo thủ công và việc sử dụng các phương pháp, vật liệu, công cụ và dụng cụ).

  • Thái độ: là động cơ thúc đẩy sự thực thi. Chúng bao gồm các giá trị, cảm hứng và ưu tiên.

Các khung năng lực số khác nhau là cần thiết cho các đối tượng khác nhau. Lập luận về khía cạnh này được giải thích như sau:

  • Trước hết, cần có Khung năng lực số cho các tổ chức giáo dục. Tổ chức giáo dục có năng lực số sẽ giúp cho các nhà quản lý giáo dục của cơ sở giáo dục có được tầm nhìn về chuyển đổi số và tạo các điều kiện thuận lợi bằng việc dành các nguồn lực và điều kiện cần thiết cho các nhà giáo dục/cán bộ trong các cơ sở của họ để có được các năng lực số cần thiết.

  • Để các nhà giáo dục có được các năng lực số cần thiết, tới lượt nó, cần có Khung năng lực số cho các nhà giáo dục. Các nhà giáo dục có các năng lực số sẽ giúp cho người học có các năng lực số. Điều này giải thích vì sao trong Khung năng lực số cho các nhà giáo dục của châu Âu, bên cạnh các năng lực số của các nhà giáo dục, còn có các năng lực số dành cho những người học.

  • Tuy nhiên, dù bạn là nhà giáo dục hay doanh nhân hay bất kỳ ai khác, trước hết, bạn phải là một công dân, và vì vậy, để xây dựng thành công xã hội số, cần thiết phải có Khung năng lực số cho công dân. Đây chính là Khung năng lực số cơ bản nhất và các năng lực số trong Khung này thường được tùy chỉnh để đưa vào một số Khung năng lực số khác. Việc có vài khung năng lực số bên cạnh Khung năng lực số cho công dân gợi ý rằng ngoài các năng lực số của một công dân ra, bạn có thể sẽ cần phải có thêm các năng lực số khác.

  • Để có được kinh tế số, điều kiện tiên quyết là phải có các doanh nghiệp số, trong khi các doanh nghiệp đều bắt đầu bằng việc khởi nghiệp. Điều này giải thích vì sao Khung năng lực cho khởi nghiệp là cần thiết. Và trong kỷ nguyên số ngày nay, dù bạn khởi nghiệp trong bất kỳ ngành nghề hay lĩnh vực nào, bạn, như một doanh nhân khởi nghiệp, nhất thiết cần trang bị cho mình các năng lực số.

  • Đối tượng của các doanh nghiệp là người tiêu dùng, những người sẽ mua sắm sản phẩm và/hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp và điều này giải thích vì sao Khung năng lực số cho người tiêu dùng cũng là cần thiết để họ có thể mua sắm một cách thuận tiện, quả quyết và an toàn trên không gian mạng, ví dụ như, thông qua mua sắm trực tuyến hay bằng các công cụ thương mại điện tử.

  • Các công nghệ số, các công nghệ thông tin và truyền thông đã và đang phát triển như vũ bão, tác động mạnh tới cách sống, làm việc và học tập suốt cuộc đời của mọi công dân. Để có thể sống, học tập, làm việc và hòa nhập xã hội một cách an toàn và thịnh vượng trong kỷ nguyên số, sẽ là khó để bạn có thể có được đầy đủ các năng lực số chỉ qua những năm tháng học tập trong các cơ sở giáo dục chính quy. Điều này giải thích vì sao Khung năng lực số cho học tập suốt đời là cần thiết, nó sẽ giúp bạn có đủ các năng lực số cần thiết thông qua việc học tập suốt đời bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, bất kỳ độ tuổi nào, bất kỳ cách nào, bất kỳ điều gì, với giáo dục chính quy, phi chính quy hay không chính quy.

Các khung năng lực số của EU đều là các khung tham chiếu, có thể được tùy chỉnh để phục vụ cho một dải rộng lớn các mục đích trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, cả trong các tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp, và đặc biệt trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, cả chính quy, phi chính quy, không chính quy và học tập suốt đời, gắn với các công việc như rà soát lại chương trình giảng dạy; thiết kế các chương trình giáo dục; phát triển chính sách, chứng thực, theo dõi, (tự) đánh giá, giám sát và thẩm định.

Các khung năng lực số đều chỉ là các khung lý thuyết, cần được điều chỉnh liên tục theo thời gian và qua áp dụng trong thực tế.

Bản thân các tác giả của tất cả các khung năng lực số được nêu ở trên đều khẳng định rằng chúng đều là các khung lý thuyết, và đều gợi ý chúng cần phải được áp dụng trong thực tế để thu thập các kinh nghiệm và phản hồi từ thực tế cuộc sống cho các phiên bản tiếp sau. Một ví dụ điển hình là Khung năng lực số cho công dân, khung cơ bản nhất trong số các khung năng lực số của EU, bắt đầu với phiên bản v1.0 năm 2013, tiếp theo là các phiên bản v2.0 năm 2016, v2.1 năm 2017 và v2.2 năm 2022.

Nhiều quốc gia, tổ chức và công ty đã và đang sử dụng và tùy chỉnh các khung đó cho phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của mình. Trên thực tế, một số tài liệu của EU đã ghi chép lại hàng chục cho tới hàng trăm trường hợp điển hình về áp dụng và tùy chỉnh các khung năng lực số trong thực tế cho phù hợp với các nhu cầu khác nhau của các quốc gia, tổ chức và công ty trong và ngoài châu Âu, ví dụ như các tài liệu: (1) DigComp (Khung năng lực số cho công dân) trong hành động; (2) EntreComp (Khung năng lực cho khởi nghiệp) trong hành động, (3) DigComp trong công việc; và (4) EntreComp trong công việc.

Một điều quan trọng khác, cùng với các khung năng lực số đó, là các công cụ đánh giá/tự đánh giá các năng lực số mà bất kỳ tổ chức/công ty/cá nhân nào cũng có thể sử dụng, ví dụ như SELFIE hay DigCompSAT. Một khi đã có được các khung năng lực số và công cụ đánh giá/tự đánh giá từng năng lực số trong các khung đó, các chương trình/giáo trình tương ứng với từng năng lực số được nêu trong từng khung năng lực số đó có thể được xây dựng không mấy khó khăn, dù chúng là do từng tổ chức/công ty xây dựng nên hay chúng là các chương trình/giáo trình khung để các tổ chức/công ty dựa vào đó để tùy chỉnh cho phù hợp với các nhu cầu của mình.

Hơn nữa, việc đánh giá, tự đánh giá các năng lực số thường được làm một cách tự động trên trực tuyến qua một trang web và bằng một chương trình phần mềm có thể giúp bất kỳ tổ chức/công ty/cá nhân nào có được các kết quả đánh giá tức thì ngay sau khi thực hiện xong việc đánh giá/tự đánh giá. Bằng cách đó, họ sẽ biết được khoảng trống nào về năng lực số họ còn thiếu, các khóa đào tạo nào họ cần tham gia để lấp đi các khoảng trống đó, hay mức độ thông thạo nào họ cần phấn đấu, ví dụ, để đạt được mức thông thạo dành cho một ứng viên sẽ được tuyển dụng để làm giảng viên trong một trường đại học hay cao đẳng, biết rằng chỉ các năng lực số ở mức thông thạo ‘Cao’ mới là phù hợp cho giảng viên, chứ không phải các mức thông thạo ‘Cơ bản’ hay ‘Trung bình’, bất kể ứng viên giảng viên đó có chuyên môn của một bộ môn bất kỳ nào khác với CNTT-TT, ví dụ như để trở thành giảng viên để giảng dạy về y học cho các sinh viên ngành y trong một trường đại học y khoa.

Ví dụ này cho thấy, để có thể tuyển dụng một giảng viên để giảng dạy cho một bộ môn/chuyên ngành bất kỳ nào không phải CNTT-TT trong một trường đại học/cao đẳng, thì ứng viên giảng viên đó không chỉ cần có các năng lực số cần thiết của một công dân hay của một giảng viên như được nêu trong các Khung năng lực số cho công dânKhung năng lực số cho nhà giáo dục, mà các năng lực số đó còn cần phải đạt được ở mức thông thạo ‘Cao’ để có đủ các năng lực/kỹ năng cần thiết để hướng dẫn cho người học thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ học tập khi tiến hành giảng dạy trong môi trường (kỹ thuật) số, với sự trợ giúp của các công cụ CNTT-TT.

Những điều nêu trên gợi ý cho chúng ta, như một quốc gia đi sau, nơi mà mọi người nói về chuyển đổi số chỉ sau khi chính phủ ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020, có thể rút ngắn thời gian xây dựng các khung năng lực số cần thiết ở mức quốc gia và cơ sở/tổ chức/công ty bằng việc chọn tiếp cận ‘không phát minh lại cái bánh xe’, mà tùy chỉnh các khung năng lực số và các công cụ đánh giá/tự đánh giá năng lực số sẵn có đó cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng giai đoạn, từng thời kỳ, biết rằng để có đủ các năng lực số cần thiết với mức thông thạo cần thiết, là công việc không thể hiện thực hóa được chỉ sau 1 đêm, mà là một quá trình dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm.

B2. Văn hóa số

Định nghĩa năng lực số được nêu ở trên rõ ràng cho thấy năng lực số không chỉ là về khía cạnh kỹ thuật công nghệ của các công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong chuyển đổi số. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, văn hóa mới là rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi số (Hình 2). Thậm chí, tài liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2021 còn khẳng định rằng để chuyển đổi số thành công, tổ chức của bạn cần có văn hóa số mạnh, dựa vào 4 trụ cột chính như trên Hình 3.

Hình 2. Văn hóa là rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi số

Một ví dụ về văn hóa cộng tác và chia sẻ mở sẽ giúp cho đặc tính nhân bản số với chi phí xấp xỉ bằng không (0) thăng hoa trong chuyển đổi số, làm lợi cho tất cả mọi người và cho xã hội, qua câu chuyện ví dụ nhỏ như sau:

Giả sử, một cuốn sách giáo khoa về toán học được sử dụng trong chương trình giáo dục cơ bản của tất cả các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Nếu cuốn sách đó ở dạng giấy, thư viện của từng trường cần có 1 hoặc nhiều cuốn sách giáo khoa để có thể phục vụ cho sinh viên. Bất kể số lượng bao nhiêu, có một thực tế là cùng một lúc, không thể có 2 sinh viên cùng mượn và cùng đọc được cuốn sách đó. Nhưng nếu cuốn sách đó được số hóa (cấp độ đầu tiên của chuyển đổi số) thành một tệp dạng số, ví dụ, một tệp .PDF, rồi được đưa lên mạng Internet, thì cùng một lúc, có thể hàng vạn sinh viên ở nhiều trường khác nhau trong, bất kể trong hay ngoài nước, đều có thể cùng một lúc đọc được cuốn sách đó. Đấy là chưa kể sách giáo khoa (kỹ thuật) số có thể có các tính năng mà bất kỳ cuốn sách giáo khoa truyền thống nào - gồm chỉ dạng văn bản và hình ảnh tĩnh trong không gian 2 chiều - cũng không thể có được, như các tính năng đa phương tiện (âm thanh và video), hình ảnh động trong không gian 3 chiều, các mô phỏng tương tác, và nhiều tính năng tiên tiến khác, được nhúng trong các sách giáo khoa (kỹ thuật) số.

Ngược lại, nếu không tận dụng các tính năng đặc thù của (kỹ thuật) số như vậy và không áp dụng văn hóa số, ví dụ như nếu tất cả các trường đều số hóa cùng 1 cuốn sách giáo khoa mà họ đều cần để phục vụ cho sinh viên của mình, thì sẽ gây ra sự tốn kém và lãng phí nhiều tiền bạc, thời gian, công sức của rất nhiều người. Một khi không có sự cộng tác và chia sẻ, chuyển đổi số sau vài năm có thể tạo ra hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn ốc đảo số, và điều này có thể trở thành một thảm họa quốc gia.

Hình 3. Muốn chuyển đổi số thành công, tổ chức phải có văn hóa số mạnh

Không chỉ có vậy, nếu cuốn sách giáo khoa ở trên được số hóa, ví dụ, thành một tệp .PDF rồi được chia sẻ trên Internet, nhưng không được cấp phép mở, ví dụ như, bằng một giấy phép mở Creative Commons, thì người sử dụng, bao gồm cả các sinh viên và các giảng viên, sẽ rất dễ vi phạm bản quyền khi tải về để sử dụng nó, vì theo Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam, hay bất kỳ luật sở hữu trí tuệ của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, một khi (các) tác giả sáng tạo ra một tác phẩm, thì dù (các) tác giả không đăng ký ở đâu, họ và tác phẩm của họ vẫn được Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ, và theo Luật đó, bất kỳ ai, bao gồm các sinh viên và giảng viên, muốn sử dụng nó hợp pháp, đều phải xin phép (các) tác giả hoặc người/chủ thể nắm giữ bản quyền. Việc vi phạm bản quyền tác giả sẽ gây hại cho uy tín của giảng viên và nhà trường, điều chắc chắn không một ai mong muốn.

Hình 4. Bản quyền & giấy phép - một trong các năng lực số của công dân

Điều này có thể khắc phục được, ví dụ, nếu chính phủ có chính sách cấp phép mở rõ ràng, yêu cầu rằng tất cả các tài nguyên/dữ liệu được tạo ra từ tiền ngân sách nhà nước/tiền từ những người đóng thuế, thông qua các đề tài, chương trình, dự án của nhà nước thì bắt buộc phải cấp phép mở để mọi người đóng thuế/người dân đều có thể sử dụng và chia sẻ chúng hợp pháp, miễn là các tài nguyên/dữ liệu đó không thuộc về các vấn đề bí mật/an ninh quốc gia, quyền riêng tư của công dân và/hoặc bất kỳ điều cấm kỵ nào khác được pháp luật nêu rõ ràng. Bằng cách này, các trụ cột của văn hóa số như trên Hình 3 đều sẽ được thúc đẩy. Việc tôn trọng bản quyền và cấp phép/giấy phép cho các tài nguyên/dữ liệu được tạo ra/bằng việc số hóa cũng là một trong các năng lực số mà bất kỳ công dân nào cũng cần có trong chuyển đổi số, như trong Khung năng lực số cho công dân ở Hình 4.

C. Vài câu hỏi để ngỏ cho thảo luận tiếp thay cho lời kết

Ngày 25/01/2022, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, đã nhấn mạnh đến các hoạt động liên quan tới năng lực số, cụ thể:

Phần III. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; Mục 4. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học; nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực về Chính phủ điện tử (HCI).

Ngày 31/03/2022, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó sử dụng và nhấn mạnh thuật ngữ ‘kỹ năng số’, và ở phần IV. Phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số hẳn một mục 7. Kỹ năng số, công dân số và văn hóa số.

So sánh 2 Quyết định nêu trên cho thấy, thuật ngữ được sử dụng có liên quan tới năng lực số (131/QĐ-TTg) và kỹ năng số (411/QĐ-TTg) của chúng có lẽ cần được giải thích theo một cách thống nhất. Đối chiếu với định nghĩa một số khái niệm cơ bản trong các khung năng lực số được nêu ở phần trên, về năng lực, kiến thức, kỹ năng và thái độ, có thể nêu ra ở đây câu hỏi ngỏ đầu tiên để thảo luận tiếp là như sau:

1 Chúng ta cần các Khung năng lực số hay Khung kỹ năng số? vì sao?

Có lẽ đây là câu hỏi rất cần được thảo luận càng rộng càng tốt để có sự đồng thuận chung về thuật ngữ, vì nó có thể sẽ định hướng đúng và rõ ràng để giáo dục và đào tạo cho các tổ chức, công ty và công dân những gì là cần thiết để hoàn thành các mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia như được nêu trong Quyết định 749/QĐ-TTg.

Quyết định 131/QĐ-TTg nhấn mạnh tới cụm từ ‘năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học’ có lẽ đã nêu lên được đầy đủ các đối tượng cần có các năng lực số, dù còn chưa rõ, như được gợi ý với câu hỏi ngỏ sau đây:

2 Chúng ta nên có các khung năng lực số nào để phủ kín các đối tượng là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học để có thể hoàn thành được các mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia là xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số?

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều trường đại học/cao đẳng đang tiến hành việc chuyển đổi số bằng việc tập trung nhiều nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, vật lực, tiền bạc và thời gian vào chuyển đổi các hoạt động nghiệp vụ dạy và học từ môi trường truyền thống sang môi trường số với việc xây dựng các hệ thống (kỹ thuật) số theo cách thức của riêng mình, ít hoặc không có sự cộng tác (một trong các trụ cột của văn hóa số) giữa các cơ sở với nhau, cả về khía cạnh công nghệ/phi công nghệ và tài nguyên/dữ liệu; vài nơi còn coi việc chuyển đổi số là công việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của bộ phận CNTT-TT, điều gợi ý cho câu hỏi ngỏ thứ ba để thảo luận là:

3 Trong khi chưa có (các) khung năng lực số/khung kỹ năng số nào ở mức chính phủ, việc đầu tư nhiều nguồn lực vào xây dựng các hệ thống (kỹ thuật) số liệu có là quá sớm? khi mà hầu như hầu hết mọi người đều chưa có đủ các năng lực số cần thiết để có thể xây dựng các hệ thống (kỹ thuật) số có tính tới tất cả các khía cạnh của các năng lực số vượt ra khỏi các năng lực CNTT-TT?

Câu hỏi này có thể dẫn tới các câu hỏi thứ cấp sau: (1) Liệu trong vài năm nữa, chúng ta có nhận thấy hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn ốc đảo số được xây dựng nên, khi mà không có hệ thống (kỹ thuật) số nào của các trường đại học/cao đẳng có liên thông với nhau hay có chia sẻ tài nguyên số dùng chung được với nhau? Hoặc (2) Liệu chúng ta có nhận thấy vô số các trường đại học/cao đẳng muốn đầu tư vào hệ thống hạ tầng (kỹ thuật) số với năng lực CNTT-TT của riêng mình để trở thành các nhà cung cấp dịch vụ Internet bất đắc dĩ, và trong nhiều trường hợp, là bất khả thi trong dài hạn hay không?

4 Để đóng góp vào việc giáo dục và đào tạo cho các tổ chức, doanh nghiệp, và công dân để họ có đủ các năng lực số cần thiết nhằm đáp ứng được các mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, một cách tương ứng, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có thể chủ động tích cực như thế nào trong chương trình hành động sắp tới của mình?

Để kết thúc bài viết này cho hội thảo ‘Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới’ do Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng tổ chức, dự kiến vào ngày 07/10/2022 sắp tới, rất hy vọng Ban tổ chức hội thảo sẽ cho phép dành đủ thời gian để thảo luận những câu hỏi để ngỏ nêu trên. Chân thành cảm ơn.


 

D. Các chú giải

[1] Bộ Thông tin và Truyền thông: Cẩm nang chuyển đổi số: https://dx.mic.gov.vn/

[2] AVU&C. Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở: ‘Digcomp 2.2: Khung năng lực số cho công dân - với các ví dụ mới về kiến thức, kỹ năng và thái độ’, EC xuất bản năm 2022, các đường liên kết ở phần ‘Xem thêm: các khung năng lực số đã được dịch sang tiếng Việt’: https://giaoducmo.avnuc.vn/tai-lieu-dich/digcomp-2-2-khung-nang-luc-so-cho-cong-dan-voi-cac-vi-du-moi-ve-kien-thuc-ky-nang-va-thai-do-ec-xuat-ban-nam-2022-713.html

[3] Vuorikari, R., Kluzer, S. and Punie, Y., DigComp 2.2: The Digital Competence Framework for Citizens, EUR 31006 EN, Publications Office of the European Union, Luxembourg, 2022, ISBN 978-92-76-48882-8, doi:10.2760/115376, JRC128415.


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

PS:
Xem thêm bài 'Bài trình chiếu: Giáo dục để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có đầy đủ năng lực số - nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục để phục vụ cho chương trình chuyển đổi số quốc gia'

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIÁO DỤC MỞ - TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ: ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay10,279
  • Tháng hiện tại158,966
  • Tổng lượt truy cập6,793,832
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây