5.1 Truy cập Mở tới sự Uyên thâm

Chủ nhật - 19/05/2024 19:39
5.1 Truy cập Mở tới sự Uyên thâm

5.1 Open Access to Scholarship

Theo: https://certificates.creativecommons.org/cccertedu/chapter/6-1-open-access-to-scholarship/

Tài liệu truy cập mở là tài liệu kỹ thuật số, trực tuyến, miễn phí và không có hầu hết các hạn chế về bản quyền và cấp phép. Truy cập mở trái ngược với hệ thống “đóng” hiện có để truyền đạt nghiên cứu khoa học và học thuật. Cách tiếp cận hiện hành này chậm chạp, tốn kém và không phù hợp cho việc cộng tác và khám phá nghiên cứu. Và mặc dù nghiên cứu học thuật phần lớn được thực hiện nhờ nguồn vốn cấp công, các kết quả thường bị ẩn dấu sau các rào cản hoặc bức tường thanh toán về kỹ thuật, pháp lý và tài chính. Xuất bản truy cập mở là một mô hình thay thế - một mô hình tận dụng tối đa các công nghệ kỹ thuật số, web và cấp phép mở để cung cấp quyền truy cập miễn phí tới sự uyên thâm.

Kết quả học tập

  • Xác định quyền truy cập mở

  • Giải thích các lợi ích của Truy cập Mở cho người học của bạn và cho các nhà nghiên cứu tại cơ sở của bạn

  • Hiểu cách các tác giả có thể tạo ra tác phẩm Truy cập Mở của riêng họ

Câu hỏi lớn / Vì sao nó lại quan trọng

Mục đích của nghiên cứu khoa học ở trường đại học cơ bản là tìm kiếm kiến thức. Giảng dạy, trao đổi cởi mở các ý tưởng và quy trình xuất bản nghiên cứu gốc đều là các phương pháp mà giảng viên, người học, nhân viên và những người khác đóng góp vào việc thúc đẩy uyên thâm.

Các hoạt động truy cập và chia sẻ thông tin hiện tại trong hệ thống trường đại học phản ánh và hỗ trợ các mục tiêu nghiên cứu và uyên thâm đã được nêu như thế nào?

Bài này sẽ khám phá cách thực hành xuất bản Truy cập Mở phù hợp với các mục tiêu cải thiện truy cập tới tri thức như thế nào, và các thủ thư có thể hỗ trợ trường đại học như thế nào trong việc triển khai các thực hành và chính sách Truy cập Mở.

Truy cập Mở ở CC được Amy Collier thiết kế, bản quyền của Creative Commons. CC BY

Suy ngẫm cá nhân/Tại sao điều đó lại quan trọng với bạn

Cơ sở của bạn hỗ trợ (hoặc không) việc xuất bản mở nghiên cứu như thế nào? Bạn tương tác với người học và giảng viên đang tìm kiếm nghiên cứu học thuật như thế nào? Bạn đã bao giờ gặp phải bức tường thanh toán khi cố gắng truy cập các bài báo nghiên cứu chưa?

Có được kiến thức cơ bản

Truy cập Mở

Theo định nghĩa của Sáng kiến Truy cập Mở Budapest, Truy cập Mở (OA) tới nghiên cứu có nghĩa là “sự sẵn có miễn phí trên Internet công cộng, cho phép bất kỳ người sử dụng nào đọc, tải xuống, sao chép, phân phối, in, tìm kiếm hoặc liên kết tới toàn bộ các văn bản của các bài báo [nghiên cứu], luồn sâu vào chún để lập chỉ mục, truyền chúng dưới dạng dữ liệu tới các phần mềm hoặc sử dụng chúng cho bất kỳ mục đích hợp pháp nào khác mà không có rào cản về tài chính, pháp lý hoặc kỹ thuật ngoài những rào cản không thể tách rời để có được quyền truy cập vào Internet. Hạn chế duy nhất đối với việc sao chép và phân phối cũng như vai trò duy nhất của bản quyền trong lĩnh vực này là trao cho tác giả quyền kiểm soát tính toàn vẹn của tác phẩm của họ và quyền được thừa nhận và trích dẫn một cách hợp lý.”

Các thành phần quan trọng của mô hình OA bao gồm:

  1. Tác giả giữ bản quyền của mình.

  2. Thời hạn cấm vận bằng không.

  3. Chia sẻ dữ liệu nghiên cứu kèm bài viết.

  4. Thêm một giấy phép Creative Commons vào bài viết nghiên cứu cho phép khai thác văn bản và dữ liệu (bất kỳ giấy phép nào cũng hoạt động, nhưng CC BY được ưu tiên).

Xem các khuyến nghị Budapest +10 về các thực hành tốt nhất trong việc tạo lập, áp dụng và triển khai các chính sách và quy trình OA. Ví dụ: “khi có thể, các chính sách của nhà cấp vốn nên yêu cầu OA tự do (Libre OA), tốt nhất là theo giấy phép CC-BY hoặc tương đương”.

Xuất bản học thuật ngày nay

Đầu tiên, hãy đọc bài viết trên Wikipedia về truyền thông học thuật. Bài viết này định nghĩa truyền thông học thuật là “hệ thống qua đó nghiên cứu và các tác phẩm học thuật khác được tạo ra, được đánh giá về chất lượng, được phổ biến tới cộng đồng học thuật và được bảo tồn để sử dụng trong tương lai. Hệ thống này bao gồm cả các phương tiện truyền thông chính thức, chẳng hạn như xuất bản trên các tạp chí được bình duyệt ngang hàng, và các kênh không chính thức, ví dụ như listservs điện tử.”

Vòng đời của bài viết nghiên cứu,” của Billymeinke. CC BY 4.0.

Những thách thức với cách tiếp cận hiện tại đối với truyền thông học thuật được trình bày trong hình trên. Hình ảnh này giải thích—theo thuật ngữ khái quát—vòng đời hiện tại liên quan đến việc phát triển và truyền đạt các kết quả khoa học. Trong bước đầu tiên của quy trình này, các nhà khoa học, nhân viên hàn lâm và tổ chức nghiên cứu tìm kiếm nguồn vốn cấp để tiến hành nhiều loại nghiên cứu. Thông thường nguồn vốn cấp này đến từ các nguồn của chính phủ (ví dụ: Viện Y học Quốc gia ở Mỹ), mặc dù có một số quỹ từ thiện (như Quỹ Bill & Melinda Gates) hiện đang đầu tư lớn vào các loại hình nghiên cứu cụ thể.

Sau khi các nhà nghiên cứu đã nhận được các trợ cấp của họ, họ tiến hành thí nghiệm và thu thập dữ liệu. Hầu hết các nhà nghiên cứu này chuẩn bị kết quả của họ dưới dạng một bài báo học thuật, sau đó họ gửi đến một tạp chí học thuật để xuất bản. Sau đó, các tạp chí sắp xếp để một số bài báo được gửi trải qua quá trình đánh giá ngang hàng, trong đó các chuyên gia trong một chủ đề cụ thể của lĩnh vực này sẽ đọc, đánh giá và thường đưa ra nhận xét về bài báo được gửi.

Một số bài báo vượt qua được giai đoạn bình duyệt sau đó sẽ được đăng trên tạp chí. Tạp chí sẽ thông báo cho tác giả rằng bài báo của cô ấy đã được chấp nhận và thường yêu cầu tác giả chuyển giao bản quyền cho (hoặc đồng ý với hợp đồng xuất bản độc quyền với) tạp chí. Bằng cách chấp nhận các điều khoản này, tác giả đã cấp cho tạp chí các quyền độc quyền theo bản quyền. Điều này có nghĩa là tạp chí—chứ không phải tác giả—hiện là chủ sở hữu bản quyền và do đó có thể hạn chế các điều khoản truy cập và sử dụng lại được cung cấp bởi gói quyền được cấp cho chủ sở hữu quyền theo luật.

Bởi vì các tạp chí đã trở thành người nắm giữ các quyền trên thực tế đối với nghiên cứu khoa học, nên họ cũng là những thực thể có quyền cấp phép truy cập tới những tài liệu này cho các thư viện đại học, cơ quan nghiên cứu và công chúng—thường với một khoản phí đáng kể. Điều này dẫn đến tình trạng mang tính chu kỳ trong đó các nhà xuất bản vì lợi nhuận về cơ bản bán lại quyền truy cập vào hồ sơ khoa học và học thuật mà các học giả ban đầu tạo ra thông qua các trợ cấp công.

Ngay cả sau khi lệnh cấm vận xuất bản (thường là từ 6 tháng đến một năm khi các nhà xuất bản giữ độc quyền xuất bản) hết hạn, quyền truy cập vào nghiên cứu khoa học hầu hết được nhà nước tài trợ vẫn bị hạn chế, và người sử dụng chỉ được phép đọc những bài báo đó (nếu chúng được gửi đúng cách tới các kho của cơ sở). Cuối cùng, công chúng bị hạn chế quyền truy cập vào hồ sơ học thuật được nhà nước cấp vốn, và sự tiến bộ trong doanh nghiệp khoa học không đạt được tiềm năng tối đa của nó.

Có một số lời phê bình về hệ thống xuất bản học thuật hiện tại. SPARC có bản tóm tắt các điểm chính trên trang Truy cập Mở của nó, một số điểm nổi bật được ở bên dưới:

  1. Các chính phủ cung cấp phần lớn kinh phí cho nghiên cứu—hàng trăm tỷ đô la hàng năm—và các tổ chức công tuyển dụng phần lớn các nhà nghiên cứu.

  2. Các nhà nghiên cứu công bố những phát hiện của họ mà không mong đợi được đền bù. Không giống như các tác giả khác, họ giao tác phẩm của mình cho các nhà xuất bản mà không có việc thanh toán tiền, nhằm nâng cao kiến thức của nhân loại.

  3. Thông qua quá trình đánh giá ngang hàng, các nhà nghiên cứu đánh giá công việc của nhau một cách miễn phí.

  4. Sau khi được xuất bản, những người đóng góp cho nghiên cứu (từ người nộp thuế đến bản thân các tổ chức hỗ trợ nghiên cứu) phải trả tiền một lần nữa để truy cập các phát hiện đó. Mặc dù nghiên cứu được sản xuất như một hàng hóa công nhưng nó không được cung cấp cho công chúng đã trả tiền cho nó.

© 2007-2017 SPARC, CC BY

Khi giá tạp chí ngày càng tăng vượt xa ngân sách thư viện, các thư viện đại học buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn - thường phải hủy đăng ký thuê bao hoặc chuyển tiền ra khỏi các hạng mục ngân sách khác. Các tổ chức thành viên của Hiệp hội Thư viện Nghiên cứu (một số tổ chức được cấp vốn tốt nhất ở Bắc Mỹ) báo cáo đã chi khoảng 1 tỷ USD mỗi năm để mua thuê bao dài hạn các tạp chí. Kể từ năm 2003, giá trung bình các tạp chí đã tăng khoảng 9% mỗi năm.

Xuất bản Truy cập Mở

Hệ thống xuất bản “truy cập đóng” hạn chế tác động của cộng đồng khoa học và học thuật và tiến độ bị chậm lại đáng kể. Tài liệu Truy cập Mở được học giả Peter Suber định nghĩa là “kỹ thuật số, trực tuyến, miễn phí và không có hầu hết các hạn chế về bản quyền và cấp phép”. Đọc hình bên dưới để có cái nhìn tổng quan nhanh về cách hoạt động của hệ thống xuất bản truy cập mở.

Vòng đời bài báo nghiên cứu,” của Billymeinke. CC BY 4.0.

Ngược lại với hình ảnh trước đó giải thích vòng đời xuất bản khoa học tốn kém và kém hiệu quả hiện nay, hình ảnh trên khám phá một con đường thay thế—một con đường truy cập mở.

Quá trình này bắt đầu giống như khi nó diễn ra trong phần giải thích về hệ thống đương nhiệm – với các yêu cầu của chính phủ về đề xuất – RFP (Request For Proposal) cho nghiên cứu. Trong lộ trình truy cập mở, RFP chứa ngôn ngữ chính sách yêu cầu nghiên cứu được xuất bản ở định dạng truy cập mở. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu tiến hành nghiên cứu khoa học và chuẩn bị các bản thảo học thuật. Khi gửi các bài báo nghiên cứu tới các tạp chí, các nhà nghiên cứu phải xem xét các yêu cầu chính sách truy cập mở đối với vốn cấp trợ cấp của họ. Điều này có nghĩa là các nhà nghiên cứu giữ bản quyền của họ thay vì nhường chúng cho các nhà xuất bản vì lợi nhuận. Hoặc các nhà nghiên cứu phải tìm kiếm một tạp chí truy cập mở “vàng”, xuất bản nghiên cứu theo các giấy phép truy cập mở tự do (như CC BY) ngay từ đầu. Trong cả hai trường hợp, các nhà nghiên cứu giữ một số—hoặc tất cả—các quyền đối với các bài báo nghiên cứu của họ, cho phép họ xuất bản theo các giấy phép mở, và đảm bảo rằng họ có thể ký gửi các bài báo của mình vào kho của trường đại học hoặc cơ sở để truy cập và bảo quản lâu dài. Bằng cách xuất bản theo các giấy phép mở, những người sử dụng tiếp theo được cấp quyền hợp pháp để truy cập và sử dụng lại nghiên cứu đó. Dạng hệ thống truy cập mở này phù hợp hơn với mục đích ban đầu là tiến hành khoa học và chia sẻ mở kết quả thông qua quy trình xuất bản học thuật. Cuối cùng, cách tiếp cận truy cập mở hiệu quả hơn, công bằng hơn, giá cả phải chăng hơn và cộng tác hơn.

Xem Giải thích về Truy cập Mở! Video.

“Giải thích về Truy cập Mở!” Tác giả: Hoạt hình của Jorge Cham Tường thuật của Nick Shockey và Jonathan Eisen Phiên âm của Noel Dilworth Được sản xuất với sự hợp tác của Liên minh Quyền Nghiên cứu, Liên minh Tài nguyên và Xuất bản Học thuật và Hiệp hội Sinh viên Chuyên nghiệp Quốc gia. CC BY 3.0.

Các lựa chọn Truy cập Mở

Các tác giả Truy cập Mở có cơ hội xuất bản theo một số cách. Phổ biến nhất được gọi là Truy cập mở “Xanh” (Green OA) hoặc “Vàng” (Gold OA).

OA xanh = làm cho một phiên bản của bản thảo sẵn sàng tự do trong một kho. Điều này còn được gọi là tự lưu trữ. Một ví dụ về OA xanh là kho nghiên cứu của trường đại học. Các kho OA có thể được tổ chức theo ngành (ví dụ: arXiv cho vật lý) hoặc tổ chức (ví dụ: Knowledge@UChicago cho Đại học Chicago).

OA vàng = làm cho phiên bản cuối cùng của bản thảo có sẵn miễn phí ngay sau khi nhà xuất bản xuất bản, thường bằng cách xuất bản trên tạp chí Truy cập Mở và làm cho bài báo có sẵn theo một giấy phép mở. Thông thường, các tạp chí Truy cập Mở tính Phí Xử lý Bài báo – APC (Article Processing Charge) khi tác giả muốn (a) xuất bản một bài báo trên trực tuyến cho phép công chúng truy cập miễn phí và (b) giữ bản quyền của bài báo đó. APC dao động từ 0 USD đến vài nghìn USD cho mỗi bài viết. Đọc thêm về APC tại Wikipedia. Một ví dụ về tạp chí OA vàng là PLOS.

Diamond OA (OA Kim cương) = mô hình xuất bản học thuật trong đó các tạp chí không thu phí tác giả hoặc độc giả. Các tạp chí Diamond OA là một loại sáng kiến xuất bản do cộng đồng định hướng, do giới học thuật lãnh đạo và sở hữu. Các tạp chí Diamond OA được thiết kế để có tính công bằng về bản chất và thiết kế và tìm cách hỗ trợ đa dạng thư mục thông qua các cộng đồng học thuật đa ngôn ngữ và đa văn hóa.

Thư mục các Tạp chí Truy cập Mở – DOAJ (Directory of Open Access Journals) là một trang lập chỉ mục các tạp chí truy cập mở và HowOpenIsIt? (xem bên dưới) là một công cụ hữu ích để đánh giá “tính mở” tương đối của việc xuất bản từ truy cập mở hoàn toàn đến truy cập đóng.

HowOpenIsIt? Guide by SPARC AND PLOS. CC BY.

Một số mô hình đang nổi lên như các bản in trước (Preprints) và các trung tâm (Hub) đang nổi lên nhanh chóng, nhưng chúng có thể cung cấp cách mới để xem xét việc xuất bản Truy cập Mở nằm ngoài các ràng buộc của các mô hình do nhà xuất bản làm trung gian. Xem phần tài nguyên bổ sung để biết thêm thông tin về các lĩnh vực mới nổi này trong xuất bản Truy cập Mở.

Giáo dục tác giả về các quyền xuất bản của họ

Bằng việc hiểu rõ bản quyền và các lựa chọn xuất bản học thuật khác nhau, các thủ thư có thể giúp các giảng viên và sinh viên tốt nghiệp điều hướng hệ thống khi họ xuất bản nghiên cứu.

Thông thường, các nhà xuất bản học thuật yêu cầu tác giả chuyển giao quyền của họ cho các công ty xuất bản trước khi nghiên cứu của họ được công bố trên một tạp chí học thuật. Các thủ thư hàn lâm và các bộ phận thư viện khác có thể hỗ trợ cho các tác giả là giảng viên và sinh viên bằng cách giúp họ hiểu những gì họ từ bỏ khi chuyển giao bản quyền của mình cho nhà xuất bản. Ví dụ: các tác giả học thuật chuyển giao bản quyền có thể mất khả năng đăng nghiên cứu của họ lên trang web của riêng họ.

Hiện có một số công cụ nhằm giúp giảng viên và học giả hiểu rõ các quyền và các lựa chọn xuất bản của họ, đồng thời giúp họ thực hiện các quyền đó. Công cụ Chấm dứt chuyển giao,[1] do Liên minh tác giả và Creative Commons đồng quản lý, cung cấp cho các tác giả trước đây đã ký kết thỏa thuận xuất bản thông tin về liệu và cách thức họ có thể lấy lại quyền xuất bản đã được chuyển giao trước đó để họ có thể xuất bản theo các điều khoản mới, bao gồm cả theo giấy phép CC nếu họ chọn. Giảng viên và các tác giả khác có thể sử dụng Công cụ Phụ lục Bản quyền của Học giả để sửa đổi bổ sung các thỏa thuận xuất bản khi gửi bài viết cho nhà xuất bản truyền thống.[2] Công cụ này cho phép tác giả lựa chọn trong số các tùy chọn khác nhau để giữ lại các quyền cho mình, và tạo ra một thỏa thuận sau đó được gửi cùng với thỏa thuận xuất bản truyền thống để làm cho thỏa thuận đó có hiệu lực về mặt pháp lý. Ngoài ra, Liên minh các tác giả xuất bản vô số tài nguyên về các công cụ này và truy cập mở, đồng thời PLoS cũng cung cấp các tài nguyên và bài viết về lợi ích của truy cập mở.

Các thủ thư hàn lâm cũng có thể giúp các học giả hiểu được các lựa chọn xuất bản khác nhau ảnh hưởng như thế nào đến độc giả và uy tín của tác phẩm của họ. Hệ số tác động (Impact Factor) là thước đo chính về mức độ nổi bật của một tạp chí hoặc ấn phẩm, được đo bằng số lượng trích dẫn trung bình của tạp chí đó. Vì các yếu tố tác động không nhất thiết phải là thước đo đáng tin cậy về tầm quan trọng của tạp chí nên một số nhà xuất bản như Nature đang xem xét lại tầm quan trọng của các yếu tố tác động đối với tạp chí. Nhiều học giả Truy cập Mở khuyến khích các hệ thống như phép đo lựa chọn thay thế (altmetrics) để cung cấp cách suy nghĩ khác về tác động vượt ra khỏi các phép đo truyền thống. Năm 2017, 1Science OA- Finder đã phát hành một nghiên cứu cho thấy rằng trung bình, các tài liệu Truy cập Mở tạo ra tác động nghiên cứu cao hơn 50% so với các tài liệu có bức tường thanh toán nghiêm ngặt. Để biết thêm thông tin, hãy đọc bài viết của Jon Tennant từ năm 2016 về các lợi ích kinh tế, xã hội và học thuật của truy cập mở để tìm hiểu thêm. Điều quan trọng nữa là phải nhận thức được các tạp chí có thể gây tranh cãi hoặc các hoạt động xuất bản mang tính bóc lột, có thể là truy cập đóng hoặc truy cập mở. Wikipedia cung cấp một bản tóm tắt về cái mà đôi khi được gọi là “xuất bản có tính chất săn mồi” (predatory publishing), kèm theo các đường liên kết đến các tài nguyên bổ sung dành cho những ai muốn khám phá thêm chủ đề này.

Các thực hành và chính sách Truy cập Mở tại trường đại học và hơn thế nữa

Chính sách truy cập mở là chính sách chính thức được cơ sở thông qua để hỗ trợ các nhà nghiên cứu làm cho tác phẩm của họ sẵn sàng mở. Các chính sách này có thể đề cập đến các bài báo được bình duyệt đã xuất bản, tài liệu hội nghị, và/hoặc các bản thảo được bình duyệt hoặc các ấn phẩm trước khi in (pre-printed) được ký gửi trong kho của cơ sở hoặc được xuất bản theo các điều khoản truy cập mở trên một tạp chí. Các chính sách Truy cập Mở thường xác định các hướng dẫn về cách các nhà nghiên cứu có thể phổ biến nghiên cứu của họ để tối đa hóa quyền truy cập. Sổ đăng ký các chính sách lưu trữ tài liệu kho truy cập mở (ROAR Map) là cơ quan đăng ký lập biểu đồ các chính sách hoặc chỉ thị truy cập mở được thông qua bởi các trường đại học, cơ sở nghiên cứu và các nhà cấp vốn nghiên cứu yêu cầu hoặc đòi hỏi các nhà nghiên cứu của họ cung cấp quyền truy cập mở tới kết quả bài viết nghiên cứu được bình duyệt của họ bằng cách ký gửi nó vào kho của cơ sở hoặc xuất bản theo các điều khoản truy cập mở trên một tạp chí.

Người ủng hộ Truy cập Mở Peter Suber đã nhận xét rằng “nhiệm vụ” (mandate) không phải là một từ hay cho các chính sách truy cập mở, “…nhưng cũng không có bất kỳ từ tiếng Anh nào khác”. Nếu không có nhiệm vụ, các cơ sở có thể xem xét các chính sách chọn tham gia của giảng viên, trong đó các thư viện hoặc văn phòng bản quyền tập trung vào việc chuyển thực hành xuất bản mặc định sang truy cập mở.

Các chính sách của trường đại học

Nhiều trường đại học đã áp dụng các chính sách truy cập mở, yêu cầu các nhà nghiên cứu trực thuộc trường đại học cấp cho cơ sở của họ giấy phép không độc quyền cho một bài báo học thuật tại thời điểm tạo ra tác phẩm đó. Quá trình này giải quyết các vấn đề với các nhà xuất bản sau đó, vì trường đại học vẫn giữ quyền hợp pháp đối với tác phẩm trước khi bản quyền được chuyển giao cho nhà xuất bản. Những chính sách này đã được phổ biến rộng rãi với giả định rằng bản thân các trường đại học phải có khả năng tiếp cận và bảo tồn các kết quả nghiên cứu của giảng viên của họ. Để xem một ví dụ, hãy xem lại Chính sách Truy cập Mở của Đại học California. Bạn cũng có thể xem nhiều chính sách truy cập mở của cơ quan khác trong ROARMAP, nó đã thu thập hàng trăm chính sách truy cập mở, bao gồm các chính sách của các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và các cơ sở hàn lâm.

Đối với các thủ thư hàn lâm quan tâm đến việc phát triển chính sách truy cập mở cho trường đại học hoặc cơ sở của họ, Dự án Truy cập Mở Harvard đã phát triển một bộ công cụ. Các chính sách Truy cập Mở thường bắt nguồn từ Văn phòng Truyền thông Học thuật, nhưng các thủ thư ở nhiều vai trò khác nhau (tiếp cận, tham khảo, .v.v.) có thể giúp xây dựng các chính sách này.

Chính sách công

Ngoài việc khuyến khích phát triển các chính sách truy cập mở ở cấp đại học, các chính sách công có thể đảm bảo rằng nghiên cứu được nhà nước cấp vốn sẽ được cung cấp theo các điều khoản Truy cập Mở. Điều này thường được thực hiện thông qua việc bao gồm các yêu cầu chia sẻ gắn liền với việc nhận các vốn trợ cấp từ chính phủ hoặc từ thiện. Khi các chu kỳ cấp vốn cho nghiên cứu bao gồm các yêu cầu ký gửi và/hoặc giấy phép mở cho các ấn phẩm, quyền truy cập và các cơ hội sử dụng lại tăng lên sẽ mở rộng giá trị của cấp vốn nghiên cứu.

Một ví dụ là bản ghi nhớ này của Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ (OSTP) của Nhà Trắng nước Mỹ từ năm 2022 (bài đăng trên blog CC). Bản ghi nhớ này hướng dẫn tất cả các cơ quan và ban ngành liên bang công bố các ấn phẩm và nghiên cứu được cấp vốn bởi người nộp thuế mà không có bất kỳ lệnh cấm vận hoặc chi phí nào. Kế hoạch là hướng dẫn này sẽ được thực hiện đầy đủ trên toàn quốc vào cuối năm 2025, nhưng nhiều bộ và cơ quan liên bang đã ban hành các chính sách và thủ tục mới dưới thời chính quyền Biden-Harris để bắt đầu cung cấp nhiều ấn phẩm và kết quả nghiên cứu hơn. Ví dụ về một số chính sách này có thể được tìm thấy trong tờ thông tin năm 2023 của OSTP, bao gồm các định nghĩa được cập nhật về khoa học mở, các tài nguyên trên trực tuyến mới, các yêu cầu trợ cấp đang phát triển, quyền truy cập nhiều hơn vào dữ liệu của chính phủ thông qua các cổng trên trực tuyến.

Thực thi các chính sách truy cập mở

Quan điểm của hầu hết các chính sách truy cập mở là đảm bảo rằng nghiên cứu được nhà nước (hoặc tổ chức) cấp vốn có thể được bất kỳ ai đọc, và - lý tưởng - được cấp phép mở với thời gian cấm vận bằng không. Khi nói đến việc thực thi các chính sách truy cập mở, nhiều người đóng các vai trò quan trọng.

Nhà cấp vốn và các quan chức chương trình của nó cần hiểu chính sách truy cập mở, truyền đạt tầm quan trọng của nó tới những người nhận trợ cấp bằng lời nói và bằng văn bản, và theo dõi bằng cách kiểm tra để đảm bảo công chúng có quyền truy cập đầy đủ vào nghiên cứu và dữ liệu theo các điều khoản của chính sách Truy cập Mở (OA).

Ban quản trị đại học/cao đẳng nên cung cấp hỗ trợ (ví dụ: thuê thủ thư OA/OER toàn thời gian) cho giảng viên xuất bản trên các tạp chí truy cập mở hoặc chia sẻ mở nghiên cứu của họ. Các cơ sở cũng có thể xem xét và sửa đổi (nếu cần) các chính sách thăng chức và bổ nhiệm để đảm bảo các giảng viên tham gia vào xuất bản OA được khen thưởng (không bị trừng phạt) trong quá trình xem xét thăng chức và bổ nhiệm.

Bóc trần những lầm tưởng về truy cập mở

Đối với các giảng viên và người học, Truy cập Mở có thể giống như một thế giới mới đáng sợ, đặc biệt khi áp lực xuất bản đã tăng lên. Có nhiều hướng dẫn để vạch trần những lầm tưởng về xuất bản Truy cập Mở và đọc chúng cẩn thận để xua tan mọi nỗi sợ hãi hoặc hiểu lầm là rất quan trọng trong bối cảnh học thuật hiện tại.

  1. Hướng dẫn thực địa những hiểu lầm về Truy cập Mở” của Peter Suber

  2. Đại học Minnesota “Những hiểu lầm về xuất bản Truy cập Mở.”

  3. Những hiểu lầm dai dẳng về xuất bản khoa học truy cập mở” của Mike Taylor

Các lưu ý cuối cùng

Các trường đại học đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và xuất bản học thuật là một cách quan trọng để giảng viên truyền đạt những phát hiện với đồng nghiệp và công chúng. Với tư cách là người tổ chức tri thức ở các cơ sở, các thủ thư có thể làm việc cùng với các nhà nghiên cứu của trường đại học để thúc đẩy quyền tiếp cận tới thông tin. Họ có thể làm điều này bằng cách giáo dục về “làm thế nào” và “tại sao” về Truy cập Mở, trả lời các câu hỏi về bản quyền và cung cấp hướng dẫn và khuyến nghị để tối đa hóa phạm vi tiếp cận và tác động của xuất bản học thuật trong các lĩnh vực cụ thể.

-----------------------------------------------------------------------

  1. Hiện tại, công cụ Chấm dứt Chuyển giao chỉ bao gồm bản quyền và hợp đồng của nước Mỹ do luật pháp nước Mỹ kiểm soát. Creative Commons đang nỗ lực làm việc để mở rộng công cụ này nhằm cung cấp thông tin và tài nguyên về các điều khoản có hiệu lực tương tự trên khắp thế giới.

  2. SCAE và các phụ lục đang được Creative Commons cập nhật vào năm 2019.

-----------------------------------------------------------------------

Giấy phép và Ghi công

Nội dung được cấp phép CC, Bản gốc

-----------------------------------------------------------------------

Về bài trước ………. Bài tiếp theo ………. Về mục lục.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIÁO DỤC MỞ - TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ: ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay9,605
  • Tháng hiện tại40,645
  • Tổng lượt truy cập7,142,957
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây