CHUYỂN ĐỔI SỐ: CÁCH TIẾP CẬN MỚI VỀ MỞ

Chủ nhật - 30/08/2020 19:33
CHUYỂN ĐỔI SỐ: CÁCH TIẾP CẬN MỚI VỀ MỞ
(Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng số 16, xuất bản ngày 20/08/2020, các trang 8-12. Phiên bản điện tử xuất bản ngày 27/08/2020 có tại địa chỉ: https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Chuyen-doi-so-Cach-tiep-can-moi-ve-mo-25459)
Nội dung bài viết được trích dẫn một phần từ tài liệu được trình bày tại Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông” do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 04/08/2020 tại Hà Nội)

Để có một cuộc đồng hành an toàn và thành công từ chính quyền điện tử tới chuyển đổi số, chính phủ số, dữ liệu chia sẻ và chính phủ mở, chúng ta có thể sẽ cần tới cách tiếp cận rất khác với cách tiếp cận truyền thống. Tuy vậy trong các quy định và tài liệu hướng dẫn từ trước đến nay của Việt Nam lại đề cập tới rất ít đến cách tiếp cận này.
A. HIỂU ĐÚNG VỀ MỞ TRONG THỜI ĐẠI CHUYỂN ĐỔI SỐ
Chúng ta có thể hiểu triết lý của MỞ là:
Tôi có một quả táo, bạn có một quả táo, chúng ta trao đổi cho nhau và mỗi người chúng ta vẫn có một quả táo. Tôi có một ý tưởng, bạn có một ý tưởng, chúng ta trao đổi cho nhau và mỗi người chúng ta có hai ý tưởng”.
Đây là nguyên lý cộng lực để phát triển!
Quả táo là hiện thân của HỮU HÌNH, giống như mảnh đất, ngôi nhà, mỏ dầu, hòn đảo...
Ý tưởng là hiện thân của VÔ HÌNH, giống như phần mềm, nội dung số, dữ liệu số…

Nguyên lý cộng lực chỉ phát triển được với hai điều kiện cùng tồn tại là MỞ và VÔ HÌNH, bởi có VÔ HÌNH mà ĐÓNG thì cũng không đem lại giá trị vì không có chia sẻ, và vì thế, không thể mỗi người có hai ý tưởng được.
Các tài nguyên HỮU HÌNH là các tài nguyên có xu hướng ngày một khan hiếm, ngày một cạn kiệt. Ngược lại, các tài nguyên VÔ HÌNH là các tài nguyên có xu hướng thừa thãi và ngày càng thừa thãi.
Nhìn vào các mô hình kinh doanh truyền thống, chúng ta thấy nổi bật lên một điều là chúng phát triển dựa vào sự khan hiếm tài nguyên để kiếm được càng nhiều lợi nhuận càng tốt, trong khi các mô hình kinh doanh của MỞ dựa vào các tài nguyên vô hình ở dạng số ngày càng được nhân lên khi chuyển đổi số được tiến hành hàng loạt ở Việt Nam.
Người Việt Nam có câu “tiền nào của nấy”, nhưng quan điểm này chỉ đúng với tài nguyên HỮU HÌNH và trong nhiều trường hợp lại rất sai với tài nguyên VÔ HÌNH. Chúng ta hãy nhìn vào thực tế của hai nền tảng số là Google và Facebook và thử đặt câu hỏi “vì sao không ai phải trả tiền trong số khoảng 60 triệu người Việt Nam đang sử dụng các ứng dụng, dịch vụ của họ?” Hầu như ai cũng thấy là những dịch vụ đó là có chất lượng, tốt, khó bỏ một khi đã sử dụng. Nhưng vì sao không thu phí người dùng mà Google và Facebook lại giàu đến thế?
Câu trả lời là hầu hết các mô hình kinh doanh của thế giới nguồn mở mà Google và Facebook sử dụng là dựa vào doanh thu từ các dịch vụ xung quanh các sản phẩm của chung cộng đồng chứ không dựa vào việc bán trực tiếp các sản phẩm của chung cộng đồng đó. Chuyển đổi số sẽ tạo ra dữ liệu dạng số và dữ liệu mở chính là dữ liệu dạng số mở, hay nói cách khác thì chuyển đổi số sẽ tạo ra những tài nguyên VÔ HÌNH.
Đi với MỞ, không có nghĩa là bạn muốn làm gì thì làm vì MỞ có các nguyên tắc của nó, bao gồm cả mô hình phát triển, mô hình cấp phép, mô hình kinh doanh, mô hình xây dựng và quản lý cộng đồng… và gần đây, nó thường được gắn với mô hình phát triển bền vững. MỞ bắt nguồn từ phong trào phần mềm tự do từ những năm 1980, sau đó là phần mềm nguồn mở từ năm 1998. Triết lý của chúng là nền tảng cho các khái niệm mở khác, xuất hiện vào đầu thế kỷ 21 như phần cứng mở (phần cứng nguồn mở), học liệu mở, giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở, truy cập mở, dữ liệu mở và khoa học mở .v.v. Bắt nguồn từ phần mềm, MỞ bây giờ đã lan sang nhiều lĩnh vực khác của xã hội.
Câu chuyện phát triển ứng dụng Bluezone hỗ trợ truy vết người nhiễm Covid-19 trong thời gian qua là bằng chứng cho thấy rất nhiều người ở Việt Nam hầu như không biết và không hiểu về các mô hình nêu trên của nguồn mở, kể cả các lập trình viên phần mềm chuyên nghiệp.
Một khi bạn dựa vào các sản phẩm của các cộng đồng nguồn mở trên thế giới để tùy biến thích nghi, sửa đổi hoặc phát triển tiếp, thì bạn cần tuân thủ các điều khoản, điều kiện của các giấy phép được gắn vào các phần mềm gốc ban đầu đó, và nhớ phải thừa nhận nhận ghi công các tác giả và/hoặc cộng đồng nguồn mở, những người đã bỏ nhiều công sức ra để tạo ra phần mềm gốc ban đầu đó. Đối với thế giới nguồn mở, nếu bạn sử dụng những gì không phải bạn làm ra thì bạn có bổn phận bắt buộc phải thừa nhận ghi công (các) tác giả; không thừa nhận ghi công tác giả đồng nghĩa với ăn cắp. Một khi bạn phát triển phần mềm dựa vào phần mềm nguồn mở gốc ban đầu của thế giới, thì nhiều nhất nếu có, bạn chỉ sở hữu những dòng mã lệnh bạn đóng góp cho chương trình phần mềm nguồn mở đó - điều có thể đi với mong muốn “Make in Vietnam” của bạn, chứ bạn không sở hữu nó toàn bộ. Chương trình phần mềm đó thường là sở hữu của cộng đồng, trong đó có bạn.
Trong đại dịch COVID, thế giới đã chứng kiến sự tham gia của các cộng đồng MỞ trong phong trào COVID MỞ với vô số các dự án phần mềm nguồn mở, phần cứng nguồn mở, truy cập mở tới các tài liệu và dữ liệu nghiên cứu để cứu người, không để hệ thống sở hữu trí tuệ khắt khe do chính con người tạo ra trở thành vũ khí giết người hàng loạt.

B. DỮ LIỆU MỞ Ở VIỆT NAM
Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/04/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, là một văn bản được chờ đón từ lâu và đánh dấu một bước tiến tích cực trong chương trình chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam. Văn bản đề cập tới khái niệm Dữ liệu Mở, với ý định thiết lập nền tảng cho Chính phủ mở. Tuy nhiên, làm thế nào chúng ta có được dữ liệu mở nếu dữ liệu đó không được cấp phép mở? Làm thế nào các doanh nghiệp, các công ty khởi nghiệp có thể đổi mới sáng tạo dựa vào các ‘dữ liệu mở’ đó và đưa chúng vào các ứng dụng hoặc dịch vụ của họ để tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội nếu các ‘dữ liệu mở’ đó chỉ có thể được sử dụng “nguyên trạng như được công bố”? Những điều này là rất khác với khái niệm Dữ liệu Mở mà thế giới thừa nhận, ứng dụng và phát triển.
Việc hình thành bộ mã bưu chính đến địa chỉ để hỗ trợ cho thương mại điện tử và kinh tế số là rất cần thiết nhưng có lẽ là chưa đủ, mà có lẽ Việt Nam còn cần xây dựng tài liệu mã định danh các đối tượng số thống nhất - URI (Uniform Resource Identifier) (Ví dụ: tài liệu URI của Vương quốc Anh phiên bản 4.5 năm 2016, và ở châu Âu, từng quốc gia đều có tài liệu URI của quốc gia mình) để phát triển dữ liệu liên kết, làm nền tảng cho các công nghệ thời thượng như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet của vạn vật (IoT), hay dữ liệu lớn, điều mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều đang ứng dụng và phát triển, hoặc theo đề xuất của người phát minh ra Web - Tim Berners – Lee về lược đồ tiêu chuẩn 5 sao của dữ liệu mở liên kết (Linked Open Data), hoặc theo các nguyên tắc dữ liệu FAIR (Tìm thấy được, Truy cập được, Tương hợp được, Sử dụng lại được - Findable, Accessible, Interoperable, Reusable). Không có những thứ này, CMCN4 của Việt Nam rất có thể chỉ là cuộc chơi của một số công ty với vài đồ nhập khẩu dựa vào các công nghệ và URI của nước ngoài. Điều đáng tiếc là các tài liệu hướng dẫn của Việt Nam chưa thấy nêu về những điều này.

Chúng ta cũng thấy có một số tín hiệu tích cực: các dịch vụ công trực tuyến của chính phủ đã bắt đầu sử dụng các hệ thống được xây dựng từ các phần mềm tự do nguồn mở ở một số tỉnh – bộ – ngành, như của OpenCPS hay gần đây nhất là Comeet do một nhóm các công ty phát triển dựa trên phần mềm nguồn mở video conferencing nổi tiếng Jitsi Meet. Dẫu vậy, con số các dự án nguồn mở ở Việt Nam là quá ít và quá nhỏ bé, nếu so sánh với gần 9 tỷ tệp mã nguồn phần mềm trong hơn 135 triệu dự án được chia sẻ tự do không mất tiền trên thế giới theo thống kê của Software Heritage. Cộng đồng nguồn mở Việt Nam có thể dựa vào đó để tham gia phát triển cùng và không tách rời khỏi các cộng đồng phần mềm nguồn mở thế giới, phù hợp với đường lối “Make in Vietnam”, hướng tới làm chủ công nghệ, đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin cho Việt Nam, cũng như các nhu cầu phục vụ cho Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến .v.v. hay cho hầu như bất kỳ khía cạnh nào của CNTT-TT của Việt Nam bây giờ và trong tương lai để phục vụ cho “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

C. GIÁO DỤC TRONG THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Chia sẻ tại tọa đàm “Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức” diễn ra chiều 03/07/2020 trong khuôn khổ Chương trình gặp gỡ ICT 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, một trong những quan điểm thể hiện xuyên suốt trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia là lấy người dân làm trung tâm. “Cụ thể, trong 8 lĩnh vực, xác định lĩnh vực đầu tiên là Y tế; sau đó đến Giáo dục; tiếp đến là Tài chính – Ngân hàng; Nông nghiệp; Giao thông vận tải và Logistics; Năng lượng; Tài nguyên và Môi trường; Sản xuất công nghiệp”. Còn theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, “chuyển đổi số liên quan đến cách mạng toàn dân, mà toàn dân bắt buộc phải đi từ đào tạo, vì thế các hội, hiệp hội lĩnh vực ICT cần chung tay vào làm”.
Cả 2 nhận định trên đều có chung 1 điểm: Để chương trình chuyển đổi số thành công, giáo dục toàn dân về chuyển đổi số là ưu tiên cao nhất hoặc nhì. Như phần trên đã nêu, chuyển đổi số tạo ra những tài nguyên VÔ HÌNH dạng kỹ thuật số, và nguyên tắc cộng lực chỉ thành công với điều kiện VÔ HÌNH và MỞ đi với nhau. Vậy MỞ trong giáo dục có ở Việt Nam?
Cả Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hay Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 đều khẳng định hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam là hệ thống giáo dục mở và “Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời”.
Nền tảng của Giáo dục Mở là Tài nguyên Giáo dục Mở - OER (Open Educational Resources), vốn được UNESCO định nghĩa:
  • Là các tư liệu dạy, học và nghiên cứu ở bất kỳ định dạng và phương tiện nào mà nằm trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền đã được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác không mất chi phí để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại.
  • Giấy phép mở tham chiếu tới giấy phép tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ của người nắm giữ bản quyền và đưa ra sự cho phép trao cho công chúng các quyền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại các tư liệu giáo dục.
UNESCO khuyến cáo các quốc gia đầu tư vào 5 khía cạnh mục tiêu để phát triển TNGDM: (1) Xây dựng năng lực của các bên tham gia đóng góp để tạo lập, truy cập, sử dụng, tùy biến thích nghi và tái phân phối TNGDM; (2) Phát triển chính sách hỗ trợ TNGDM; (3) Truy cập hiệu quả và bình đẳng tới TNGDM chất lượng; (4) Nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM; (5) Thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế về TNGDM.
Theo thống kê của tổ chức Creative Commons, tính tới hết năm 2017, trên thế giới có hơn 1,4 tỷ các tài nguyên được cấp phép mở Creative Commons, 85% trong số đó là các TNGDM, cho phép bất kỳ ai truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại. Điều đáng tiếc là, hầu như không có TNGDM bằng tiếng Việt, dù dân số Việt Nam gần 100 triệu người và xếp hạng thứ 13 trên thế giới.
Các TNGDM được nêu ở trên là đủ các dạng nội dung như văn bản (sách, sách giáo khoa, tạp chí, khóa học, bao gồm vô số các tập hợp dữ liệu mở .v.v.), hình ảnh, âm thanh, video. Một vài trong số chúng, dù có gốc là tiếng Anh, còn được dịch sang nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Có những nội dung, ví dụ như các mô phỏng tương tác được dịch sang 93 ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Việt, với cả phần lý thuyết, các thí nghiệm và các trò chơi đi kèm, có thể trở thành tiêu chuẩn cho cả thế giới để học, vì nó giúp cho mọi người thoát khỏi tình trạng dạy chay, học chay được cho là phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Có lẽ đây vừa là cơ hội và cũng là thách thức lớn, đặc biệt cho các giảng viên và cơ sở giáo dục mọi cấp ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, có vài chục triệu video tiếng nước ngoài, là các TNGDM, dạy về một vấn đề nào đó rất thiết thực và cần thiết cho hơn 90% dân số Việt Nam không học đại học hoặc học tập suốt đời từ độ tuổi 15 trở lên để có thể có một nghề nào đó để sống và làm việc nếu các video tiếng nước ngoài đó được biến thành các video lồng tiếng Việt vì ai cũng có quyền để sửa đổi chúng, thậm chí trong nhiều trường hợp được phép sử dụng chúng cho các mục đích thương mại, miễn là tuân thủ với các điều khoản và điều kiện của giấy phép mở được gắn vào từng video đó. Sẽ rất lãng phí nếu giáo dục Việt Nam không khai thác kho tài nguyên khổng lồ và hữu ích này.
TNGDM đem lại nhiều lợi ích, trong đó lợi ích lớn nhất là khuyến khích khả năng sáng tạo của cả giảng viên và sinh viên dựa vào các TNGDM có sẵn rồi để tạo ra tri thức mới, chứ không đơn giản là những người sử dụng tri thức một cách thụ động. Với Việt Nam, nó sẽ giúp để tiếp cận được kho tri thức khổng lồ của thế giới với giá tiền thấp nhất có thể, không giới hạn số người truy cập và sử dụng chúng. Khi có được tri thức, bạn mới có khả năng để đào sâu tri thức và sau đó tạo ra các tri thức mới - bằng cách này Việt Nam mới có khả năng để tiếp cận và triển khai thành công CMCN4.

D. NHỮNG GIẢI PHÁP MỞ
Cấp phép mở là một trong những điều kiện tiên quyết để dữ liệu trở thành dữ liệu mở, cũng là điều kiện tiên quyết để một tài nguyên được gọi là TNGDM. Điều đáng tiếc là cấp phép mở không được dạy hầu như trong bất kỳ cơ sở giáo dục nào ở Việt Nam ở tất cả các mức học. Bạn không thể đi với MỞ mà lại không biết cơ sở pháp lý của MỞ, thường được nêu qua các hệ thống giấy phép MỞ. Một trong vài gợi ý cụ thể cho giáo dục Việt Nam được nêu nhân Phiên họp thứ 2/2020 của Tiểu ban GDTX&HTSĐ diễn ra vào ngày 16/07/2020 do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức tại trụ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo là: “Đề nghị đưa môn học ‘Cơ bản về TNGDM’ với nội dung cấp phép mở như là một môn học bắt buộc và có tín chỉ vào trong tất cả các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam, đặc biệt là vào trong các trường đại học và cao đẳng trong hệ thống các trường sư phạm, cũng như trong toàn bộ mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) - đặc biệt ở các cấp trung ương và tỉnh thành”.

Từ cuối năm 2017 cho tới thời điểm hết tháng 07/2020, Ban Tư vấn phát triển Giáo dục Mở (OEDAB) của Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam (AVU&C) có lẽ là nơi duy nhất ở Việt Nam cung cấp các khóa thực hành khai thác TNGDM với các nội dung cả lý thuyết và thực hành, cả theo phương thức mặt đối mặt và trên trực tuyến, cho gần 1.000 học viên là các cán bộ, giảng viên của hơn 100 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam, một con số rất nhỏ so với 1,5 triệu giảng viên và 23 triệu sinh viên trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam, những người thực sự cần biết và khai thác TNGDM.
Điều tương tự cũng đang diễn ra đối với các khía cạnh quan trọng không thể thiếu khác của MỞ, như được nêu ở phần đầu của góp ý này, như triết lý, mô hình phát triển, mô hình cấp phép, mô hình kinh doanh, mô hình xây dựng và quản lý cộng đồng… nghĩa là, hầu như không cơ sở giáo dục nào ở Việt Nam ở mọi cấp học dạy về những mô hình của MỞ. Lưu ý là để triển khai các mô hình của MỞ như được nêu ở đây, sẽ có những xung đột với các luật, quy định hiện hành trong nhiều lĩnh vực như khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục .v.v., và chắc chắn, cả thông tin và truyền thông nữa.
Giải quyết được rốt ráo các vấn đề của MỞ phải là vấn đề chung của các bộ, ngành. Một ví dụ dễ thấy là để phát triển TNGDM thì trước hết cần tới khung cấp phép mở, trong khi khung cấp phép mở chắc chắn sẽ liên quan tới bản quyền/các quyền sở hữu trí tuệ, nhiều bộ Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác - là các vấn đề Bộ GD&ĐT hoặc Bộ TT&TT không thể một mình giải quyết, nếu không có sự vào cuộc của các bộ và cơ quan khác như Bộ KH&CN, Bộ VHTTDL, Bộ Tư pháp và Quốc hội, trong đó có Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Giáo dục Mở và TNGDM có khả năng giúp đào tạo ra nhân lực cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam ở hầu hết mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực thông tin và truyền thông ở cả các khía cạnh đặc thù và quan trọng như đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin của Việt Nam trong tương lai, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc vào các sản phẩm ngoại cũng như có khả năng giúp cho “Make in Vietnam” trở thành hiện thực.
Cùng với các khía cạnh khác của MỞ như Truy cập Mở, Dữ liệu Mở và Khoa học Mở .v.v., chúng tạo nên những thay đổi căn bản và tận gốc nhiều lĩnh vực của xã hội, phù hợp với xu thế của thế giới, với đường lối xây dựng hệ thống Giáo dục Mở của Việt Nam. Đây cũng là sự thay đổi về văn hóa của cả xã hội Việt Nam, từ văn hóa “tiền nào của nấy” thường chỉ đúng với những tài nguyên HỮU HÌNH theo truyền thống hàng ngàn năm nay, sang văn hóa “chia sẻ ý tưởng” với nguyên tắc cộng lực để phát triển với các tài nguyên của thế giới MỞ và VÔ HÌNH - thế giới số từ nay trở đi. Đây chắc chắn là một con đường dài, rất dài và khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và nhất quán trong tầm nhìn phát triển quốc gia trong dài hạn, chứ không phải theo nhiệm kỳ, nay thế này mai thế khác.
Đây là sự thay đổi tận gốc!

Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế
Lê Trung Nghĩa
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIÁO DỤC MỞ - TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ: ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay10,519
  • Tháng hiện tại142,850
  • Tổng lượt truy cập7,020,879
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây