5.2 OER, sách giáo khoa mở, và các khóa học mở

Chủ nhật - 26/05/2024 18:56
5.2 OER, sách giáo khoa mở, và các khóa học mở

5.2 OER, Open Textbooks, and Open Courses

Theo: https://certificates.creativecommons.org/cccertedu/chapter/6-2-oer-open-textbooks-open-courses/

Giáo dục mở là một ý tưởng, cũng như một tập hợp nội dung, các thực hành, chính sách, và cộng đồng mà, được tận dụng đúng cách, có thể giúp bất kỳ ai trên thế giới truy cập miễn phí, hiệu quả, các tư liệu học tập mở với chi phí cận biên bằng 0. Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà giáo dục khắp trên thế giới có thể tạo lập, mở, và chia sẻ các tư liệu học tập hiệu quả, chất lượng cao với bất kỳ ai muốn học. Chìa khóa cho sự chuyển đổi này trong học tập là Tài nguyên Giáo dục Mở - OER (Open Educational Resources). OER là các tư liệu giáo dục được chia sẻ miễn phí với các quyền hợp pháp cho công chúng để miễn phí sử dụng, chia sẻ, và xây dựng dựa trên nội dung đó.

OER là có khả năng vì:

  1. tài nguyên giáo dục (hầu hết) là bẩm sinh kỹ thuật số (born digital)[1] và các tài nguyên số có thể được lưu trữ, sao chép, và phân phối với chi phí gần bằng 0;

  2. Internet đơn giản hóa cho công chúng để chia sẻ nội dung số; và

  3. Các giấy phép Creative Commons làm cho đơn giản và hợp pháp giữ lại bản quyền và chia sẻ hợp pháp các tài nguyên giáo dục với thế giới.

Vì chúng ta có thể chia sẻ các tư liệu giáo dục hiệu quả với thế giới với chi phí gần bằng 0, nhiều người lập luận rằng các nhà giáo dục và các chính phủ nào hỗ trợ cho giáo dục công cộng có nghĩa vụ luân lý và đạo đức để làm thế. Lập luận này bắt nguồn từ tiền đề rằng giáo dục về cơ bản là chia sẻ kiến thức và ý tưởng. Creative Commons tin rằng OER sẽ thay thế phần lớn nội dung độc quyền, đắt tiền được sử dụng trong các khóa học hàn lâm. Việc chuyển sang mô hình này sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh tế và lợi ích xã hội công bằng hơn trên toàn cầu mà không làm giảm chất lượng nội dung giáo dục.

Câu hỏi lớn / Vì sao nó lại quan trọng

Có vẻ hợp lý khi giáo dục trong kỷ nguyên Internet phải đắt hơn và kém linh hoạt hơn so với các thế hệ trước? Khi con người và kiến thức ngày càng được kết nối mạng và có sẵn trên trực tuyến, nó sẽ có ý nghĩa gì đối với việc học tập, công việc và xã hội?

Khi các nền kinh tế ngày càng trở nên toàn cầu hóa và kết nối mạng, các kỹ năng và kiến thức cần thiết để có được và giữ được việc làm tốt thành công đòi hỏi phải có giáo dục đại học. Tất cả chính phủ các quốc gia đều đầu tư và đặt ra các mục tiêu chiến lược về cách làm thế nào để hệ thống giáo dục công của họ có thể hỗ trợ cho các cá nhân, gia đình và xã hội rộng lớn hơn.

Trong khi nhiều thí nghiệm thú vị và hữu ích đang diễn ra bên ngoài giáo dục chính quy, thì bằng cấp, chứng chỉ và các bằng cấp khác do các tổ chức chính quy cấp vẫn cực kỳ quan trọng đối với chất lượng cuộc sống của nhiều người trên thế giới.

Tài nguyên Giáo dục Mở: Hệ sinh thái Giáo dục đến với cuộc sống theo cách nguồn mở, CC BY-SA 2.0

Như đã lưu ý, giáo dục chính quy, ngay cả trong kỷ nguyên Internet, có thể đắt hơn và kém linh hoạt hơn bao giờ hết. Ở nhiều nước, các nhà xuất bản tài liệu giáo dục tính giá quá cao cho sách giáo khoa và các tài nguyên khác. Như một phần của quá trình chuyển đổi từ bản in sang bản kỹ thuật số, các công ty này phần lớn đã chuyển từ mô hình nơi người học mua và sở hữu sách sang mô hình “trực tuyến” nơi họ có quyền truy cập trong một thời gian giới hạn.

Hơn nữa, các nhà xuất bản không ngừng phát triển các công nghệ hạn chế nhằm hạn chế những gì người học và giảng viên có thể làm với các tài nguyên mà họ có quyền truy cập tạm thời, bao gồm việc phát minh ra những cách mới để cấm in, ngăn chặn việc cắt và dán cũng như hạn chế việc chia sẻ tài liệu giữa bạn bè.

Kết quả học tập

  • Định nghĩa “mở” trong bối cảnh tài nguyên giáo dục mở (OER)

  • Phân biệt giữa OER, sách giáo khoa mở, khóa học mở và các khóa học trực tuyến mở đại chúng – MOOCs (Massive Open Online Courses)

Suy ngẫm cá nhân/Tại sao điều đó lại quan trọng với bạn

Việc chi phí tăng cao và tính linh hoạt giảm sút của tài liệu giáo dục có tác động gì đến bạn và những người bạn biết? Bạn tưởng tượng vai trò của luật bản quyền và các luật liên quan giữ lại tất cả các quyền trong việc tăng chi phí và giảm tính linh hoạt cho người học và giáo viên là gì?

Có được kiến thức cơ bản

OER và Sách giáo khoa Mở

Để bắt đầu, hãy xem video này: Vì sao OER? (thời lượng 03:48)

Video: Vì sao OER? https://www.youtube.com/watch?v=qc2ovlU9Ndk

Hội đồng Giám đốc Trường học của Bang, CC BY 4.0. Âm nhạc của The Zeppelin by Blue Dot Sessions, CC BY NC 4.0.

Tài nguyên Giáo dục Mở (OER) là các tư liệu dạy, học và nghiên cứu, hoặc (a) thuộc phạm vi công cộng hoặc (b) được cấp phép theo cách cung cấp cho mọi người quyền miễn phí và vĩnh viễn để tham gia vào các hoạt động 5R (giữ lại, sử dụng lại, sửa lại, phối lại, phân phối lại).[2]

Hoặc bạn có thể sử dụng định nghĩa ít kỹ thuật hơn này để mô tả OER cho vài người:

OER là các tư liệu giáo dục có thể được miễn phí để tải về, sửa đổi, và chia sẻ để phục vụ tốt hơn cho tất cả các sinh viên.[3]

Tương phản với các tư liệu giáo dục truyền thống luôn trở nên đắt giá hơn và ít linh hoạt hơn, OER cung cấp cho bất kỳ ai, ở bất cứ đâu, sự cho phép miễn phí để tải xuống, sửa, và chia sẻ chúng với những người khác. David Wiley cung cấp một định nghĩa phổ biến khác, nêu rằng chỉ các tư liệu giáo dục được cấp phép theo cách thức cung cấp cho công chúng quyền để tham gia vào các hoạt động 5R mới có thể được coi là OER.

5R bao gồm:

  1. Retain - Giữ lại: quyền để tạo lập, sở hữu, và kiểm soát các bản sao nội dung (ví dụ, tải xuống, đúp bản, lưu trữ, và quản lý)

  2. Reuse - Sử dụng lại: quyền để sử dụng nội dung theo một loạt cách thức (ví dụ, trong lớp học, trong nhóm học tập, trên một website, trong một video)

  3. Revise - Sửa lại: quyền để tùy chỉnh, tinh chỉnh, sửa đổi, hoặc điều chỉnh bản thân nội dung đó (ví dụ, dịch nội dung sang một ngôn ngữ khác)

  4. Remix - Phối lại: quyền để kết hợp nội dung gốc hoặc được sửa đổi với một tư liệu khác để tạo ra thứ gì đó mới (ví dụ, kết hợp nội dung trong một bản kết hợp)

  5. Redistribute - Phân phối lại: quyền để chia sẻ các bản sao nội dung gốc, các bản sửa lại của bạn, hoặc các bản phối lại của bạn với những người khác (ví dụ, gửi một bản sao cho bạn)

Cách dễ nhất để khẳng định rằng một tài nguyên giáo dục là tài nguyên giáo dục *mở* và cung cấp cho bạn với sự cho phép 5R là xác định rằng tài nguyên đó hoặc nằm trong phạm vi công cộng hoặc đã được cấp phép theo một giấy phép hoặc công cụ Creative Commons cho phép tạo ra các tác phẩm phái sinh – CC0, – CC BY, CC BY-SA, CC BY-NC, hoặc CC BY-NC-SA. Chúng tôi đã không đưa Dấu Phạm vi Công cộng (Public Domain Mark) vào danh sách này, chỉ vì một tài nguyên được gắn nhãn như vậy ở quốc gia này có thể không thuộc về phạm vi công cộng ở quốc gia khác. Như được mô tả trong Bài 3, Dấu Phạm vi Công cộng không có hiệu ứng pháp lý. Ngoài ra, chúng tôi không đưa 2 giấy phép với các hạn chế ND vào, vì chúng không cho phép phối lại.

OER có đủ hình dạng và kích cỡ. Một ví dụ về OER có thể nhỏ như một video hoặc mô phỏng đơn lẻ và có thể lớn như toàn bộ chương trình cấp bằng. Có thể khó khăn, hoặc ít nhất tốn thời gian cho các giáo viên để tập hợp OER thành một bộ sưu tập đủ toàn diện để thay thế một sách giáo khoa theo bản quyền tất cả các quyền được giữ lại (All Rights Reserved). Vì lý do này, OER thường được thu thập và trình bày theo cách giống với sách giáo khoa truyền thống để làm cho chúng dễ dàng hơn cho các giảng viên hiểu và áp dụng.

Thuật ngữ “sách giáo khoa mở” đơn giản có nghĩa là một bộ sưu tập OER đã được tổ chức trông giống như sách giáo khoa truyền thống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng.[4] Để xem các ví dụ về sách giáo khoa mở trong một số ngành, hãy truy cập OpenStax, Thư viện Sách giáo khoa Mở (Open Textbook Library) hoặc Giáo dục Mở BCcampus (BCcampus Open Education).

Những lúc khác, OER được tổng hợp và trình bày dưới dạng các chương trình học kỹ thuật số (digital courseware). Để xem các ví dụ về chương trình học mở, hãy truy cập Hội đoàn Giáo dục Mở (Open Education Consortium), ProEVA tại Đại học Cộng hòa Uruguay (UDELAR), hoặc MIT OCW.

Ngoài việc chứng minh rằng người học tiết kiệm tiền khi giáo viên của họ áp dụng OER, nghiên cứu chỉ ra rằng người học có thể đạt được kết quả tốt hơn khi giáo viên của họ chọn OER thay vì các tài liệu giáo dục có sẵn theo bản quyền tất cả các quyền được giữ lại (All Rights Reserved).

Ý tưởng về OER được ủng hộ mạnh mẽ bởi nhiều cá nhân, tổ chức và chính phủ, được chứng minh bằng các tài liệu như Tuyên bố Giáo dục Mở Cape Town (2007) và Cape Town +10 (2017), Tuyên bố Paris OER của UNESCO (2012) , Kế hoạch hành động OER Ljubljana của UNESCO (2017) và Khuyến nghị OER của UNESCO (2019).

Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa OER và Truy cập Mở (cũng như các tác phẩm Văn hóa Tự do), hãy đọc “Làm rõ các Tác phẩm Văn hóa Tự do, Tài nguyên Giáo dục Mở và Truy cập Mở”, nó chia sẻ đồ họa thông tin sau.

Làm rõ các Tác phẩm Văn hóa Tự do, Tài nguyên Giáo dục Mở và Truy cập Mở, của Paul G. West, Phiên bản 4 tháng 5 năm 2021, CC-BY 4.0

OER so với Tài nguyên thư viện miễn phí (Free Library Resources)

Các giáo viên và giáo sư thường sử dụng sự kết hợp nội dung thương mại tất cả các quyền được giữ lại (All Rights Reserved), tài nguyên thư viện miễn phí và OER trong các khóa học của họ. Mặc dù tài nguyên thư viện là “miễn phí” đối với người học và giảng viên tại cơ sở đó, nhưng chúng (a) không “miễn phí” vì thư viện của cơ sở phải trả tiền để mua hoặc đăng ký thuê bao để sử dụng chúng, và (b) không được cung cấp cho công chúng nói chung. Biểu đồ này mô tả chi phí đối với người học và các quyền hợp pháp sẵn có dành cho giáo viên và người học đối với từng loại tài nguyên giáo dục này.

David Wiley. Slide. CC BY 4.0

OER ở trường Tiểu học/Trung học (K-12) so với sau Trung học (Giáo dục Đại học)

OER được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, cách OER được sản xuất và áp dụng thường khác nhau tùy thuộc vào trình độ học vấn nơi bạn làm việc.

Nói chung, giảng viên đại học (giáo dục đại học) có khả năng nhiều hơn để:

  • có thời gian, nguồn lực và hỗ trợ để sản xuất và sửa đổi tài nguyên giáo dục,

  • sở hữu bản quyền đối với nội dung họ tạo ra (mặc dù điều đó phụ thuộc vào hợp đồng của họ với trường cao đẳng/đại học) và

  • đưa ra các quyết định đơn phương (xem quyền tự do học thuật) về nội dung nào được sử dụng trong các khóa học của họ.

Như vậy, các giảng viên sau trung học (giáo dục đại học) thường là các nhà sản xuất OER và có thể quyết định có áp dụng OER trong các khóa học của họ hay không. Việc áp dụng OER ở bậc sau trung học (giáo dục đại học) có xu hướng xảy ra với một giảng viên tại một thời điểm. Với cơ hội này, điều quan trọng là các giảng viên phải được cung cấp thời gian, nguồn lực và hỗ trợ cho việc sáng tạo và áp dụng nội dung giáo dục mở và chuyển sang phương pháp sư phạm/thực hành giáo dục mở. Ví dụ: Các giảng viên British Columbia đã viết Sách giáo khoa mở

Nhìn chung, giáo viên tiểu học/trung học (K-12) có khả năng ít hơn để:

  • có thời gian, nguồn lực và hỗ trợ để sản xuất và sửa đổi tài nguyên giáo dục,

  • sở hữu bản quyền đối với nội dung họ tạo ra (mặc dù điều đó phụ thuộc vào hợp đồng của họ với trường học/khu trường học) và

  • đưa ra quyết định đơn phương về nội dung nào được sử dụng trong chương trình giảng dạy của họ.

Như vậy, việc áp dụng OER ở các trường tiểu học và trung học (K-12) có xu hướng xảy ra ở khu trường hoặc trường học, hơn là ở cấp độ cá nhân giáo viên. Ví dụ: Chính sách mở trong các trường học ở New Zealand

Tài nguyên Giáo dục Mở (rất ngắn gọn theo dòng thời gian)

Mặc dù không có đủ chỗ trong Chứng chỉ này nhưng nó đưa ra một cái nhìn tổng quan toàn diện về “Lịch sử Giáo dục Mở”, dưới đây là một số sự kiện có tính bước ngoặt đã góp phần vào sự phát triển của phong trào giáo dục mở. (Nếu bạn biết thêm các sự kiện quan trọng cần đưa vào, vui lòng cho chúng tôi biết và chúng tôi sẽ cập nhật dòng thời gian. Cảm ơn!)

Các lưu ý cuối cùng

OER, dù được tổ chức dưới dạng sách giáo khoa mở hay chương trình học mở, đều cung cấp cho giáo viên, người học và những người khác phạm vi quyền rộng rãi giúp giáo dục có giá cả phải chăng hơn và linh hoạt hơn. Những quyền này cũng cho phép thử nghiệm và đổi mới nhanh chóng, chi phí thấp khi các nhà giáo dục tìm cách tối đa hóa quyền tiếp cận các tài nguyên giáo dục hiệu quả cho tất cả mọi người.

-----------------------------------------------------------------------

  1. Hầu hết OER đều là “bẩm sinh” kỹ thuật số, mặc dù OER có thể được cung cấp cho người học ở cả định dạng kỹ thuật số và in ấn. Tất nhiên, OER kỹ thuật số dễ chia sẻ, sửa đổi và phân phối lại hơn, nhưng tính kỹ thuật số không phải là điều tạo nên thứ gì đó có là OER hay không.

  2. Xem trang Giáo dục Mở của CC.

  3. Được soạn thảo bởi OER Communications: một liên minh những người ủng hộ giáo dục mở ở Bắc Mỹ làm việc về truyền thông OER: oer-comms@googlegroups.com

  4. Lưu ý: sách giáo khoa mở có thể được cấp phép với hạn chế ND, nhưng trong những trường hợp đó, chúng không được sửa đổi hoặc phối lại mà không có sự cho phép của chủ sở hữu về sở hữu trí tuệ. Đây không phải là OER.

-----------------------------------------------------------------------

Giấy phép và Ghi công

Nội dung được cấp phép CC, Bản gốc

-----------------------------------------------------------------------

Về bài trước ………. Bài tiếp theo ………. Về mục lục.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIÁO DỤC MỞ - TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ: ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay10,555
  • Tháng hiện tại143,292
  • Tổng lượt truy cập7,021,321
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây