Thừa nhận ghi công tác giả và kết hợp các tài nguyên mở với các giấy phép Creative Commons khác nhau khi thiết kế video bài giảng điện tử 2021

Thứ bảy - 25/09/2021 19:58
Thừa nhận ghi công tác giả và kết hợp các tài nguyên mở với các giấy phép Creative Commons khác nhau khi thiết kế video bài giảng điện tử 2021

Bài viết này nhằm hỗ trợ cho các thí sinh tham dự cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử 2021 theo Quyết định số 2915/QĐ-BGDĐT ngày 17/09/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó đề cập tới 2 khía cạnh nội dung có liên quan tới các tài nguyên được cấp phép mở bằng các giấy phép Creative Commons: (1) Thừa nhận ghi công tác giả; và (2) Kết hợp 2 hoặc nhiều hơn các tài nguyên với các giấy phép Creative Commons khác nhau.

Theo yêu cầu của cuộc thi, các video của các thí sinh sẽ mang các giấy phép CC BY hoặc CC BY-SA. Với các yêu cầu này, các thí sinh có thể sử dụng, như đã được nêu trong bài “Vài gợi ý cho các thí sinh dự thi bài giảng điện tử 2021”[1], 3 loại giấy phép Creative Commons, đó là 2 loại giấy phép kể trên, và CC0 đối với các dạng nội dung được tải về từ Internet để sử dụng trong video bài thi, ví dụ như các tệp âm thanh, hình ảnh và/hoặc các đoạn video.

Thừa nhận ghi công tác giả đối với các tài nguyên được cấp phép mở

Khi sử dụng 6 giấy phép tiêu chuẩn của Creative Commons[2], bao gồm cả CC BY và CC BY-SA, bạn phải thừa nhận ghi công tác giả cho các tác phẩm mang các giấy phép tiêu chuẩn đó. Dấu hiệu để bạn nhận biết việc này là bất kỳ tài nguyên nào mang giấy phép có dấu hiệu hình người trong vòng tròn và bên dưới có từ BY (như trong giấy phép CC BY). Nó ngụ ý rằng đây là tài nguyên/tác phẩm do người khác, chứ không phải do bạn làm ra, và vì thế, bạn có bổn phận phải thừa nhận ghi công tác giả khi sử dụng tài nguyên/tác phẩm đó.

Nguyên tắc tối thiểu thừa nhận ghi công tác giả đối với các tài nguyên/tác phẩm được cấp phép mở là TASL, như trên Hình 1:

Hình 1. Thừa nhận ghi công tác giả theo nguyên tắc tối thiểu TASL


Sở dĩ TASL được gọi là nguyên tắc tối thiểu thừa nhận ghi công tác giả vì ngoài TASL ra, có thể có các thông tin bổ sung cho việc thừa nhận ghi công tác giả, ví dụ như, các thông tin về dự án và/hoặc tổ chức của người sử dụng.

Ví dụ, video bài giảng của bạn có thể có cả các tệp nội dung âm thanh, hình ảnh và video bạn tải về từ Internet, với các giấy phép Creative Commons khác nhau, bạn có thể thừa nhận ghi công chúng một cách tương ứng như các hình dưới đây (giả thiết bạn sử dụng trình soạn thảo video nguồn mở OpenShot[3] để làm video bài giảng và sử dụng mẫu template có tên là Creative Commons trong trình soạn thảo video đó để chèn vào các thông tin thừa nhận ghi công cho các tác giả):

Hình 2. Thừa nhận ghi công tác giả bản nhạc với giấy phép CC BY tải về từ Internet

Hình 3. Thừa nhận ghi công tác giả hình ảnh với giấy phép CC BY-SA tải về từ Internet

Hình 4. Thừa nhận ghi công tác giả video với giấy phép CC0 tải về từ Internet. Bạn có thể không thừa nhận ghi công tác giả bằng việc bỏ trống dòng 3 (Line 3) vì đoạn video này mang giấy phép CC0 - nằm trong hoặc được hiến tặng vào phạm vi công cộng.


Kết hợp các tài nguyên mở với các giấy phép Creative Commons khác nhau

Giả thiết, bạn có ý định sử dụng toàn bộ hoặc một phần bản nhạc, hình ảnh và/hoặc video với các giấy phép khác nhau như trên các Hình 2, 3, và 4 nêu trên trong video bài giảng của bạn.

Câu hỏi đặt ra là: video bài giảng của bạn sẽ mang giấy phép nào khi kết hợp các tài nguyên với các giấy phép CC khác nhau đó, và làm thế nào để sự kết hợp đó vừa đúng ý của bạn, vừa tuân thủ các yêu cầu của cuộc thi, và vừa không vi phạm bản quyền của bất kỳ ai.

Trước hết, bạn cần nắm được nguyên tắc kết hợp 2 tài nguyên/tác phẩm được cấp phép mở bằng các giấy phép Creative Commons với những lưu ý sau đây:

  1. Khi 2 tài nguyên/tác phẩm mang 2 giấy phép Creative Commons giống nhau kết hợp với nhau, thì tác phẩm kết hợp sẽ mang giấy phép đó. Ví dụ:

    1. cả 2 tác phẩm đều mang giấy phép CC BY, thì tác phẩm kết hợp của chúng cũng mang giấy phép CC BY;

    2. cả 2 tác phẩm đều mang giấy phép CC BY-SA, thì tác phẩm kết hợp của chúng cũng mang giấy phép CC BY-SA;

    3. cả 2 tác phẩm đều mang giấy phép CC0, thì tác phẩm kết hợp của chúng cũng mang giấy phép CC0;

  2. Khi 2 tài nguyên/tác phẩm mang 2 giấy phép Creative Commons khác nhau kết hợp với nhau, thì tác phẩm kết hợp sẽ mang giấy phép có mức độ tự do thấp hơn. Như trên Hình 5 chỉ ra, giấy phép CC0 có mức độ tự do cao nhất, rồi tới CC BY và cuối cùng là CC BY-SA, giấy phép có mức độ tự do thấp nhất trong số 3 giấy phép được nêu ở đây. Vì thế:

Hình 5. Mức độ tự do của các giấy phép Creative Commons

    1. nếu đoạn video mang giấy phép CC0 (Hình 4) kết hợp với bản nhạc hoặc một đoạn của bản nhạc mang giấy phép CC BY (Hình 2), thì tác phẩm kết hợp mang giấy phép CC BY;

    2. nếu bản nhạc hoặc một đoạn của bản nhạc mang giấy phép CC BY (Hình 2) kết hợp với hình ảnh mang giấy phép CC BY-SA (Hình 3), thì tác phẩm kết hợp mang giấy phép CC BY-SA;

    3. nếu đoạn video mang giấy phép CC0 (Hình 4) kết hợp với hình ảnh mang giấy phép CC BY-SA (Hình 3), thì tác phẩm kết hợp mang giấy phép CC BY-SA;

  1. Không phải bất kỳ 2 giấy phép mở Creative Commons nào cũng kết hợp được với nhau. May thay, vì theo yêu cầu của cuộc thi thì chỉ các video mang giấy phép CC BY hoặc CC BY-SA mới là hợp lệ, và bất kỳ tài nguyên/tác phẩm nào mang giấy phép CC0 cũng có thể kết hợp tốt được với 2 giấy phép nêu trên, nên bạn không phải xét tới các giấy phép Creative Commons khác ngoài 3 giấy phép CC BY, CC BY-SA, và CC0.

Với nguyên tắc TASL cho việc thừa nhận ghi công tác giả của các tài nguyên/tác phẩm cùng với các gợi ý cụ thể khi kết hợp các tài nguyên/tác phẩm được cấp phép mở bằng các giấy phép mở Creative Commons được nêu trong bài viết này, chắc chắn chúng sẽ giúp bạn thiết kế bài giảng video của bạn vừa đúng theo ý bạn, vừa tuân thủ với các yêu cầu về các giấy phép của cuộc thi, vừa không vi phạm bản quyền của ai.


Các chú giải

[1] Lê Trung Nghĩa, 2021: Vài gợi ý cho các thí sinh dự thi bài giảng điện tử 2021: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/vai-goi-y-cho-cac-thi-sinh-du-thi-bai-giang-dien-tu-2021-510.html

[2] Lê Trung Nghĩa, 2018: Cấp phép mở Creative Commons cho các tài nguyên truy cập mở, tài nguyên giáo dục mở và dữ liệu mở: https://vnfoss.blogspot.com/2018/05/cap-phep-mo-creative-commons-cho-cac.html

[3] Trình soạn thảo video nguồn mở OpenShot: https://www.openshot.org/


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa


Xem thêm: Vài gợi ý cho các thí sinh dự thi bài giảng điện tử 2021

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIÁO DỤC MỞ - TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ: ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trang Web này được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-HH do Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – AVU&C (Association of Vietnam Universities and Colleges), GS.TS. Trần Hồng Quân ký ngày 16/09/2019, ngay trước thềm của Hội thảo ‘Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở’ do 5...

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay9,349
  • Tháng hiện tại141,680
  • Tổng lượt truy cập7,019,709
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây