Khung năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở - công cụ giúp nâng cao vai trò của Giáo dục Mở trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời

Thứ ba - 31/10/2023 21:09
Khung năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở - công cụ giúp nâng cao vai trò của Giáo dục Mở trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời

 

Open Educational Resources Competency Framework - a tool to help enhance the role of Open Education in building a learning society, lifelong learning

***

Tóm tắt: Tài nguyên giáo dục mở là nền tảng của giáo dục mở. Vai trò của giáo dục mở trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời sẽ được nâng cao khi mọi công dân trong xã hội đều có cơ hội giành được các năng lực tài nguyên giáo dục mở. Khung năng lực tài nguyên giáo dục mở là công cụ giúp giải quyết vấn đề này.

Các từ khóa: giáo dục mở (GDM), tài nguyên giáo dục mở (TNGDM), khung năng lực tài nguyên giáo dục mở (KNL TNGDM), xã hội học tập, học tập suốt đời.

Abstract: Open educational resources are the foundation of open education. The role of open education in building a learning society, lifelong learning will be enhanced when every citizen in society has the opportunity to acquire open educational resource competencies. The Open Educational Resource Competence Framework is a tool to help address this issue.

Keywords: open education (OE), open educational resources (OER), open educational resource competence framework, learning society, lifelong learning.

1. Đặt vấn đề

Giáo dục Mở (GDM) là gì, gồm những thành phần nào và vì sao nó có thể có vai trò trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Liệu có công cụ sẵn có nào đã được phát triển trên thế giới để có thể dựa vào đó mà tùy chỉnh nhằm giúp nhanh chóng và hiệu quả trong việc nâng cao vai trò của GDM trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hay không?

2. Cơ sở lý luận

Tuyên bố GDM Cape Town 2007 và định nghĩa GDM của Liên minh Xuất bản Học thuật và Tài nguyên Hàn lâm - SPARC (Scholarly Publishing and Academic Resources Coalition) đều khẳng định TNGDM là nền tảng của GDM.

Vào năm 2007, những người ủng hộ Giáo dục Mở (GDM)/Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM) trên thế giới đã nhóm họp tại Cape Town, Nam Phi, và đã đưa ra Tuyên bố Giáo dục Mở Cape Town 2007[1], đánh dấu một trong những cột mốc quan trọng nhất trong chương trình nghị sự quốc tế của GDM và TNGDM.

Tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ GDM/TNGDM, khuyến khích các nhà giáo dục và những người học trở thành những người tham gia tích cực trong phong trào GDM và kêu gọi tất cả các bên tham gia đóng góp phát triển các tài nguyên giáo dục và phát hành chúng như là TNGDM.

Tuyên bố nêu: GDM không có giới hạn chỉ cho TNGDM. Nó cũng dựa vào các công nghệ mở để tạo thuận lợi cho học tập cộng tác, mềm dẻo và chia sẻ mở các thực hành dạy học để trao quyền cho các nhà giáo dục nhằm hưởng lợi từ những ý tưởng tốt nhất từ các đồng nghiệp của họ. Nó có thể cũng phát triển để bao gồm cả các cách tiếp cận mới về đánh giá, công nhận và học tập cộng tác.

Tuyên bố đưa ra 3 chiến lược nhằm gia tăng sự vươn tới và tác động của TNGDM:

  1. Các nhà giáo dục và những người học: Trước hết, chúng tôi khuyến khích các nhà giáo dục và những người học tích cực tham gia vào phong trào giáo dục mở đang nổi lên. Việc tham gia bao gồm: tạo lập, sử dụng, tùy biến thích nghi và cải thiện tài nguyên giáo dục mở; ôm lấy các thực hành giáo dục mở được xây dựng xung quanh sự cộng tác, phát hiện và tạo lập tri thức; và mời các bạn ngang hàng và các đồng nghiệp cùng tham gia vào. Việc tạo lập và sử dụng các tài nguyên mở nên được coi là phần không thể thiếu đối với giáo dục và nên được hỗ trợ và thưởng tương xứng.

  2. Tài nguyên giáo dục mở: Thứ hai, chúng tôi kêu gọi các nhà giáo dục, tác giả, nhà xuất bản và các cơ sở phát hành mở các tài nguyên của họ. Các tài nguyên giáo dục mở đó nên được chia sẻ tự do qua các giấy phép mở để tạo thuận lợi cho bất kỳ ai để sử dụng, tùy chỉnh, dịch, cải tiến và chia sẻ. Các tài nguyên nên được xuất bản ở các định dạng tạo thuận lợi cho sử dụng và soạn sửa, và thích nghi được với sự đa dạng các nền tảng kỹ thuật. Bất kỳ khi nào có thể, chúng cũng nên là sẵn sàng ở các định dạng sao cho những người khuyết tật và những người còn chưa có sự truy cập tới Internet cũng truy cập được.

  3. Chính sách giáo dục mở: Thứ ba, các chính phủ, các ban lãnh đạo các trường học, các trường cao đẳng và đại học nên làm cho GDM trở thành ưu tiên cao. Lý tưởng, các tài nguyên giáo dục được những người đóng thuế cấp tiền nên là các TNGDM. Các quy trình công nhận và áp dụng nên trao sự ưu tiên cho TNGDM. Các kho tài nguyên giáo dục nên tích cực đưa vào và nhấn mạnh các TNGDM trong các bộ sưu tập của chúng.

Tuyên bố Cape Town cho thấy TNGDM chính là nền tảng của GDM, như được khẳng định trong định nghĩa GDM của Liên minh Xuất bản Học thuật và Tài nguyên Hàn lâm - SPARC (Scholarly Publishing and Academic Resources Coalition)[2] như sau:

Giáo dục Mở xoay quanh các tài nguyên, công cụ và thực hành là không có các rào cản về tài chính, pháp lý và kỹ thuật và có thể hoàn toàn được sử dụng, chia sẻ và tùy chỉnh trong môi trường (kỹ thuật) số. Nền tảng của Giáo dục Mở là Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM).

3. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Tập trung vào các khía cạnh có liên quan tới TNGDM như là đối tượng nghiên cứu, cùng với giả thuyết là có các tài liệu về TNGDM sẵn có trên Internet và có liên quan tới xã hội học tập, học tập suốt đời cũng như KNL TNGDM, tiến hành phân tích/tổng hợp và dịch (nếu cần) các thông tin từ các tài liệu thu thập được. Bằng cách đó đã có được kết quả ban đầu như được trình bày bên dưới đây.

4. Tài liệu ‘Khuyến nghị TNGDM của UNESCO’ 2019[3] với các khuyến nghị đề cập tới vai trò của TNGDM trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời

Ngày 25/11/2019, Khuyến nghị TNGDM của UNESCO đã được 193 quốc gia thành viên của nó thông qua, biến TNGDM trở thành một xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay. Khuyến nghị đã đưa ra những điều chính sau:

4.1. Định nghĩa TNGDM

Định nghĩa TNGDM trong Khuyến nghị được nêu bằng 2 đoạn sau:

  • TNGDM là các tư liệu dạy, học và nghiên cứu ở bất kỳ định dạng và phương tiện nào mà nằm trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền đã được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác không mất chi phí để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại.

  • Giấy phép mở tham chiếu tới giấy phép tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ của người nắm giữ bản quyền và đưa ra sự cho phép trao cho công chúng các quyền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại các tư liệu giáo dục.

Với định nghĩa như được nêu ở đây thì TNGDM chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả các nhà giáo dục, người học và cơ sở giáo dục[4], bất kể là chính quy, phi chính quy, không chính quy hay học tập suốt đời, và cho xã hội học tập nói chung.

4.2. Các lĩnh vực hành động được khuyến nghị

Có 5 lĩnh vực hành động được khuyến nghị, gồm:

  1. Xây dựng năng lực: phát triển năng lực của tất cả các bên tham gia đóng góp chính cho giáo dục để tạo lập, truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi, và phân phối lại TNGDM, cũng như để sử dụng và áp dụng các giấy phép mở theo cách thức ổn định với pháp luật bản quyền quốc gia và các bổn phận quốc tế;

  2. Phát triển chính sách hỗ trợ: khuyến khích các chính phủ, các nhà chức trách và các cơ sở giáo dục áp dụng thường xuyên khung công việc hỗ trợ cho việc cấp phép mở cho các tư liệu giáo dục và nghiên cứu được nhà nước cấp vốn, phát triển các chiến lược để xúc tác cho sử dụng và tùy chỉnh TNGDM để hỗ trợ cho giáo dục chất lượng cao, bao hàm toàn diện và học tập suốt đời cho tất cả mọi người, được nghiên cứu thích hợp trong lĩnh vực này hỗ trợ;

  3. Truy cập hiệu quả, bao hàm toàn diện và công bằng tới TNGDM chất lượng: hỗ trợ áp dụng các chiến lược và chương trình, bao gồm qua các giải pháp công nghệ thích hợp để đảm bảo TNGDM trong bất kỳ phương tiện nào được chia sẻ ở các định dạng và các tiêu chuẩn mở để tối đa hóa truy cập công bằng, đồng sáng tạo, giám tuyển, và khả năng tìm thấy được, bao gồm cho những người từ các nhóm dễ bị tổn thương và những người khuyết tật;

  4. Nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM: hỗ trợ và khuyến khích sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM ở các mức quốc gia, khu vực và cơ sở, và lên kế hoạch và kiểm thử thí điểm các dạng thức bền vững mới của giáo dục và học tập;

  5. Khai thác và tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế: hỗ trợ hợp tác quốc tế giữa các bên tham gia đóng góp để tối thiểu hóa đúp bản không cần thiết trong các đầu tư phát triển TNGDM và để phát trriển kho toàn cầu các tư liệu giáo dục đa dạng, phù hợp với địa phương, nhạy cảm với giới tính, truy cập được trong nhiều ngôn ngữ và định dạng.

Một mặt, các lĩnh vực hành động được khuyến nghị (ii) Phát triển chính sách hỗ trợ; (iii) Truy cập hiệu quả, bao hàm toàn diện và công bằng tới TNGDM chất lượng; và (v) Khai thác và tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế rõ ràng đề cập tới vai trò của TNGDM trong việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời khi chúng nhằm tới việc hỗ trợ cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người từ các nhóm dễ bị tổn thương và những người khuyết tật, có chú ý tới bình đẳng giới và đa dạng ngôn ngữ.

Mặt khác, các lĩnh vực hành động được khuyến nghị (i): xây dựng năng lực, và (iv) nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM cũng cần phải được đưa vào thực tế cuộc sống cho tất cả các bên liên quan, như được nêu ở điểm 4, phần I. Định nghĩa và phạm vi của tài liệu Khuyến nghị, gồm: các giảng viên, nhà giáo dục, người học, cơ quan chính phủ, các bậc phụ huynh, các nhà cung cấp và các cơ sở giáo dục, các nhân viên hỗ trợ giáo dục, các huấn luyện viên giảng dạy, những người làm chính sách giáo dục, các cơ sở văn hóa (như các thư viện, kho lưu trữ và viện bảo tàng) và những người sử dụng chúng, các nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, các nhà nghiên cứu, các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức xã hội (bao gồm các hiệp hội nghề nghiệp và sinh viên), các nhà xuất bản, các khu vực nhà nước và tư nhân, các tổ chức liên chính phủ, những người nắm giữ bản quyền và các tác giả, các nhóm truyền thông và phát thanh truyền hình và các cơ quan cấp vốn. Đây cũng chính là việc xây dựng năng lực và duy trì bền vững trong dài hạn TNGDM cho một xã hội học tập, học tập suốt đời.

Lưu ý là bài viết này chỉ nêu tiêu đề của các lĩnh vực hành động được khuyến nghị, trong khi trong tài liệu Khuyến nghị TNGDM của UNESCO, ứng với mỗi tiêu đề lĩnh vực hành động được nêu, là hàng loạt gợi ý làm thế nào các hành động được khuyến nghị nên được thực hiện và/hoặc tùy chỉnh cho phù hợp với điều kiện và/hoặc hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia.

5. Khung năng lực TNGDM

Tài nguyên giáo dục mở có tiềm năng biến đổi phi thường giúp đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững - SDG (Sustainable Development Goal) thứ 4 của Liên hiệp quốc: “Đảm bảo giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”. Trong khi nhận thức về TNGDM đang tiến hóa từng ngày, là cơ bản để có công cụ như Khung Năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở (KNL TNGDM) giúp hiện thực hóa các năng lực cơ bản như tìm kiếm, sử dụng/sử dụng lại, tạo lập và chia sẻ TNGDM vào thực tế cuộc sống cả trong ngắn, trung và dài hạn cho tất cả mọi người; và quan trọng không kém, để trả lời cho câu hỏi: Ai thực sự có năng lực TNGDM để có thể thực sự giúp nâng cao vai trò của GDM trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Là một quốc gia đi sau trong phong trào TNGDM, Việt Nam không nhất thiết phải ‘làm lại cái bánh xe’, mà có thể tùy chỉnh KNL TNGDM có sẵn trên thế giới cho phù hợp với điều kiện của mình, chẳng hạn như KNL TNGDM do Nhóm chuyên gia về TNGDM của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ – IOF (Organisation Internationale de la Francophonie) trong Diễn đàn Tunis đã tạo ra[5], như được minh họa trên Hình 1.

Cấu trúc KNL TNGDM có thể được chia thành 5 lĩnh vực năng lực gồm: (1) D1 Làm quen với TNGDM; (2) D2 Tìm kiếm TNGDM; (3) D3 Sử dụng TNGDM; (4) D4 Tạo lập TNGDM; và (5) D5 Chia sẻ TNGDM. Các năng lực TNGDM, được xây dựng dựa vào kiến thức - kỹ năng - thái độ, và được đặt trong từng lĩnh vực năng lực gồm:

D1 Làm quen với TNGDM

D1.1 Phân biệt TNGDM với tài nguyên khác

D1.2 Liệt kê vài yếu tố về sự nổi lên của TNGDM

D1.3 Cân nhắc vai trò cụ thể trong phong trào TNGDM

D2 Tìm kiếm TNGDM

D2.1 Sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm ra TNGDM

D2.2 Lựa chọn TNGDM thích hợp

D3 Sử dụng/Sử dụng lại TNGDM

D3.1 Phân biệt các dạng giấy phép Creative Commons khác nhau

D3.2 Tôn trọng các điều khoản của các giấy phép Creative Commons

D4 Tạo lập TNGDM

D4.1 Thiết kế TNGDM

D4.2 Sửa lại TNGDM

D4.3 Pha trộn TNGDM

D4.4 Cùng tạo lập TNGDM

D5 Chia sẻ TNGDM

D5.1 Chọn giấy phép cho TNGDM

D5.1 Gắn giấy phép cho TNGDM

D5.3 Xuất bản TNGDM

D5.4 Quảng bá TNGDM

KNL TNGDM, giống như nhiều KNL khác, bản thân nó thường có những đặc điểm sau đây:

  • KNL là một khung tham chiếu, cho phép các quốc gia/tổ chức/cơ sở/công ty có thể tùy chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của mình.

  • KNL thường không đi một mình, mà đi cùng với: (1) công cụ (tự) đánh giá năng lực trong KNL và thường được phát triển ở dạng một phần mềm web sao cho các kết quả (tự) đánh giá là có tức thì ngay sau khi gửi bản (tự) đánh giá để biết được người được đánh giá còn yếu ở (các) năng lực nào và cần phải được đào tạo cái gì để có được (các) năng lực đó; và (2) chương trình đào tạo với các nội dung cụ thể để có được từng năng lực trong KNL theo từng mức thông thạo khác nhau, chẳng hạn như: (1) cơ bản; (2) trung bình; (3) cao; (4) chuyên gia.

  • KNL là một khung lý thuyết, cần phải được triển khai trong thực tế và qua đó có được các phản hồi để dựa vào đó tinh chỉnh cho bản thân KNL đó cũng như công cụ đánh giá năng lực cho các phiên bản sau ngày càng sát hơn với thực tế.

Hình 1. KNL TNGDM của IOF

Thông thường, có 5 bước triển khai để đưa bất kỳ KNL có nguồn gốc nước ngoài nào, bao gồm cả KNL TNGDM như ở đây vào thực tế cuộc sống, chúng gồm:

  1. Bản địa hóa, tùy chỉnh và đặc tả từng lĩnh vực năng lực và từng năng lực.

  2. Đánh giá năng lực để tìm ra các điểm mạnh/yếu và mức thông thạo của từng cá nhân đối với từng năng lực bằng việc sử dụng công cụ (tự) đánh giá năng lực.

  3. Huấn luyện huấn luyện viên cho những ai phải xây dựng năng lực cho mình.

  4. Đào tạo năng lực cho những người sử dụng đầu cuối.

  5. Công nhận và chứng thực các năng lực đạt được.

6. Thảo luận

Sơ đồ KNL TNGDM như trên Hình 1 mới dừng ở mức một khung khái niệm, cần phải được chi tiết hóa hơn nữa, chẳng hạn như bổ sung thêm các mô tả, hướng dẫn và/hoặc ví dụ cụ thể đi kèm với từng năng lực, để có thể trở thành một KNL TNGDM hoàn chỉnh; cùng với năm bước triển khai KNL TNGDM để đưa nó vào thực tế cuộc sống cũng đặt ra nhiều câu hỏi thảo luận, vài trong số đó được nêu ở đây, chẳng hạn như:

  • Đặc tả từng lĩnh vực năng lực và từng năng lực như thế nào?

  • Xây dựng bảng các câu hỏi (tự) đánh giá năng lực TNGDM như thế nào?

  • Cách đánh giá năng lực TNGDM dựa vào bảng câu hỏi như thế nào?

  • Xây dựng chương trình đào tạo tương ứng từng năng lực của KNL như thế nào?

  • Tổ chức nào có trách nhiệm công nhận và chứng thực KNL?

  • Làm thế nào để triển khai hiệu quả KNL TNGDM khi chưa/không có chính sách cấp phép mở ở cấp quốc gia/cơ sở?

7. Kết luận và gợi ý

Vai trò của GDM trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời chắc chắn sẽ được nâng cao nếu cả 5 lĩnh vực hành động được khuyến nghị trong tài liệu Khuyến nghị TNGDM của UNESCO đã được 193 quốc gia thành viên của nó nhất trí thông qua trong năm 2019 đều được tạo điều kiện để hiện thực hóa trong thực tế cuộc sống càng sớm và càng tích cực càng tốt, trong đó nên có việc triển khai KNL TNGDM sẵn có (được tùy chỉnh cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam) do Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ sáng tạo ra từ 2016, càng nhanh và càng rộng càng tốt trong tất cả các cơ sở giáo dục mọi cấp học, bất kể chính quy, phi chính quy, không chính quy, hay học tập suốt đời.

Vì việc cấp phép mở nằm trong định nghĩa của TNGDM và là các thành phần không thể thiếu trong cấu trúc của KNL TNGDM, thể hiện ở các năng lực chọn và gắn giấy phép cho TNGDM (trong lĩnh vực năng lực chia sẻ TNGDM), để nhanh chóng thúc đẩy ứng dụng và phát triển TNGDM, gợi ý cấp bách xây dựng chính sách cấp phép mở ở các mức quốc gia/cơ sở giáo dục cho các tài nguyên/dữ liệu được tạo ra từ tiền ngân sách nhà nước cấp, tất nhiên có loại trừ các tài nguyên/dữ liệu liên quan tới bí mật/an ninh quốc gia, quyền riêng tư của công dân và/hoặc bất kỳ điều cấm kỵ nào khác được pháp luật nêu rõ ràng; đi kèm với điều đó là chính sách ưu đãi/khen thưởng thỏa đáng cho (các) tác giả đã tạo ra các tài nguyên/dữ liệu nguyên bản gốc ban đầu đó.

KNL TNGDM đứng một mình hầu như sẽ không có ý nghĩa gì nhiều. Vì vậy, cần xây dựng bộ 3 sản phẩm: KNL TNGDM, công cụ đánh giá năng lực TNGDM và chương trình đào tạo năng lực TNGDM ở cả các mức quốc gia/cơ sở, và gợi ý, theo cách tiếp cận một khung tham chiếu chung để các cơ sở có thể dựa vào khung chung đó mà tùy chỉnh phù hợp với bối cảnh, nguồn lực và sự phát triển của từng cơ sở theo từng giai đoạn, biết rằng để có đầy đủ các năng lực TNGDM ở tất cả các mức thông thạo khác nhau không phải là công việc có thể đạt được ngay trong một sớm một chiều.

Tài liệu tham khảo

[1] Capetowndeclaration.org: Cape Town Open Eduction Declaration 10th Anniversary: https://www.capetowndeclaration.org/wp-content/uploads/cpt10-booklet.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/skvnxnc64m82vz6/cpt10-booklet-Vi-04122018.pdf?dl=0

[2] SPARC: Open Education: https://sparcopen.org/open-education/

[3] UNESCO, 2019: Certified Copy of the Recommendation on Open Educational Resources (OER): https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373755/PDF/373755eng.pdf.multi.page=3. Bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/o6lml26uw88ear2/DCPMS_U1911920_Vi-04122019.pdf?dl=0

[4] Trang Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở: Lợi ích của Tài nguyên Giáo dục Mở: https://giaoducmo.avnuc.vn/giao-duc/loi-ich-cua-tai-nguyen-giao-duc-mo-290.html

[5] Open Educational Resources (OER) expert group of the International Organisation of La Francophonie IOF at the Tunis Forum: Open Educational Resources Competency Framework: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000266159_eng; CC BY 4.0.


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Tự do tải về bài viết định dạng PDF ở địa chỉ DOI: 10.5281/zenodo.10059828

Tự do tải về bài trình chiếu tại hội thảo ở địa chỉ: https://www.dropbox.com/scl/fi/l2905gp7qajgc09wb4a0z/OER_Framework_Tools_LLL.pdf?rlkey=m02wn98l6a940ytx69m4fl49f&dl=0

Tweet: https://twitter.com/nghiafoss/status/1719529326591574124

ORCID logo Lê Trung Nghĩa, ORCID iD: https://orcid.org/0009-0007-7683-7703

Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở (InOER)

Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam (AVU&C)

(Bài viết cho Hội thảo khoa học quốc gia: Vai trò của Giáo dục Mở trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, do Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức ngày 01/11/2023).

Xem thêm:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIÁO DỤC MỞ - TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ: ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay3,160
  • Tháng hiện tại54,580
  • Tổng lượt truy cập6,496,654
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây